+Aa-
    Zalo

    Vạch trần thủ đoạn bôi bẩn thương hiệu chè Lâm Đồng nhiễm Dioxin

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Những ngày qua, người dân TP. Bảo Lộc, TP. Đà Lạt lao đao vì tin đồn thất thiệt chè Lâm Đồng nhiễm chất độc Dioxin.

    (ĐSPL) - Những ngày qua, người dân TP. Bảo Lộc, TP. Đà Lạt lao đao vì tin đồn thất thiệt chè Lâm Đồng nhiễm chất độc Dioxin. Sau khi xuất hiện, tin đồn lan nhanh, gây hậu quả vô cùng nặng nề cho các doanh nghiệp cũng như người dân trồng chè.

    Sau nhiều nỗ lực, các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đang vào cuộc làm rõ động cơ bôi bẩn thương hiệu chè Lâm Đồng và khẳng định diện tích chuyên canh chè tại địa phương nằm ngoài vùng bị ảnh hưởng bởi chất Dioxin.

    Điêu đứng vì tin đồn

    Ghi nhận tại các vùng chuyên canh chè lớn của Lâm Đồng như TP. Bảo Lộc, TP. Đà Lạt, PV báo Đời sống và Pháp luật nhận thấy sự bức xúc, thất vọng của nông dân sau tin đồn cây chè trồng trên vùng đất nhiễm chất độc Dioxin. Tại các đồi chè bạt ngàn ngoại ô TP. Bảo Lộc, người dân vẫn ra vườn chăm sóc nhưng trong tâm trạng hết sức hoang mang.

    (bgiay)Vạch trần thủ đoạn bôi bẩn thương hiệu chè Lâm Đồng của đố

    Người dân thu hái chè trong tâm trạng hoang mang vì tin đồn khiến thương lái dừng thu mua.

    Ông Đinh Thế Tâm, chủ vườn chè tại TP. Bảo Lộc cho biết: "Sau tin đồn, chúng tôi bị các thương lái ngừng mua, khiến lượng chè đã thu hoạch tồn đọng rất nhiều. Đáng nói hơn, tại các nhà máy chế biến, xuất khẩu, lượng trà cũng đình trệ, không thể xuất khẩu vì tin đồn".

    Người dân TP. Bảo Lộc chủ yếu sống nhờ cây chè. Từ lâu, cây chè được tỉnh Lâm Đồng xác định là cây xoá đói, giảm nghèo và làm giàu của nông dân, đồng thời là một trong những cây công nghiệp chủ lực, có lợi thế trong nền kinh tế thị trường. Theo đó, việc xuất hiện tin đồn khiến thương hiệu, uy tín chè tại đây sụt giảm gây ảnh hưởng trầm trọng đến đời sống kinh tế của người dân địa phương. Theo tin từ Sở NN&PTNT Lâm Đồng, sau tin đồn, phía Đài Loan đã ách sản phẩm chè nhập khẩu từ Việt Nam lại để kiểm tra. Các số liệu chưa qua thống kê một cách chính xác, cho thấy hiện có khoảng 70 container chè thành phẩm đang bị ách lại chờ thông quan ở Đài Loan.

    Ghi nhận thực tế, không chỉ người dân TP. Bảo Lộc "đứng ngồi không yên" sau tin đồn, những hộ gia đình, doanh nghiệp kinh doanh trà ô long tại TP. Đà Lạt cũng vô cùng hoang mang. Theo đó, các hộ gia đình cho biết, từ trước đến nay, chè ô long của địa phương vẫn là một trong những mặt hàng xuất khẩu hàng đầu. Tuy nhiên, khi tin đồn lan nhanh, việc xuất khẩu bị đình trệ, ách tắc, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc đưa mặt hàng này ra nước ngoài khiến các thương lái cũng dè dặt, thậm chí ngưng thu mua chè. Việc này làm cho người trực tiếp kinh doanh cây chè ô long tại TP. Đà Lạt hết sức hoang mang. Chị Bùi Thị ái (35 tuổi, ngụ TP. Đà Lạt) cho biết: "Những ngày qua, người trồng chè chúng tôi rất lo lắng. Nếu chè không xuất khẩu, không ai thu mua thì thật đúng là thảm họa. Nhiều người đã tính đến phương án nhổ chè để trồng rau, hoa,...".

    Chiêu bẩn trong cạnh tranh

    Tin đồn thất thiệt gây hậu quả nặng nề cho thương hiệu chè Lâm Đồng bắt nguồn từ việc bà Chu Ngọc Khấu của Đài Loan tung tin chè Việt Nam có chứa chất độc Dioxin lên facebook từ ngày 6/11. Cũng theo người này, hiện tại, hàng chục ngàn tấn chè Việt Nam đang bị niêm phong để kiểm tra, đồng thời cảnh báo người dân Đài Loan đừng dùng các loại chè này. Mặc dù người đại diện công ty chè Lý Vương, ông Đồ Trung Chính lên tiếng bác bỏ mọi tin đồn và khẳng định chè có xuất xứ Việt Nam do công ty này nhập khẩu đạt các tiêu chuẩn an toàn nhưng trên các trang mạng vẫn tiếp tục xuất hiện tin đồn cho rằng công ty trà Lý Vương đã cho thu hồi toàn bộ sản phẩm chè có xuất xứ Việt Nam.

