Trong số 10 trường đại học lớn tổ chức thi riêng để tuyển sinh năm 2025, tại khu vực TPHCM có 6 trường bao gồm: Trường Đại học Ngân hàng TPHCM, Trường Đại học Sài Gòn, Trường Đại học Tài chính - Marketing, Trường Đại học Mở TPHCM, Trường Đại học Luật TPHCM và Trường Đại học Văn Lang.
Tại khu vực miền Bắc gồm Đại học Thái Nguyên và Học viện Ngân hàng.
Tại khu vực miền Tây Nam Bộ gồm Trường Đại học Cần Thơ và Trường Đại học Trà Vinh.
Các trường đại học này sẽ sử dụng kết quả kỳ thi V-SAT để tuyển sinh năm 2025. Kỳ thi V-SAT được khởi xướng từ Trường Đại học Ngân hàng TPHCM. Trung tâm Khảo thí quốc gia và đánh giá chất lượng giáo dục cung cấp ngân hàng câu hỏi và phần mềm tổ chức thi.
Kỳ thi được tổ chức trên máy tính. Nội dung thi nằm trong chương trình trung học phổ thông, chủ yếu là chương trình lớp 12 (khoảng 90% kiến thức thuộc chương trình lớp 12 và 10% thuộc chương trình lớp 10, 11). Kỳ thi có 7 môn thi độc lập, gồm: Toán, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý.
Trong đó, thời gian làm bài môn Toán 90 phút. Các môn còn lại mỗi môn thi 60 phút. Có 3 dạng câu hỏi trắc nghiệm khách quan là câu trắc nghiệm đúng/sai, câu trắc nghiệm đối chiếu cặp đôi (ghép hợp), câu trắc nghiệm trả lời ngắn.
Từ năm 2025, thi tốt nghiệp THPT có gì mới?
Tại thời điểm này, phương án tuyển sinh đại học năm 2025 sẽ được điều chỉnh như thế nào đang là mối quan tâm của giáo viên, phụ huynh và học sinh.
Theo dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), dự kiến Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ rút ngắn thời gian tổ chức thi từ 4 buổi như hiện nay xuống còn 3 buổi thi. Thay vì thi 6 môn như trước (3 môn bắt buộc và 3 môn thành phần trong tổ hợp môn tự chọn), thí sinh sẽ thi tốt nghiệp THPT với 4 môn gồm 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn trong số những môn học còn lại. Trong số các môn thi tự chọn, có 2 môn lần đầu tiên sẽ được thi tốt nghiệp THPT là Tin học và Công nghệ.
Thông tin về những điểm mới trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, đại diện Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết: Bộ GD&ĐT sẽ bổ sung thêm một số dạng thức câu hỏi thi mới đối với các môn thi trắc nghiệm và tăng cường tính phân hoá của đề thi tất cả các môn để đạt được các mục tiêu của kỳ thi; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số mạnh hơn trong công tác tổ chức thi như tất cả các đối tượng tham dự kỳ thi đều có thể đăng ký dự thi theo hình thức trực tuyến, xác thực thông tin cá nhân và các ưu tiên cộng điểm kỳ thi qua cơ sở dữ liệu số. Việc truyền tải đề thi sẽ có thêm phương thức mới là qua hệ thống của Ban Cơ yếu Chính phủ bảo đảm nhanh, bảo mật, tiết kiệm thời gian và chi phí.
Về tổ chức điểm thi, phòng thi sẽ được sắp xếp theo nguyên tắc hỗ trợ tối đa cho thí sinh không phải di chuyển phòng thi như cho phép trộn học sinh ở các cơ sở giáo dục gần nhau để tổ chức các điểm thi tiện ích cho thí sinh; thí sinh chỉ dự thi tại 1 phòng thi duy nhất trong suốt kỳ thi, ưu tiên sắp xếp theo cùng bài thi của 2 môn tự chọn.
Việc xét công nhận tốt nghiệp THPT được điều chỉnh theo hướng tăng tỷ lệ sử dụng kết quả đánh giá quá trình học tập ở cả lớp 10, 11 và 12 lên 50% (trước đây là 30% và chỉ sử dụng kết quả lớp 12) nhằm mục đích đánh giá toàn diện các năng lực của học sinh học theo Chương trình GDPT 2018 và tăng hiệu quả đạt được nhiều mục tiêu của kỳ thi như đã công bố.
Ngoài ra, thí sinh có chứng chỉ Ngoại ngữ đáp ứng theo quy định được miễn thi môn Ngoại ngữ nhưng không quy thành 10 điểm trong xét công nhận tốt nghiệp THPT như quy định hiện nay.