(ĐSPL) - Nghe người dân truy hô “cướp, cướp”, 2 bảo vệ tiến hành truy đuổi và bắt giữ một nam thanh niên, sau đó có hành vi đánh đập khiến nạn nhân tử vong.
Theo báo Dân Việt, ngày 21/1, Công an quận 1 TP.HCM cho biết đang tạm giữ hình sự Võ Hữu Tài (20 tuổi, ngụ tỉnh Bến Tre) và Lê Ngọc Thạch (32 tuổi, ngụ tỉnh Tiền Giang) để điều tra hành vi Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người. Cả hai là bảo vệ của một cửa hàng ở trung tâm TP.HCM.
Một trong hai bảo vệ tại cơ quan công an - Ảnh: báo Dân trí |
Báo Dân trí thông tin, theo điều tra ban đầu của cơ quan công an, lúc 9h sáng 15/1, Nhung (26 tuổi, quê Nghệ An) cùng 3 thanh niên khác có mâu thuẫn trong việc nợ nần tiền bạc đã xông vào đánh ông Nguyễn Ngọc Ân (52 tuổi, ngụ quận 1) trên đường Phan Văn Trường (phường Cầu Ông Lãnh, quận 1).
Lúc này, một chiến sĩ cảnh sát công an quận 1 đi ngang qua thấy đánh nhau nên vào can thiệp và bắt được một người, Nhung và 2 người còn lại bỏ chạy. Nhung bỏ chạy vào trường học gần đó, lên tầng 1 rồi theo mái nhà dân nhảy xuống bỏ chạy trên đường Nguyễn Thái Học (phường Cầu Ông Lãnh), người dân tại khu vực nhìn thấy nam thanh niên lén lút tưởng trộm đã tri hô "Cướp, cướp" và đuổi theo.
Cơ quan chức năng cho biết, lúc này, Tài và Thạch đang làm nhiệm vụ bảo vệ của 2 cửa hàng gần đó, nghe tiếng hô cướp đã đuổi theo và truy bắt được Nhung. Quá trình khống chế, 2 bảo vệ có hành vi đấm, đá khiến Nhung ngất xỉu. Nạn nhân sau đó được đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng đã tử vong do chấn thương sọ não.
Công an đã mời 2 bảo vệ Tài và Thạch lên làm việc và 2 người này khai báo là nạn nhân tự ngã rồi bất tỉnh.
Tuy nhiên quá trình điều tra, cảnh sát phát hiện camera an ninh ở cửa hàng gần đó ghi lại cảnh Tài, Thạch xông vào đạp nạn nhân nên đã bắt giữ để điều tra.
Hiện công an đang củng cố hồ sơ, mở rộng điều tra.
Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác (Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung 2009) 1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm: a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người; b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người; d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; e) Có tổ chức; g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục; h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê; i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm; k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân. 2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. 3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm. 4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ có tính tham khảo. |
Tổng hợp