Bố mất sớm hoàn cảnh gia đình nghèo khó nhưng Quán Vi Tú ở huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) đã thi đậu một lúc cả 2 trường đại học. Nhưng hiện, việc học của em phải dang dở vì không có tiền nhập học.
Đường học đứt gánh nhiều lần
Vượt đường xa xôi, chúng tôi tìm về với hoàn cảnh đáng thương của tân sinh viên Quán Vi Tú, trú tại Bản Phạy, xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An). Lên lớp 1, bố mất vì không có tiền mua thuốc chữa trị, mẹ ở vậy nuôi hai anh em khôn lớn. Gia cảnh nghèo khó nhưng chị Lô Thị Thủy (SN 1972), mẹ em Tú hàng ngày quần quật làm thuê cuốc mướn cho người làng lấy tiền cho con ăn học.
Có những lúc túng thiếu, chị không thể kiếm được tiền nộp học cho con, anh em Tú đành bỏ học ở nhà giúp mẹ làm công. Nhờ thầy cô, bạn bè đến động viên, anh em Tú tiếp tục đi đến trường.
Cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Hồng Anh chia sẻ: “Biết hoàn cảnh gia đình Tú đặc biệt khó khăn, thầy cô và bạn bè luôn tạo điều kiện tốt nhất để Tú tới trường. Các bạn trong lớp chia sẻ cho Tú từ quyển vở đến cây bút. Tú là học sinh giỏi nhất lớp và là một cán bộ lớp gương mẫu. Em làm lớp phó học tập nên luôn nhiệt tình chỉ dẫn cho những bạn học yếu kém hơn. Nhiều bạn thường xuyên đến nhà nhờ Tú giảng bài. Tú là học sinh có nghị lực và ý thức tự giác rất cao”.
|
Chồng mất từ khi Tú còn nhỏ nên chị Thủy đã một mình làm thuê, cuốc mướn để nuôi hai anh em Tú ăn học. Ảnh: X.H - N.P |
Biết một mình mẹ vất vả, tần tảo sớm hôm lo toan mọi việc trong nhà nên hai anh em Tú luôn bảo ban, động viên nhau cố gắng học thật giỏi để đền đáp công ơn của mẹ. Vì vậy, trong suốt 12 năm, Tú luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện. Em trai Quán Vi Tài đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Vất vả và khó khăn là vậy nhưng trong kỳ thi đại học vừa qua, Tú đậu cả 2 trường đăng ký dự thi là Đại học Y khoa Vinh với số điểm 21,5 và Đại học Chính trị 23 điểm.
Dang dở ước mơ trở thành bác sĩ giỏi vì không có tiền nhập học
Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về Tú là dáng người nhỏ, khuôn mặt hiền hậu, lễ phép. Từ nhỏ chứng kiến bao người thân ra đi vì nghèo khó khiến Tú luôn nung nấu học thật giỏi để thi đậu ngành Y. Một nửa ước mơ của em đã thành hiện thực, nhưng phần còn lại với em có thể lại dang dở vì không có tiền đi học.
Tú cho biết: “Em vừa biết kết quả thi đại học, Đại học Y khoa Vinh em đạt 21,5 điểm còn trường Đại học Chính trị em được 23 điểm. Mấy ngày nay em rất vui nhưng với hoàn cảnh của gia đình nên ước mơ được đến giảng đường chắc khó quá anh, chị ạ. Trường Đại học Chính trị em được lo chỗ ăn ở, không mất tiền học phí, nhưng tiền đi lại tốn kém. Em nghĩ mình phải từ bỏ ước mơ giảng đường để kiếm việc làm hỗ trợ mẹ nuôi em trai đang học lớp 11”.
|
Học giỏi và giấc mơ trở thành bác sỹ của Tú có thể phải dừng lại vì em không có tiền nhập học. Ảnh: X.H - N.P |
Nhìn những người thân ra đi vì bệnh tật, vì nghèo khó Tú quyết tâm thi ngành bác sĩ đa khoa để sau này trở thành một bác sĩ giỏi chữa bệnh cho người nghèo. Tuổi thơ thiếu tình thương của cha, cái nghèo khó không làm Tú nản chí giấc mơ trở thành bác sĩ. Với khao khát chữa bệnh cho những người nghèo nơi xóm làng của mình, Tú luôn cố gắng chăm chỉ để có được kết quả như ngày hôm nay. Tú vui vì một nửa giấc mơ đã thành hiện thực, nhưng có thể vào giảng đường học tập với Tú lúc này là rất khó nếu không được sự hỗ trợ, giúp đỡ.
Những giọt nước mắt lăn dài trên má, chị Thủy nghẹn ngào tâm sự: “Thấy con chăm ngoan, học giỏi tôi vui và tự hào lắm. Có khi, mẹ con phải nhịn ăn để có tiền mua bút, mua vở viết. Thế mà hai đứa chưa bao giờ kêu ca với tôi nửa lời. Ngày con nhận được kết quả thi đậu vào hai trường đại học, hàng đêm tôi trăn trở không biết lấy tiền đâu nuôi con ăn học. Làm mẹ ai không thương con, ai không muốn con được học hành nên người nhưng tôi nghèo quá lại đau ốm thường xuyên. Bố nó mất sớm, mình tôi kham không nổi, sắp tới đây lại còn số tiền cho con nhập học đầu năm lên đến mấy triệu nữa. Rồi còn tiền học phí, tiền sinh hoạt hàng tháng cho con nữa. Có lẽ con phải từ bỏ ước mơ thôi cô, chú ạ!”
Điều kiện gia đình khó khăn nên hàng ngày Tú học ở lớp rồi về nhà tự học là chủ yếu để còn đỡ đần mẹ công việc đồng áng.
“Động lực lớn nhất thôi thúc em không được nản chí trong học tập là mỗi ngày đi học về, bắt gặp tấm lưng mẹ ướt đẫm đang làm đồng giữa cái nắng oi bức. Khi ấy em vội lau nước mắt và tự nhủ không được nản chí, phải cố gắng hơn nữa trong học tập đạt kết quả tốt. Nhưng nay em mà đi học thì mẹ lấy đâu ra tiền nuôi em mà em cũng không muốn em trai mình đứt gánh giữa đường chuyện học hành”, Tú vừa quyệt nước mắt vừa nói.
Chia tay cậu học trò nghèo, đôi mắt cậu nhìn xa xăm đang trông chờ vào một phép màu cổ tích giữa đời thường. Hi vọng, sẽ có nhiều nhà hảo tâm giúp em hoàn thiện ước mơ này.
Mọi sự chung tay, góp sức của các nhà hảo tâm xin gửi về địa chỉ: Chị Lô Thị Thủy Bản Phạy, xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An. |
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/uoc-mo-tro-thanh-bac-si-cua-cau-hoc-tro-ngheo-a47583.html