    Lên tiếng sau tin đồn nguy hại, Sở NN&PTNT, Sở TN&MT Lâm Đồng cùng các đơn vị liên quan tiến hành xác minh, khẳng định toàn bộ diện tích chuyên canh chè tại địa bàn tỉnh không nằm trên khu vực bị ảnh hưởng bởi chất độc Dioxin. Cùng nhận định trên, ông Đoàn Trọng Phương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam (phụ trách khu vực phía Nam) khẳng định, chè Lâm Đồng không trồng trên vùng đất nhiễm Dioxin. Đơn vị này cũng sẽ thông báo, phối hợp với Hiệp hội Chè Đài Loan (Trung Quốc) để phản bác thông tin trên một số tờ báo, website tại Đài Loan rằng "Chè Lâm Đồng, Việt Nam trồng trên vùng đất nhiễm chất độc".

    Ông Lê Văn Minh, Giám đốc sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng nhận định, nguyên nhân của tin đồn thất thiệt có dấu hiệu của việc cạnh tranh không lành mạnh. Việc sản xuất chè ô long tại Việt Nam có lợi thế hơn hẳn Đài Loan, nên giá cả cạnh tranh hơn. Có thể vì vậy mà một số người làm chè ở Đài Loan tung tin thất thiệt để gây khó, hạ uy tín chè Việt Nam. ông Minh cũng cho biết, đích thân ông Nguyễn Xuân Tiến, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã chủ trì cuộc họp bàn biện pháp xử lý vụ việc. Tỉnh giao cho Sở TN&MT phối hợp với các ban ngành liên quan thu thập luận cứ, bác bỏ những thông tin sai lệch về chất lượng chè ô long Lâm Đồng; đồng thời có văn bản báo cáo với các sở TN&MT, Công Thương, Ngoại giao về vấn đề này.

    Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Lâm Đồng cho biết, sau khi nghiên cứu, căn cứ bản đồ vùng bị nhiễm chất độc Dioxin trong chiến tranh ở Việt Nam và một số chứng lý khác đã chứng minh, khẳng định toàn bộ diện tích trồng chè ở Lâm Đồng nằm ngoài các khu vực bị ảnh hưởng bởi chất độc Dioxin. Về mặt kinh tế, Sở TN&MT tỉnh này cũng cho biết, từ trước đến nay, chè Lâm Đồng nói riêng và các loại nông sản nói chung được xuất đi nhiều nước, kể cả những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc và các nước châu âu. Tuy nhiên, tại các thị trường được cho là khó tính, kiểm tra gắt gao, yêu cầu nghiêm ngặt trên, chè Việt Nam nói chung và chè có xuất xứ từ Lâm Đồng nói riêng chưa một lần vấp phải tình trạng điêu đứng như trên.

    Liên quan đến việc bóc trần sự dối trá, bôi bẩn của tin đồn thất thiệt từ phía Đài Loan, chi cục Kiểm tra chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh Lâm Đồng cũng đưa ra những bằng chứng chứng minh sự an toàn tuyệt đối của mặt hàng chè sản xuất tại tỉnh. Cụ thể, ông Nguyễn Phúc Tín, Chi cục phó Chi cục Kiểm tra chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh Lâm Đồng cho biết, vùng chè Lâm Đồng được thực hiện dựa trên cơ sở vùng chè do người Pháp quy hoạch từ những năm 1927-1930 và thường xuyên được đơn vị này kiểm tra. Theo đó, trong lần kiểm tra mới đây để quy hoạch vùng chè Lâm Đồng đến năm 2020, cơ quan này đã phân tích gần 1.000 mẫu đất, hơn 200 mẫu nước khắp các vùng trồng chè và dự định trồng chè tại Lâm Đồng, với kết quả cho thấy chất lượng đất trồng chè phù hợp tiêu chuẩn của Việt Nam và các nước. Bản thân ông Tín cũng tái khẳng định, không có bất cứ thông số nào cho thấy Dioxin có mặt trong chè Việt Nam.

    Ngoài ra, đơn vị này cũng cho biết, công ty Suzuki Vina (Nhật Bản) đã đến Việt Nam và lấy mẫu đất, nước ở các vùng chè khắp Lâm Đồng phân tích ròng rã nhiều năm liền. Kết quả phân tích khẳng định, đất ở Lâm Đồng hoàn toàn đảm bảo để sản xuất chè theo tiêu chuẩn cao nhất hiện nay là hữu cơ. Trong khi đó, các trang mạng tại Đài Loan liên tục đăng tải tin đồn nhưng lại không một trang nào đưa ra được bất cứ luận chứng, luận cứ hoặc bằng chứng xác thực nào để biện minh cho phát biểu chè Việt Nam nhiễm chất độc Dioxin.

    Nếu đất Lâm Đồng nhiễm Dioxin, Mỹ đã ngăn việc nhập nông sản vào nước mình

    Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng khẳng định: "Nếu ở Lâm Đồng từng bị Mỹ rải Dioxin, chắc chắn Mỹ đã có hàng rào kỹ thuật để ngăn nông sản Lâm Đồng vào Mỹ. Thực tế, rất nhiều nông sản tại Lâm Đồng xuất sang thị trường Mỹ bình thường. Trong khi đó, theo số liệu từ sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng, ngoài xuất khẩu vào Đài Loan, mỗi năm chè ô long từ Lâm Đồng còn xuất sang các thị trường khó tính như Nhật, Anh và Mỹ khoảng 12.000 tấn và chưa có ghi nhận nào về việc chè bị tiêu hủy hoặc bị trả lại do nhiễm Dioxin".

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vach-tran-thu-doan-boi-ban-thuong-hieu-che-lam-dong-nhiem-dioxin-a72638.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.