Theo thông tin mới nhất từ hãng tin Reuters, ngày 2/11, Nga đưa ra cảnh báo rằng Ukraine có thể gây ra thảm họa hạt nhân sau khi nước này bắn hạ một loạt máy bay không người lái (UAV) ở khu vực gần nhà máy Zaporizhzhia – nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu.
Cụ thể, Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng phòng không đã bắn hạ 9 máy bay không người lái của Ukraine gần thành phố Enerhodar do Nga nắm giữ. Đây cũnglà khu vực có nhiều công nhân của nhà máy Zaporizhzhia sinh sống. Động thái này được cho là nhằm phá vỡ vòng luân chuyển nhân viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).
“Ukraine đang tiếp tục đùa với lửa và thực hiện các hành động khiêu khích tội phạm và vô trách nhiệm”, bà Maria Zakharova - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga nói về vụ tấn công bằng máy bay không lái của Ukraine.
Ông Alexey Polischuk - Vụ trưởng Vụ Cộng đồng các quốc gia độc lập thuộc Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, Ukraine dã không tuân thủ 7 nguyên tắc do Tổng giám đốc IAEA đưa ra nhằm đảm bảo an toàn vật lý và hạt nhân trong một cuộc xung đột vũ trang và nước này rõ ràng đang có ý định kiểm soát nhà máy hạt nhân.
Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia có 6 lò phản ứng làm mát bằng nước và điều tiết bằng nước VVER-1000 V-320 do Liên Xô thiết kế có chứa Uranium 235. Theo nhà điều hành nhà máy ở Nga, 4 trong số các lò phản ứng đã ngừng hoạt động trong khi các lò phản ứng số 4 và số 5 - đang ở chế độ được gọi là “tắt nóng”.
Nhà máy điện hạt lớn nhất châu Âu nằm dưới sự kiểm soát của Nga từ đầu tháng 3/2022 – một tháng sau khi chiến sự với Ukraine nổ ra. Kể từ đó, cả Keiv và Moscow đã nhiều lần cáo buộc nhau cố ý tấn công cơ sở này.
Trước đó, Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossic cho biết, trong khi kiểm tra nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia vào ngày 23/7, các chuyên gia đã ghi nhận có mìn nằm trong vùng đệm giữa hàng rào vành đai bên trong và bên ngoài của địa điểm. Đây là khu vực hạn chế mà nhân viên nhà máy không thể tiếp cận.
Theo ông Grossi, việc có chất nổ như vậy tại máy điện hạt nhân Zaporizhzhia là không phù hợp với các tiêu chuẩn an toàn và hướng dẫn an ninh hạt nhân của IAEA đồng thời tạo thêm áp lực cho nhân viên nhà máy.
Kể từ khi Nga tiếp quản máy nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, ông Grossi đã đến thăm nhà máy 3 lần nhưng không thể đạt được thỏa thuận với chính quyền Nga và Ukraine về việc thiết lập một chế độ an toàn nhằm ngăn ngừa sự cố tại đây. Trong khi đó, căng thẳng liên quan đến nhà máy này vẫn tiếp tục gia tăng.
Phương Uyên (Theo Reuters)