(ĐSPL) – Người đứng đầu cuộc đảo chính ở Thái Lan, Tướng Prayuth Chan-ocha ngày 21/8 chính thức được Hội đồng lập pháp Quốc gia (NLA) bầu làm Thủ tướng Thái Lan.
Với việc ông Prayuth Chan-ocha trở thành thủ tướng, một chính phủ tạm quyền sẽ được thành lập vào đầu tuần sau. Ông Prayuth từng tuyên bố đất nước Thái Lan sẽ cần một năm cải cách chính trị trước khi một cuộc bầu cử được tổ chức vào năm 2015.
Reuters dẫn lời một giảng viên tại trường Đại học Mahidol, Gothom Arya nhận định: “Cuộc đảo chính đưa quyền lực vào tay tướng Prayuth và việc trở thành thủ tướng sẽ giúp ông Prayuth có quyền chính thức trong bộ máy chính phủ Thái Lan”.
|
Tướng Prayuth Chan-ocha được Quốc hội bầu làm Thủ tướng Thái Lan với hơn một nửa số phiếu thuận. |
Việc ông Prayuth trở thành thủ tướng là điều mà các nhà phân tích đã dự đoán từ trước bởi ông là ứng cử viên duy nhất được đề cử tại Quốc hội với hơn một nửa số phiếu bầu.
Tướng Prayuth 60 tuổi sẽ từ bỏ quyền lãnh đạo quân đội vào tháng 9 tới và việc chuyển tiếp trở thành thủ tướng sẽ tiếp tục đưa ông nắm giữ quyền lực. Tuy nhiên, việc bổ nhiệm ông Prayuth Chan-ocha sẽ cần được Nhà vua Thái Lan chính thức phê chuẩn.
Trả lời phỏng vấn của các phóng viên, ông Prayuth bày tỏ sự ngạc nhiên khi được bổ nhiệm. “Tôi không nghĩ là mình được lựa chọn. Tôi chỉ muốn đất nước tiến hành cải cách toàn diện”.
Quân đội Thái Lan do tướng Prayuth chỉ huy đã tiến hành đảo chính vào ngày 22/5, 6 tháng sau khi người dân Thái Lan tiến hành biểu tình lật đổ Thủ tướng Yingluck Shinawatra.
"Sự thay đổi về mặt hình thức”
Các quốc gia phương Tây và Mỹ phản ứng khá thận trọng khi ông Prayuth chính thức được bầu làm Thủ tướng Thái Lan. Một nhà Ngoại giao phương Tây giấu tên ở Bangkok cho biết: “Đây chỉ là sự thay đổi mang tính thủ tục, quyền lực vẫn nằm trong tay tướng Prayuth. Điều này là không ngạc nhiên”.
|
Nhiều người dân Thái Lan phản đối việc quân đội nắm quyền lãnh đạo đất nước. |
“Prayuth là một sĩ quan quân đội và không phải là ứng cử viên do người dân bầu. Các quốc gia phương Tây vẫn sẽ tiếp tục gây sức ép đề nghị Thái Lan tổ chức một cuộc bầu cử công khai và minh bạch”, nhà ngoại giao này nhận định.
Kể từ khi cuộc đảo chính được tiến hành, quân đội Thái Lan đã bắt giữ nhiều chính trị gia và các nhà hoạt động xã hội. Phần lớn trong số họ đã được trả tự do sau đó nhưng quân đội từ chối công khai con số người bị triệu tập, bắt giữ hay trả tự do.
Australia, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã hạ cấp quan hệ ngoại giao song phương với Thái Lan sau cuộc đảo chính và việc bổ nhiệm ông Prayuth làm Thủ tướng sẽ không khiến tình hình được cải thiện hơn trong tương lai gần.
Được đánh giá là một nhà lãnh đạo khá thẳng thắn, ông Prayuth nắm quyền chỉ huy quân đội Thái Lan ở Bangkok và các khu vực trung tâm kể từ năm 2006. Năm 2010, ông trở thành Tư lệnh quân đội Thái Lan.
Giảng viên Gothom thuộc trường Đại học Mahidol cho biết, khó có thể dự đoán chiến lược tiếp theo của ông Prayuth sau khi trở thành thủ tướng. “Hy vọng rằng ông ấy sẽ tiến hành cải cách và tổ chức một cuộc bầu cử mới”.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tuong-prayuth-chan-ocha-duoc-bau-lam-thu-tuong-thai-lan-a47350.html