+Aa-
    Zalo

    Vắc-xin chưa phải là tất cả, căn bản nhất là các biện pháp phòng chống dịch

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Những liều vắc-xin phòng Covid-19 đầu tiên sẽ được tiêm cho người dân Việt Nam theo đúng tinh thần Nghị quyết 21 của Chính phủ.

    Những liều vắc-xin phòng Covid-19 đầu tiên sẽ được tiêm cho người dân Việt Nam theo đúng tinh thần Nghị quyết 21 của Chính phủ. Tuy nhiên, theo đánh giá của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, vắc-xin chưa phải là tất cả, căn bản nhất là các biện pháp phòng chống dịch.

    Hình minh họa

    Tập trung tăng tốc nghiên cứu vắc-xin trong nước

    Chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch bệnh cuối tuần qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 nhấn mạnh là song song với việc mua vắc-xin từ nước ngoài, chúng ta cần tập trung nghiên cứu, sản xuất, chủ động nguồn vắc-xin trong nước, phải khẩn trương từng giờ, từng phút như chống dịch.

    Đến nay, Việt Nam có 3 ứng viên vắc- xin, 1 loại đã hoàn thành quá trình thử nghiệm trên người giai đoạn một cho kết quả tốt và đã tiến hành giai đoạn thử nghiệm thứ hai. Hai vắc-xin còn lại, tới đây bộ Y tế sẽ khẩn trương tiến hành thử nghiệm trên người giai đoạn 1. Việc nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm vắc- xin trong nước phải “tuân thủ tất cả các bước, chắc chắn, nhưng cố gắng nhanh nhất có thể”.

    Theo Phó Thủ tướng, trong chương trình tiêm chủng mở rộng đã có một số vắc-xin sản xuất trong nước rất tốt và nếu nghiên cứu, phát triển thành công vắc-xin ngừa Covid-19, chúng ta sẽ chủ động được nguồn vắc-xin cho 100 triệu dân, vì những thông tin ban đầu cho thấy các vắc-xin ngừa Covid-19 chỉ sinh ra kháng thể trong một thời gian nhất định, có nghĩa nhiều khả năng hàng năm đều phải tiêm nhắc lại chứ không phải 1 đợt, hay 1 năm là xong.

    Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội để năng lực nghiên cứu vắc-xin của Việt Nam bước lên một tầm mới, để chuẩn bị ứng phó đối với những dịch bệnh có thể xảy ra trong tương lai. “Vắc-xin là giải pháp căn cơ, lâu dài để kiểm soát dịch bệnh trên phạm vi toàn cầu nhưng trong một thời gian ngắn hạn (6 tháng-1 năm) thì vắc-xin chưa phải là tất cả mà đầu tiên, căn bản nhất vẫn phải là các biện pháp phòng chống dịch ban đầu rất hiệu quả của chúng ta, cộng thêm với vắc-xin”, Phó Thủ tướng nói.

    Đối với những nước đối tác có tiềm lực sản xuất vắc- xin và đã triển khai tiêm cho người dân, Phó Thủ tướng cũng đề nghị bộ Y tế chủ trì, cùng với bộ Ngoại giao, bộ VH,TT&DL khẩn trương nghiên cứu, xây dựng, ban hành các hướng dẫn tạo điều kiện cho những người đã được tiêm vắc-xin ở nước ngoài được nhập cảnh vào Việt Nam bảo đảm an toàn, phục vụ mục tiêu kép.

    Ban Chỉ đạo lưu ý, trong thời gian tới, với việc triển khai tiêm vắc-xin rộng rãi ở các nước cũng như tại Việt Nam thì cần chuẩn bị sớm tập trung nghiên cứu, cải tiến, chuẩn bị các điều kiện sản xuất các loại sinh phẩm xét nghiệm kháng thể (xét nghiệm nhanh).

    Tiêm vắc-xin không bảo đảm phòng bệnh 100%

    Tại cuộc họp, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng bộ Y tế đã thông tin những vấn đề liên quan đến việc tiếp cận, sử dụng các nguồn vắc-xin phòng Covid-19 nhập khẩu. Hiện nay khi nhu cầu vắc-xin lớn, nguồn cung của thế giới hạn chế, nhiều nước sẵn sàng mua dưới dạng kỳ vọng, thậm chí có hơn 30 nước đăng ký mua vắc- xin gấp nhiều lần nhu cầu thực tế.

    "Việc đảm bảo đủ vắc-xin rất khó khăn, bên cạnh đó đây là những vắc-xin mới phát triển, chưa có nghiên cứu đủ lâu để khẳng định chất lượng, hiệu quả bảo vệ. Vì vậy, quan điểm của bộ Y tế là bên cạnh việc mua vắc-xin từ nước ngoài, phải tập trung nghiên cứu, sản xuất, chủ động bằng nguồn vắc- xin trong nước", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin.

    Liên quan đến hơn 117.600 liều vắc- xin AstraZeneca đã về tới Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay, sau những cuộc làm việc với phía nhà sản xuất tại Hàn Quốc, đã có giấy kiểm định chất lượng lô vắc- xin xuất xưởng. Sau đó, bộ Y tế đã giao một đơn vị kiểm nghiệm lô vắc- xin này. Đến nay đã đảm bảo điều kiện tiêm cho người dân Việt Nam. Theo đó, những người được tiêm chủng sẽ được quản lý, theo dõi bằng hồ sơ sức khoẻ điện tử, có chứng nhận điện tử đã được tiêm vắc- xin.

    Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin thêm: Phải khẳng định việc tiêm vắc- xin không bảo đảm phòng bệnh 100%. Theo thông tin của nhà sản xuất thì vắc-xin của Pfizer có hiệu quả bảo vệ trên 90%, vắc-xin AstraZeneca là 76% mũi 1, 81% mũi 2.

    Theo đó, mọi người dân tiếp tục thực hiện nghiêm thông điệp 5K của bộ Y tế. Các cơ sở y tế, trường học, cơ sở lưu trú, nhà máy, chợ, siêu thị, cơ sở lưu trú, bến xe... phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, tự đánh giá định kỳ, cập nhật thông tin lên bản đồ chống dịch.

    Cần cảnh giác các ổ dịch mới có thể còn "lẩn khuất”

    Trong diễn biến liên quan đến kiểm soát dịch Covid-19, từ góc độ chuyên gia, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng cục Y tế dự phòng, bộ Y tế, Cố vấn cao cấp trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết những số liệu trên thế giới cho thấy tình hình dịch bệnh được cải thiện do 4 yếu tố: Chu kỳ lây nhiễm của virus, cách ứng xử của các nước, miễn dịch trong cộng đồng, cuối cùng là tiêm vắc-xin. Trong đó yếu tố ứng xử của các nước rất quan trọng, nhất là khi xuất hiện nhiều biến thể mới của virus SARS-CoV- 2 lây lan nhanh hơn.

    PGS.TS Trần Đắc Phu đưa ra dự đoán khoảng 1-1,5 năm nữa tình hình dịch bệnh Covid-19 mới bớt căng thẳng.

    Hiện tại, Hải Dương đã kiểm soát được dịch nhưng theo PGS.TS Trần Đắc Phu, địa phương này cần đẩy mạnh việc xét nghiệm các điểm có nguy cơ để tiếp tục phát hiện được các ổ dịch mới có thể còn "lẩn khuất", mà phát hiện được các trường hợp đầu tiên càng tốt trong cộng đồng để cách ly, khoanh vùng, dập dịch ngay tránh lây lan.

    Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Hải Dương, chủng virus ở Hải Dương có tốc độ lây lan nhanh. Virus đánh vào môi trường doanh nghiệp với hơn 2.000 công nhân khiến công việc dập dịch càng khó khăn hơn. Đặc biệt có đến hơn 80% các trường hợp mắc bệnh nhưng không có triệu chứng lâm sàng, chỉ được phát hiện qua xét nghiệm. Trong khi ở các vụ dịch trước chỉ khoảng 35- 40%...

    Chúng ta là nước nghèo, phải chiến thắng dịch bệnh bằng công thức của Việt Nam

    hó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá, đến nay, dịch Covid-19 ở trong nước cơ bản đã được kiểm soát tốt, song các lực lượng cần tiếp tục duy trì tinh thần sẵn sàng, cảnh giác. Tình hình dịch bệnh trên thế giới đã “bớt nóng” hơn so với trước đây nhưng Việt Nam vẫn là “cánh đồng trũng, bên ngoài vẫn còn nước to, gió lớn” nên cần thực hiện tiếp các giải pháp trước đây, “bao chặt bên ngoài, bên trong thực hiện các chiến lược đã triển khai từ trước đến nay”.

    Trên tinh thần cảnh giác trước nguy cơ mầm bệnh đã có sẵn trong cộng đồng, các lực lượng phải tập trung phát hiện sớm, truy vết nhanh, khoanh thật gọn. “Chúng ta là nước nghèo, phải chiến thắng dịch bệnh bằng công thức của Việt Nam sao cho chi phí rẻ nhất, bớt xáo trộn đời sống của nhân dân. Thực tiễn từ khi diễn ra dịch bệnh đến nay, chúng ta đã làm rất tốt”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

    Ngân Giang

    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 2 (38)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vac-xin-chua-phai-la-tat-ca-can-ban-nhat-la-cac-bien-phap-phong-chong-dich-a359021.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan