+Aa-
    Zalo

    USD rớt giá, gửi tiết kiệm bằng USD hay VND lợi hơn?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Giá USD liên tục sụt giảm mạnh trong vài ngày gần đây, cùng với việc tỷ giá được Ngân hàng Nhà nước cam kết ổn định tới những tháng đầu năm 2016...

    (ĐSPL) - Giá USD liên tục sụt giảm mạnh trong vài ngày gần đây, cùng với việc tỷ giá được Ngân hàng Nhà nước cam kết ổn định tới những tháng đầu năm 2016, còn lãi tiền gửi của USD về sát 0\%, thấp xa so với mức lãi suất huy động tiền đồng có thể khiến nhiều người "buông" USD.

    Ngày 8/10, giá USD tại các ngân hàng thương mại giảm mạnh từ 100 - 210 đồng/USD so với ngày 7/10, đây là ngày có mức giảm giá mạnh nhất từ trước đến nay.

    Các ngân hàng liên tục điều chỉnh giá USD trong ngày. Eximbank có 41 lần điều chỉnh tỷ giá, ACB có 24 lần điều chỉnh tỷ giá… Giá mua USD tại Eximbank giảm 190 đồng/USD còn 22.140 - 22.160 đồng/USD (vào trưa 8.10, giá giảm còn 22.130 - 22.150 đồng/USD), giá bán USD có mức giảm 110 đồng/USD, còn 22.300 đồng/USD. Tại ACB, giá mua USD giảm còn 22.130 - 22.150 đồng/USD, giá bán USD còn 22.250 đồng/USD. Vietcombank có mức giảm cao nhất, lên tới 210 đồng/USD so với ngày 7.10, giá mua USD còn 22.130 đồng/USD, giá bán USD còn 22.230 đồng/USD...

    Giá USD tự do cũng giảm mạnh tương ứng, về quanh mức 22.300 đồng/USD. Trưởng phòng giao dịch ngoại tệ một ngân hàng cổ phần tỏ ra bất ngờ khi giá USD đột ngột giảm nhanh trong ngày 8.10 và cho biết với mức giảm 200 đồng/USD là điều rất ít khi diễn ra trên thị trường ngoại tệ trong nhiều tháng nay. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho biết giá USD giảm là do nhu cầu giảm, xuất phát từ quy định các doanh nghiệp đến kỳ hạn thanh toán mới được mua ngoại tệ giao ngay, đồng thời phải có chứng từ chứng minh việc mua ngoại tệ trong Thông tư 15 mới có hiệu lực. Trong khi đó, các doanh nghiệp bán USD tăng gấp 2 - 3 lần so với tuần trước để lấy tiền đồng trang trải các hoạt động sản xuất kinh doanh.

    Cùng ngày, Vụ Dự báo - thống kê (Ngân hàng Nhà nước VN) đưa ra báo cáo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh đối với các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD). Trong đó, 90\% TCTD cho rằng thanh khoản tiền đồng và ngoại tệ ở trạng thái tốt. Dự báo cuối năm, 42 - 48\% TCTD cho rằng lãi suất tiền gửi và cho vay giảm 1\%/năm. Huy động của toàn hệ thống được kỳ vọng tăng trưởng bình quân 15,56\%, trong đó huy động VND tăng nhanh hơn ngoại tệ, còn dư nợ tín dụng tăng trưởng bình quân 17,6\%.

    Thời gian gần đây, nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất huy động tiền đồng để thu hút khách gửi tiền. (Ảnh minh họa).

    Gửi tiết kiệm tiền đồng lợi hơn

    Báo VnExpress đưa tin, có người nhà bên Mỹ gửi về số tiền 10.000 USD, sau khi làm thủ tục nhận tại Ngân hàng Xuất Nhập Khẩu Việt Nam - Eximbank, bà Thanh, quận 6, TP HCM dự định gửi ngân hàng hưởng lãi. Nhân viên thông báo lãi suất gửi USD từ ngày 28/9 chỉ còn 0,25\% thay vì mức 0,75\% như trước, còn tiền đồng nếu gửi 13 tháng được hưởng lãi 7,5\% một năm. Sau một hồi đắn đo, cân nhắc, bà quyết định chuyển sang gửi tiền đồng kỳ hạn 13 tháng.

    Số liệu Tổng cục Thống kê mới công bố cho thấy chỉ số giá tiêu dùng từ đầu năm đến nay tăng 0,4\%, thấp nhất 10 năm qua và cách xa chỉ tiêu 5\% Quốc hội duyệt. Từ đầu năm đến nay, tỷ giá đồng Việt Nam và đôla Mỹ đã tăng 5\% sau các đợt điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước và cơ quan này cam kết giữ ổn định cho tới những tháng đầu năm sau. Với diễn biến này của lạm phát và tỷ giá, cộng với sự hấp dẫn của lãi suất tiền đồng, các chuyên gia cho rằng quyết định của bà Thanh là dễ hiểu.

    Với khoản tiền 10.000 USD, nếu chưa có ý định dùng mà chỉ gửi tiết kiệm, bà Thanh chuyển ra tiền đồng sẽ hưởng lợi tức tốt hơn sau khi đã tính cả trượt giá và kỳ vọng lạm phát. Gửi 10.000 USD vào ngân hàng, sau hơn một năm mà tỷ giá không tăng, tức số tiền gốc giữ nguyên, còn tiền lãi chỉ nhận được khoảng 27 USD, tương đương 609.000 đồng (10.000 USD x 0,25\%/12 x 13).

    Trong khi nếu chuyển số USD này sang tiền đồng được 225 triệu đồng (quy đổi tỷ giá 22.500 đồng) và gửi với lãi suất 7,5\% sẽ thu về được số lãi gần 18,3 triệu đồng sau 13 tháng. Nếu trừ lạm phát thì số tiền lãi thực nhận vẫn cao hơn nhiều so với sự sinh lời khi gửi USD.

    Trường hợp cho là tỷ giá tăng thêm 2\% sau một năm, thì lợi tức khi gửi bằng USD vẫn thấp hơn tiền đồng. Vào thời điểm gửi, số tiền 10.000 USD tương đương 225 triệu đồng (tỷ giá 22.500 đồng), đến khi đáo hạn tỷ giá tăng thêm 2\% thì số tiền 10.000 USD quy đổi sẽ tương đương 229,5 triệu đồng (tăng 4,5 triệu đồng). Tính thêm cả tiền lãi 27 USD (tương đương 619.650 đồng), số tiền chênh lệch bà Thanh được hưởng là gần 5,2 triệu đồng, vẫn thấp xa so với số tiền lãi 18,3 triệu đồng gửi bằng VND.

    "Tuy nhiên, với trường hợp người dân có nhu cầu dùng USD cho việc đi chữa bệnh, đi du lịch hoặc gửi tiền cho con học tập ở nước ngoài... có thể tự cân nhắc lại vì bán đi có thể hơi khó mua lại", chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nói.

    Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cho biết, ngay sau khi thực hiện động thái cắt giảm lãi suất tiền gửi USD xuống 0\% với doanh nghiệp và 0,25\% với cá nhân, cơ quan này đã giao cho một bộ phận theo dõi sát tình hình và yêu cầu các ngân hàng thương mại báo cáo nhanh hằng ngày để kịp thời xử lý.

    Các ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố cho biết bước đầu có sự dịch chuyển từ tiền USD sang tiền VND. Ngày 28/9, các doanh nghiệp đã bán USD cho ngân hàng khá nhiều, con số thống kê chưa chính thức thì lượng bán ngoại tệ này tăng lên gấp 2-3 lần so với những ngày trước. Với tiền gửi tiết kiệm bằng USD cũng đã có người dân bán ra để lấy VND gửi với lãi suất cao hơn.

    Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu cho rằng, thời gian gần đây, nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất huy động tiền đồng để thu hút khách gửi tiền. Động thái giảm lãi suất huy động đôla Mỹ của Ngân hàng Nhà nước sẽ giảm bớt áp lực tăng lãi suất tiền đồng và tạo mức chênh lệch hấp dẫn để khuyến khích người dân không nắm giữ USD.

    Hơn nữa, theo ông Toại không chỉ sau động thái giảm lãi suất này mà trước đó, từ khi Nghị định 65 đi vào thực tiễn với những biện pháp xử phạt mạnh tay với hoạt động mua bán, thanh toán USD không đúng quy định thì sức hút của đồng tiền này với cá nhân có phần suy giảm (trừ trường hợp khách hàng doanh nghiệp thì vẫn duy trì tài khoản thanh toán USD để phục vụ nhu cầu xuất nhập khẩu sau này).

    "Một khi người dân không mặn mà nắm giữ USD thì tất yếu sẽ có người bán lấy tiền đồng gửi ngân hàng, bởi các kênh khác cũng chưa thật sự khởi sắc. Tuy nhiên, vì việc giảm lãi suất đồng USD này mới áp dụng, có thể ghi nhận một số trường hợp chuyển USD sang đồng nhưng chưa thể nói chính xác đó là xu hướng mà cần phải đợi một thời gian ngắn mới đánh giá được", ông Toại nói.

    Ngọc Anh (Tổng hợp)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/usd-rot-gia-gui-tiet-kiem-bang-usd-hay-vnd-loi-hon-a114136.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.