Nhiều võ sư nổi tiếng ở Việt Nam đã khẳng định: “Lăng không kình chỉ là trò tự sướng của người hoang tưởng võ thuật”. Vậy tại sao, lăng không kình vẫn khiến nhiều người ngả mũ “chết lặng” khi lần đầu chứng kiến?
Chỉ là... làm trò
Khi một số video clip đăng tải trên mạng xã hội và lan truyền về thứ võ công “truyền điện”, tôi đã rất tò mò nhấc điện thoại gọi cho một số võ sư nổi tiếng ở Việt Nam. Câu trả lời tôi nhận lại từ các thầy là một lời phủ nhận thẳng thừng: “Không có gì là võ công truyền điện. Cái giật giật rồi ngã ngửa của một số người chỉ là... làm trò”.
Ảnh chỉ có tính minh họa cho bài viết. (Nguồn ảnh: Internet). |
Trong phút giây ấy, sự tò mò trong tôi càng tăng lên. Ai đã thần thánh hóa công phu lăng không kình khiến nó ảo diệu đến vậy? Giáo sư, Viện sĩ, võ sư Lương Ngọc Huỳnh, người từng được mệnh danh là “kỳ nhân đuổi mưa” và cũng là Trưởng môn phái Lâm Sơn Động cho rằng: “Lăng không kình thực chất không có gì bí hiểm, thậm chí chẳng thể làm ngã một đứa trẻ 4 tuổi”.
Lời ông nói có mâu thuẫn gì với những điều bất cứ ai cũng có thể dễ dàng tìm kiếm chỉ bằng một cú click chuột hay không? Chỉ cần gõ 3 chữ “lăng không kình” lên google tìm kiếm, có không ít những video mô tả “công phu lăng không kình” mà nếu chỉ xem thôi, người ta dễ dàng thốt lên như bắt gặp điều thần thánh, kỳ diệu. Thậm chí, có những thời điểm, từ khóa “lăng không kình” trở nên cực kỳ “hot” với hàng triệu kết quả chỉ trong một phần mấy của giây.
Qua nghe Giáo sư Lương Ngọc Huỳnh phân tích, lăng không kình là một thuật ngữ nghe có vẻ bay bướm giống như những thể loại võ học trong thể loại truyện kiếm hiệp của Kim Dung và thường xuất hiện ở các dòng thái cực quyền. Tuy nhiên, lăng không kình nằm trong số những từ ngữ rất ít được đề cập đến.
Giáo sư Huỳnh cho rằng, cần phải hiểu rõ hơn về bản chất của nội công, khí công trước khi rạch ròi khái niệm lăng không kình. Theo đó, trong luyện khí công chia ra 2 nhánh, động công và tĩnh công.
Trong động công, nhìn vào hình thức bên ngoài có thể thấy một võ sư di chuyển một cái gì đấy, ví dụ múa một bài quyền hoặc tập một phương pháp biểu hiện ở chân tay, phát ra ngoại lực. Ở động công có sự kết hợp giữa nội lực và ngoại lực, thường phục vụ cho các tiết mục biểu diễn gọi là công phá. Công phá ở đây có thể là đấm một phát vỡ quả dừa, thủng tường, chặt tay vỡ gạch... Thậm chí, có khả năng chịu lực đánh của đối phương bằng hình thức: Cầm chai đập vào đầu, lấy gậy đập vào lưng hoặc cho người khác đấm mình thoải mái. Những người như vậy người ta cũng thường gọi là nội công thâm hậu.
Thứ hai là tĩnh công, nhìn bề ngoài cảm giác như ai đó không làm gì, ngồi thiền, nhưng là người ta đang động ở trong tâm. Phương Tây gọi chung tất cả các môn khí công là LG (năng lượng). Năng lượng đó phát ra ở trạng thái nào tùy thuộc vào khả năng của từng người. Còn từ lăng không kình cũng chỉ là một trong những phương pháp tập luyện giống LG, tức là tập luyện để di chuyển nội lực bên trong, phát ra bên ngoài.
Các phương pháp tập luyện để tăng cường năng lượng cơ thể không phải là bí quyết, hóa phép hay một cái gì đấy ghê gớm như người ta đang nghĩ. Năng lượng luôn có 2 trạng thái là âm và dương, bao gồm sức mạnh về thể xác và sức mạnh về tinh thần. Lăng không kình hay chính là trạng thái linh giác (tinh thần) và truyền qua cơ thể ở dạng năng lượng.
“Bản chất lăng không kình chỉ là một phương pháp tập luyện thu nạp và hoán đổi về năng lượng. Năng lượng phát ra như thế nào là tùy khả năng của từng người. Nhưng để triển khai năng lượng theo hình thức điện giật là không có. Có người mạnh người yếu nên năng lượng cũng khác nhau, người đặt tay vào người khác thấy nóng, có người chỉ thấy ấm, tức là năng lượng của mỗi người là khác nhau”, Giáo sư Lương Ngọc Huỳnh nói.
