(ĐSPL)- Tướng Joseph Votel, đứng đầu Bộ Tư lệnh Chiến dịch Đặc biệt Mỹ (SOCOM), hôm 24/7 nhận định cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) có thể kéo dài đến 50 năm.
Phải mất 50 năm để diệt IS
Theo VNE, Tướng Joseph Votel, đứng đầu Bộ Tư lệnh Chiến dịch Đặc biệt Mỹ (SOCOM), hôm 24/7 so sánh cuộc chiến tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo (IS) với chiến dịch chống khủng bố kéo dài 50 năm ở Colombia khi dự Diễn đàn An ninh Aspen ở bang Colorado. Ông cho rằng khi IS vấp phải sự chống trả mạnh mẽ tại một khu vực, chúng sẽ chuyển sang hoạt động ở nơi khác.
"Tôi không tin có một chiến thuật có thể lập tức thay đổi điều này", Press TV dẫn lời ông Votel nói. "Chúng ta cần một cách tiếp cận dài hạn, hiểu điều đang diễn ra, có quyết định sáng suốt và tiếp tục gây áp lực, có thể là áp lực quân sự, ngoại giao, kinh tế (hoặc) thông tin chống lại bạo lực cực đoan".
Tướng Joseph Votel, đứng đầu Bộ Tư lệnh Chiến dịch Đặc biệt Mỹ (SOCOM). |
Ông Votel nhấn mạnh IS muốn tạo ra "một đế chế mới" trải dài từ Tây Ban Nha đến Ấn Độ. Phần lớn nguồn lực của SOCOM đang tập trung vào Trung Đông và Trung Á, ưu tiên đối phó với nỗ lực tự củng cố và tăng cường sức mạnh cùng tầm ảnh hưởng của IS tại những vùng này.
"Tôi không rõ chúng có lên kế hoạch hay không", ông Votel nói. "Nhưng điều chúng đang cố làm là tái thiết lập (cái gọi là) 'đế chế' bằng cách tìm cơ hội để tận dụng".
IS bắt đầu trỗi dậy từ tháng 6/2014, mở các đợt tấn công và kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn ở Iraq và Syria, làm hàng nghìn người thiệt mạng, hàng triệu người mất nhà ở.
Mỹ bắt đầu không kích IS tại Iraq từ ngày 8/8/2014 và mở rộng sang Syria vào cuối tháng 9, tiêu diệt nhiều vị trí của IS.
Vì sao Nhà nước Hồi giáo bành trướng cực nhanh?
Bất chấp những đợt tiêm kích kéo dài của quân đội Mỹ hay những nỗ lực kiềm chế của các quốc gia hỗ trợ, tổ chức cực đoan IS đã mở rộng lãnh thổ hoạt động cái gọi là 'thánh địa Hồi giáo' lên gấp đôi kể từ mùa hè năm 2014.
Diện tích mà nhà nước hồi giáo tự xưng IS ngày càng lan rộng. |
Trên Wall Street Journal, một số quan chức giấu tên của phương Tây và của Trung Đông, những người lần theo dấu vết của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), nhận định rằng sự phát triển chóng mặt của tổ IS là nhờ tổ chức tốt, pha trộn các hoạt động khủng bố quen thuộc như là đánh bom xe với các chiến thuật quân sự truyền thống, dưới sự lãnh đạo của một kẻ học được những thất bại của các "tiền bối" thuộc al-Qaeda, biết lợi dụng các bộ tộc địa phương và kỹ năng của những cựu tướng trong quân đội của cố Tổng thống Iraq Saddam Hussein.
"Chúng cải tiến những gì mà al Qaeda thực hiện, và chúng làm trên quy mô lớn hơn nhiều", Bruce Hoffman, chuyên gia khủng bố tại Đại học Georgetown nói.
Thêm vào đó, IS có chiến dịch chiêu mộ chiến binh rất tàn bạo và quyết liệt - hoặc theo ta hoặc là chết, kết hợp với tiền bạc chúng moi được của các doanh nhân địa phương và sự thu hút của những nhân vật tôn giáo cực đoan, mong muốn xây dựng một đế chế Hồi giáo trên những vùng đất chiếm được. Đối với những kẻ ủng hộ IS, Nhà nước Hồi giáo được xem như đang tiến hành một cuộc chiến vì sự sinh tồn của người Hồi giáo Sunni khắp thế giới.
IS có một nhóm lãnh đạo cốt lõi khoảng 10 người quen biết nhau nhiều năm, bất kể kẻ nào còn dao động về lòng trung thành đều bị trừ khử. Những kẻ này từng bị Mỹ giam giữ tại doanh trại Bucca ở nam Iraq. "Do bị giam giữ, chúng trở nên cực đoan hơn", Hasan Abu Hanieh, một chuyên gia người Jordania về al Qaeda nói.
