Một năm "vượt khó"
Ngày 2/1, trao đổi với PV Đời sống & Pháp luật, đại diện Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) cho biết, năm 2024 hoạt động vận tải hàng không tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ, bên cạnh đó tính chất hoạt động bay ngày càng phức tạp; các đơn vị quân sự tăng cường hoạt động bay huấn luyện, hoạt động bay không người lái; nhiều tàu bay lạ xuất hiện trong FIR Hà Nội, Hồ Chí Minh, trên biển Đông và vùng trời Đà Nẵng, cùng đó là diễn biến phức tạp của thời tiết là những khó khăn thách thức đối với công tác cung cấp dịch vụ của VATM đồng thời cũng mở ra nhiều cơ hội để cải thiện quy trình và ứng dụng công nghệ hiện đại.
"Mục tiêu điều hành bay An toàn - Điều hòa - Hiệu quả cho tất cả các chuyến bay trong vùng trời trách nhiệm là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của VATM", đại diện VATM nhấn mạnh.
Để đạt được mục tiêu này, VATM cho biết đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp về tổ chức vùng trời, đường hàng không, phương thức bay, quản lý luồng không lưu, góp phần tối ưu hóa vùng trời, tiết kiệm chi phí cho hãng hàng không, giảm khối lượng công việc cho kiểm soát viên không lưu.
Nhằm đồng bộ tổng thể vùng trời trách nhiệm, VATM đã chủ động nghiên cứu tổ chức lại toàn bộ vùng trời các phân khu đường dài và tiếp cận trong FIR Hà Nội và Hồ Chí Minh; nghiên cứu điều chỉnh vùng trời khu vực miền Trung để phù hợp với tính chất là khu vực Trung tận. Nghiên cứu thực hiện giảm tiêu chuẩn phân cách giám sát ATS tối thiểu trong khu vực trách nhiệm của ACC Hồ Chí Minh từ 10NM hiện tại xuống 5NM.
Đồng thời, Tổng công ty áp dụng các phương thức bay PBN cho toàn bộ 22 sân bay theo Kế hoạch của Cục Hàng không, đáp ứng tiến độ của khu vực và thế giới. Chính thức thiết lập các vị trí kiểm soát mặt đất Cam Ranh.
Hoàn thành thiết kế các phương thức bay, đường hàng không và tổ chức vùng trời cho cụm sân bay Tân Sơn Nhất - Long Thành - Biên Hòa đáp ứng quy mô công suất khai thác giai đoạn đầu của sân bay Long Thành.
Triển khai Quy trình điều tiết luồng không lưu trong điều kiện thời tiết bất lợi và Phương thức khai thác ATFM đa điểm nút mức 3 tại Việt Nam, kết quả đã giảm một nửa số lượng tàu bay phải bay chờ tại các sân bay có hoạt động bay đông và trong điều kiện thời tiết bất lợi so với cùng kỳ năm 2023.
Vị đại diện VATM cho biết: "Năm 2024, VATM đã triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo tốt nhất chất lượng dịch vụ Thông tin dẫn đường giám sát (CNS), thực hiện tốt các quy trình khai thác, bảo dưỡng, duy trì tình trạng hoạt động của các hệ thống trang thiết bị kỹ thuật luôn ổn định, thông tin liên lạc thông suốt, phục vụ kịp thời công tác điều hành bay.
Hoàn thành chuyển đổi khai thác từ AFTN sang AMHS tại tất cả các đài Kiểm soát không lưu; triển khai kết nối mạng AIDC, kết nối CRV với các ACC các quốc gia lân cận. Cùng với đó, đã triển khai nhiều biện pháp tăng cường bảo đảm an toàn thông tin mạng nhằm phát hiện sớm nguy cơ, dấu hiệu tấn công mạng và sẵn sàng kế hoạch ứng phó để đảm bảo an toàn hệ thống cung cấp dịch vụ điều hành bay của Tổng công ty".
Đảm bảo an toàn những chuyến bay
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, năm 2024, VATM đã đảm bảo an toàn cho 100% các chuyến bay trong vùng trời trách nhiệm. Bộ chỉ số an toàn của Tổng công ty (14/14 chỉ số) đạt 100% mức độ an toàn chấp nhận được.
Sản lượng điều hành bay ước đạt 864.725 lần chuyến, đạt 108,03% kế hoạch năm 2024 và bằng 114,23 % so cùng kỳ 2023.
Triển khai kịp thời, chính xác 11.360 phép bay đột xuất; điều hành 318 lần chuyến bay chuyên cơ và 66 chuyến bay cứu thương. Tổng doanh thu: ước đạt 4.237 tỷ đồng, tăng 15,2% so với thực hiện của năm 2023 và vượt 8,7% so với kế hoạch 2024.
Tổng lợi nhuận trước thuế: ước đạt 1.431 tỷ đồng, tăng 30,3% so với thực hiện của năm 2023 và vượt 30,2% so với kế hoạch 2024.
Nộp ngân sách nhà nước: ước đạt 2.819 tỷ đồng, tặng 37,9% so với thực hiện của năm 2023 và vượt 16,1% so với kế hoạch 2024.
Thông tin về mục tiêu, hành động trong năm 2025, VATM cho biết Tổng công ty sẽ duy trì, đảm bảo và nâng cao chất lượng, an toàn trong cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay nói chung, trọng yếu là công tác điều hành bay. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai, hiện đại hóa hạ tầng quản lý bay, triển khai Đề án phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh hiện đại hóa, tiêu chuẩn hóa, số hóa quy trình quản trị doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, xây dựng và quyết liệt triển khai phương án bố trí, sắp xếp lực lượng lao động và tổ chức, bộ máy theo hướng tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Tập trung nguồn lực, quyết tâm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành trước kế hoạch và chuẩn bị đưa vào khai thác các dự án trọng điểm: Dự án thành phần 2 Cảng HK quốc tế Long Thành và Dự án Trung tâm Kiểm soát không lưu Hồ Chí Minh; tập trung đảm bảo, nâng cao thu nhập, phúc lợi và đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động.
Xây dựng và hoàn thiện chiến lược phát triển Tổng công ty giai đoạn 2026 - 2031, tập trung chuyển đổi số, tập trung phát triển hạ tầng, con người và cấu trúc các dịch vụ theo hướng hiện đại, đáp ứng các yêu cầu đảm bảo an toàn, điều hòa và hiệu quả, kinh tế xanh và phát triển bền vững.
Tăng tốc đưa các công trình trọng điểm về đích
Đối với các Dự án trọng điểm, năm 2024, VATM đã phát động 3 đợt thi đua cao điểm với quyết tâm “Vượt nắng, thắng mưa, sớm đưa công trình về đích”. Quyết liệt chỉ đạo các đơn vị, các cơ quan chuyên môn luôn bám công trường, đôn đốc các nhà thầu, dồn lực ngày đêm tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các hạng mục lớn, rút ngắn thời gian thi công.
Dự án thành phần 2 “Các công trình phục vụ quản lý bay” thuộc dự án Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1, công tác thi công xây dựng công trình Đài Kiểm soát không lưu đã hoàn thành đến cao độ +107,880m/123,050m và các công trình CNS (Trạm radar sơ cấp/Thứ cấp và Trạm phát sóng vô tuyến; Trạm thu sóng vô tuyến và Trạm giám sát phụ thuộc; Trạm radar khí tượng; Đài dẫn đường đa hướng và đo cự li DVOR/DME) đang gấp rút hoàn thiện, tiến độ thi công đạt khoảng 80%; các gói thầu thiết bị chuyên ngành chính đã có kết quả lựa chọn nhà thầu, được ký kết hợp đồng và đáp ứng tiến độ chung của dự án.
Dự án Trung tâm kiểm soát không lưu Hồ Chí Minh đang trong giai đoạn khẩn trương hoàn thiện Phần kiến trúc Nhà điều hành, các công trình phụ trợ và lắp đặt thiết bị công trình nhằm đáp ứng và hoàn thành khối lượng theo cam kết của Nhà thầu trong các đợt thi đua. Công tác triển khai các gói thầu của Dự án cơ bản đáp ứng tiến độ theo kế hoạch đề ra.