Không đủ để làm ngã đứa trẻ 4 tuổi
Giáo sư Huỳnh cho hay, nhiều võ sư đánh giá lăng không kình chỉ là trò chơi tự sướng của những người hoang tưởng võ thuật theo kiểu kiếm hiệp của Kim Dung. Bản chất nó không có sức mạnh ghê gớm hay siêu nhiên như người đời ảo tưởng để tạo ra ảo giác cho nó.
Thêm nữa, lăng không kình không dành cho người trẻ, muốn tập luyện thì tuổi đời ít nhất phải là 20. Thời điểm này, con người mới đủ trí tuệ để hiểu biết tất cả những gì liên quan đến nội công, khí pháp, y học. Bởi khí công gắn liền với y học, nhiều dạng năng lượng có thể hỗ trợ quá trình chữa bệnh, giúp các bệnh nhân nhanh khỏi bệnh hơn.
Có một dạng năng lượng xuất hiện khiến con người ta có thể điều khiển người khác qua tư tưởng của mình. Ví dụ 2 người ngồi đối diện với nhau, tự nhiên một người dùng năng lượng (thôi miên) để người đối diện có được cảm nhận hoặc làm theo sự sai khiến. Nhưng tác động vào người khác tạo thành dòng diện như điện giật chỉ là chuyện trên sách báo và phim ảnh. Ngoài đời, chưa có ai kiểm chứng những điều này.
“Trên thế giới có nhiều môn công phu huyền diệu, nhưng sự huyền diệu phải được chứng minh một cách thực tế, còn một nhóm ăn ý với nhau, hợp tác với nhau thì giống như lừa đảo. Lừa đảo niềm tin của con người nặng hơn cả lừa đảo về tiền bạc, dùng chiêu trò công phu mang tính hoang tưởng, dị đoan, huyền bí để lừa đảo niềm tin của người khác hòng trục lợi”, Giáo sư Huỳnh nhấn mạnh.
Võ sư Lương Ngọc Huỳnh. |
Điều đó cũng có nghĩa là, năng lượng là có nhưng nó chỉ tác động giữa 2 con người bằng trạng thái cảm nhận. Cũng có thể điều khiển người khác theo mong muốn (ví dụ như thôi miên). Còn việc dùng sức mạnh của mình, va chạm chân tay tác động để người ta có cảm giác dòng điện nóng chạy vào người, lăn ra, ngã ra, giật đùng đùng... hoàn toàn không có.
“Tất cả những chuyện đấy chỉ là ảo tưởng sức mạnh, ảo tưởng trí tuệ hoặc bịa đặt, lừa đảo”, Giáo sư Huỳnh nhấn mạnh.
Cũng theo Giáo sư Huỳnh, có thể lý giải, trong Thái Cực, nếu 2 người có thời gian luyện tập cùng nhau lâu sẽ tương tác về cảm nhận của lăng không kình. Như vậy nghĩa là chỉ ai cùng tập với nhau lâu ngày mới có cảm nhận đó. Còn một người không có võ, hoặc có võ mà không quen biết chưa từng tập với nhau, lăng không kình không phát huy tác dụng.
“Lăng không kình tác động mạnh nhất không đủ khả năng làm ngã 1 đứa trẻ con 4 tuổi. Ai có khả năng này, tôi mời đến biểu diễn. Ai có nội công thâm hậu làm được như vậy, tôi rất muốn gặp, tập cùng để học hỏi. Tôi luyện tập suốt ngày đêm mấy chục năm mới hạ được huyết áp bằng không, hoặc luyện tập để 2-3 thanh niên đẩy không được đã là tốt lắm rồi”, võ sư Lương Ngọc Huỳnh nhấn mạnh.
Một cách luận giải về công phu Ở nhiều môn võ thuật, người học thường phải trải qua một thời gian được thử thách bằng các hình thức như: Cày ruộng, gánh nước, giã gạo, xay lúa, đốn cây, mót củi... có khi kéo dài hằng năm trời hoặc lâu hơn trước khi được thầy dạy võ thuật. Sự thử thách đó nhằm bộc lộ tính cách, ý chí, lòng trung thành của người học trò, đồng thời để cho người học trò được tu dưỡng “tâm bền, chí quyết”. Ngoài những mục đích đó, các công việc lao động mà người học trò phải làm trong thời gian thử thách cũng chính là những bài tập rèn luyện sức mạnh theo quan điểm “Học võ công trước hết phải tập võ lực”. Những công việc ấy đòi hỏi sự vận dụng sức lực và phải gắng sức, kiên trì trong một quãng thời gian rất dài nên thường được gọi là “Công phu”. |
Dương Thu