Lãnh đạo tối cao của IS là Abu Bakr al-Baghdadi. Tên này tiếp quản IS, vốn là một nhánh của al Qaeda tại Iraq (AQI), vào năm 2010. AQI được thành lập sau khi Mỹ can thiệp vào Iraq, do Abu Musab al-Zarqawi cầm đầu. Trong giai đoạn 2006 - 2007, IS có quân số khoảng 10.000. Sau đó Al-Zarqawi bị hạ sát trong một cuộc không kích của Mỹ. Baghdadi gia nhập AQI vào năm 2007.
Sự lãnh đạo của Baghdadi được đúc nên bởi "sự hoang tưởng và lòng trung thành tuyệt đối", theo Charles Lister, một nghiên cứu sinh thỉnh giảng tại Trung tâm Brookings Doha. Khi lên nắm quyền bốn năm trước, Baghdadi chủ trì một chiến dịch ám sát bất kỳ kẻ nào trong hàng ngũ nếu như người đó bị nghi ngờ có nguy cơ phản bội. Hiện quyền chỉ huy đội quân của y nằm trong tay những kẻ mà Baghdadi biết rõ và tin tưởng hoàn toàn.
Kẻ được coi là chỉ huy thứ hai của IS là một cựu quan chức quân đội Iraq với bí danh Abu Ali al-Anbari. Hắn chủ yếu quản lý hoạt động của tổ chức ở Syria, bao gồm chỉ huy chiến trận chống lại những người Syria phản đối cả IS và chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Lãnh đạo quan trọng thứ ba của IS là Fadel Ahmed Abdullah al-Hiyali, bí danh là Abu Muslim Al Turkmani, cũng từng là sĩ quan dưới thời Saddam Hussein.
Nhà nước tự xưng IS có một nội các chuyên trách về chiến tranh và một hội đồng Shura, bao gồm các học giả về tôn giáo và lập pháp, theo Charles Lister. Bên cạnh đó, IS cũng có nội các gồm các bộ trưởng và hội đồng các thị trưởng. Mike Rogers, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ cho hay, IS gần đây bổ nhiệm một bộ trưởng dầu khí để điều phối hoạt động của các mỏ dầu chúng chiếm được.
Một điểm nữa được cho là chiến thuật khôn khéo của IS là khi chiếm được một vùng lãnh thổ, tổ chức này vẫn duy trì trách nhiệm quản trị cho các quan chức địa phương, nhằm tránh sự thù ghét của người dân. Chúng tập trung vào quản lý các mỏ dầu và các chi nhánh ngân hàng để đảm bảo nguồn tài chính.
Bên cạnh đó, khi chiếm giữ một vùng đất, IS còn khai thác triệt để mối quan hệ với lãnh đạo các bộ lạc ở địa phương, hoặc coi họ là những đồng minh cùng chí hướng hoặc hăm dọa, hối lộ và cưỡng ép để họ cung cấp nơi ở và các hỗ trợ khác, theo Hisham al-Hashimi, một chuyên gia về quân sự ở Baghdad.
IS lợi dụng sự bất mãn của các nhóm theo dòng Sunni với Thủ tướng sắp từ chức Nouri al-Maliki của Iraq. Ông này được cho là có chiến lược thiên vị người Shiite và gây sự chia rẽ giữa các sắc tộc.
"Chiến lược của IS là chiến đấu trong khu vực của những người theo dòng Sunni, gần kẻ thù theo dòng Shiite để giúp họ (các phiến quân) có thêm động lực", Hashimi nói.
Cưỡng ép để tuyển quân
Sau một thời gian suy sụp, kể từ năm 2012, IS mạnh lên một cách rõ rệt. Trước khi chúng chiếm được Mosul và Tikrit, quân số của IS tăng lên đến 10.000 người. Trong số các chiến thuật tuyển quân, IS chủ yếu dùng cách cưỡng ép.
Matthew Olsen, một quan chức chống khủng bố cấp cao của Mỹ cho biết IS hiện kiểm soát một khu vực lãnh thổ có quy mô bằng cả nước Anh. Chúng kiếm được khoảng 1 triệu USD mỗi ngày từ bán dầu và thu tiền chuộc các con tin, theo Daily Telegraph.
Tổng trị giá các cơ sở sản xuất dầu mà chúng chiếm được ước tính lên tới 2 tỷ USD, chưa kể tiền thu từ việc tuồn các cổ vật ra chợ đen.
IS nhanh chóng bành trướng và hung hãn đến thế một phần do sự suy yếu của chính phủ các nước Syria và Iraq, chuyên gia Mathew Olsen nhận định. Ông nói: "IS đe dọa trở thành một thế lực dẫn đầu phong trào của những kẻ cực đoan trên toàn cầu. Nó cực kỳ nguy hiểm".
Đức An (Tổng hợp)
Xem thêm video:
[mecloud] QOaTzUSgyT [/mecloud]