+Aa-
    Zalo

    Ước mơ bình dị của chàng trai da rắn

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Khác với những đứa trẻ bình thường, từ lúc mới sinh, Lê Văn Tư (SN 1991), đã mang trong mình căn bệnh quái ác khi làn da cứ bốn mùa bong tróc, nứt nẻ như da rắn.

    (ĐSPL) - Khác với những đứa trẻ bình thường, từ lúc mới sinh, Lê Văn Tư (SN 1991), đã mang trong mình căn bệnh quái ác khi làn da cứ bốn mùa bong tróc, nứt nẻ như da rắn. Đôi mắt em lúc nào cũng vằn lên những tia máu đỏ dị hình...
    Bốn mùa da lột như rắn
    Đã 24 năm trôi qua, gia đình ông Lê Công Nông (SN 1948) và bà Võ Thị Yêm (1956), ở xóm Rậy, thôn Ngô Xá, xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) chưa một ngày nguôi ngoai kể từ khi cậu con trai út Lê Văn Tư ra đời. Năm nay, Tư 24 tuổi, cũng là 24 năm Tư cùng gia đình đau đớn với căn bệnh quái ác da lột như rắn, hậu quả di chứng của chất độc màu da cam truyền từ người cha đã từng một thời vào sinh ra tử trong chiến tranh.
    Từ ngày sinh ra Tư, ruột gan ông Nông như bầm tím lại trước mỗi cơn đau của con. Ông Nông vốn là cựu chiến binh của Đoàn 22, đơn vị huấn luyện quân binh thuộc Quân khu IV trong kháng chiến chống Mỹ. Trong thời kỳ đó, ông vô tình bị nhiễm chất độc màu da cam Dioxin mà không hề hay biết.
    Ngày hoà bình lặp lại, người chiến sỹ gan trường năm nào may mắn trở về quê nghèo Quảng Bình rồi lập gia đình với bà Võ Thị Yêm. Trong quảng thời gian sống với nhau, ông bà lần lượt chào đón 6 đứa con ra đời, trong đó có 2 người con mất từ khi còn nhỏ. Mang bầu Tư, ông bà ngày đêm cầu nguyện cho con được sinh ra lành lặn, khoẻ mạnh như bao đứa trẻ khác. Nhưng số phận thật không ai nói trước được, ngày bà Yêm trở dạ rồi sinh ra Tư có lẽ là ngày đau đớn nhất trong cuộc đời của đấng sinh thành.
    Từ khi sinh ra, Tư đã mắc phải căn bệnh da lột như rắn, rất hiếm gặp
    Nhìn đứa con trai út với thân hình bong tróc, bà Yêm nghẹn ngào: “Khi sinh ra Tư, thấy con mình đỏ hỏn, da thì trơn tuột, tóc chỉ có vài cọng thưa thớt trên đỉnh đầu, tui ngất lịm đi lúc nào không biết”. Ngay từ giây phút đến với cuộc đời, thể trạng và sức khỏe còn non yếu nhưng Tư đã sớm đương đầu với ốm đau bệnh tật. Suốt 10 năm sau đó, ruột gan ba mẹ Tư như tím bầm cùng những lần lột ra, rỉ máu của con. Tư khóc ngặt nghẽo trên tay ba mẹ không lúc nào ngớt. Mỗi lần nhìn vào đôi mắt đỏ hoe, lúc nào cũng mọng nước, ngấn lên những tia máu đỏ dị hình là ruột gan của những người làm cha làm mẹ như ông bà Nông lại quặn thắt đau đớn.
    “Vì tất cả các tuyến mồ hôi của em chủ yếu bài tiết qua đường mi mắt nên đôi mắt em lúc nào cũng mọng đỏ, ngấn nước. Đã thế, ngày còn nhỏ em không chịu được đau nên mỗi khi lột da em khóc cả ngày lẫn đêm, có khi bò lê lết trên nền nhà…. Năm 6 tuổi, bệnh lột da của em chẳng những không thuyên giảm mà còn trở nên nặng hơn, cả người em luôn ứa máu, da khô nứt nẻ, chân tay queo cứng làm em không thể đi lại”, Tư tâm sự.
    Đau đớn hơn là vào những ngày hè nóng nức, da dưới chân Tư lại đóng thành những mảng dày khiến em không thể đi lại được. “Mùa hè, em phải liên tục tắm và ngâm chân dưới nước, thì mới đi được, nếu không da đóng thành những mảng dày dưới chân, rỉ máu rất đau”, Tư nói
    Bao nhiêu mồ hôi, bao nhiêu nước mắt và vất vả lo toan, ba mẹ đều dành hết cho Tư. Vậy mà có lúc Tư đã hờn trách ba mẹ: “Sao ba mẹ không bóp chết con từ lúc mới sinh ra”, nhưng đó chỉ là lời nói, suy nghĩ nông cạn của Tư sau những lần bị cơn đau thay da hành hạ.
    Được lớn lên trong vòng tay yêu thương của ba mẹ cùng không biết bao nhiêu lần thay da từ hạ sang đông đã giúp Tư hiểu ra tình thương yêu vô bờ bến của ba mẹ, giúp Tư có thêm nghị lực sống và khát khao chữa lành bệnh tật. “Có nhiều đêm em chợt thức giấc, thấy ba liên tục trở mình rồi thở dài ngao ngán, còn mẹ thì sụt sùi khóc, em biết đó là lúc ba mẹ đang trăn trở về em, lo lắng cho tương lai của em nên em đã nhủ lòng mình phải cố gắng sống thật tốt để  không phụ lòng ba mẹ”, quặn thắt khi nghĩ về bản thân, chằng trai 24 tuổi tâm sự.
    Ước mơ bình dị
    Ngày nhỏ, Tư tự ti vì ngoại hình nên chẳng dám đi đâu, gặp ai. Không đến trường, Tư ở nhà học con chữ từ ba mẹ và anh chị dạy cho.So sánh những ngày quá khứ và hiện tại của Tư, bà Yêm lộ rõ sự phấn khởi: “Nếu như ngày nhỏ thằng Tư cứ sống khư khư với bốn bức tường, chẳng dám đi đâu, chẳng dám gặp ai thì bây trừ (giờ - PV) khác rồi, không còn tự ti vì ngoại hình nữa mà thi thoảng vẫn ra ngoài gặp gỡ, giao lưu với mọi người trong thôn. Tư có rất nhiều bạn bè thương yêu và quý mến, thấy con như vậy, vợ chồng tui cũng như được an ủi phần nào”.
    Những lúc có thời gian rãnh rỗi, Tư cố gắng mày mò tự học cách sửa chữa đồ điện tử dân dụng trong nhà bị hư hỏng như tivi, đài, quạt điện…. Tư nói: “Em phải dần học cách tự lập, giảm thiểu sự phụ thuộc vào ba mẹ. Làm được như vậy, em không chỉ giúp ba mẹ giảm bớt gánh nặng mà còn giúp chính bản thân em trong cuộc đời sau này”.
    Trong thâm tâm, Tư luôn ao ước mình được học nghề để có thêm thu nhập và giúp đỡ mọi người xung quanh.
    Trước lúc tiễn chúng tôi ra về, Tư nói: “Em rất muốn được học nghề sửa chữa đồ điện dân dụng, vừa cho đỡ buồn, lại vừa giúp đỡ được những người xung quanh. Nhưng bản thân em chưa một ngày được cắp sách tới trường và lại mang trong mình căn bệnh lạ với ngoại hình kỳ dị thì không biết có ai dám nhận em vào học không nữa. Với người khác đó là một điều quá bình thường, nhưng đối với em, sao ước muốn đó lại xa vời vợi như vậy…”.
    Nghe thấy con trai chia sẻ, giọng bà Yêm bỗng nghẹn lại: “Vợ chồng tôi đã đến Đồng Hới xin cho con được học tại trường khuyết tật, nhưng chưa có. Giờ vợ chồng tôi chỉ ước ao, con được học cái nghề, một tháng có thêm thu nhập dù là 500 nghìn đồng cũng được miễn rằng nó có việc làm, để quên đi tật bệnh và cảm thấy mình là người có ích cho xã hội. Được như thế thì vợ chồng tôi mãn nguyện lắm rồi”.
    Mong rằng rồi đây, với ước mơ và nghị lực, chàng trai da rắn Lê Văn Tư sẽ dần hòa nhập được với cộng đồng, quên đi căn bệnh quái ác mà em đang mắc phải.

    Mọi sự chung tay, góp sức của các nhà hảo tâm đồng hành Nhịp cầu Hồng Đức xin gửi về:

    - Ông Lê Công Nông

    Thôn Ngô Xá, xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình

    - Báo Đời sống và Pháp luật tại Miền Trung

    Số 03, Đại lộ Lê Nin, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An.

    ĐT: 0388903176; Fax: 038.8601010;

    Số tài khoản: 0191012468008, Ngân hàng Bảo Việt Nghệ An; Chủ tài khoản: Báo Đời sống& Pháp luật tại Miền Trung.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/uoc-mo-binh-di-cua-chang-trai-da-ran-a88223.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan