Người lao động có được tự chốt sổ BHXH không?
Quy định tại điểm a khoản 3 Điều 48 Bộ luật Lao động năm 2019, khi chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác đã giữ của người lao động.
Bên cạnh đó, khoản 5 Điều 21 Luật BHXH năm 2014 cũng ghi nhận trách nhiệm phối hợp chốt sổ BHXH của người sử dụng lao động như sau:
Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.
Từ những căn cứ trên, có thể thấy, việc chốt sổ BHXH là trách nhiệm của người sử dụng lao động và được thực hiện với sự phối hợp của cơ quan BHXH.
Vì vậy, người lao động không thể tự mình chốt sổ BHXH tại cơ quan BHXH sau khi đã nghỉ việc. Lúc này, người lao động phải quay trở lại công ty cũ để yêu cầu họ thực hiện thủ tục chốt sổ BHXH cho mình.
Nếu không chốt sổ BHXH cho người lao động, phía công ty sẽ bị xử phạt hành chính từ 2 - 40 triệu đồng, tùy vào số lượng người lao động bị vi phạm (theo khoản 1 Điều 6 và khoản 2 Điều 12 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
Công ty phá sản nhưng chưa chốt sổ BHXH, người lao động phải làm sao?
Người lao động không thể tự mình chốt sổ BHXH mà phải quay lại công ty cũ để yêu cầu thực hiện thủ tục này. Tuy nhiên, nếu công ty cũ đã phá sản thì người lao động chốt sổ BHXH như thế nào?
Trước hết, có thể thấy việc không chốt sổ BHXH cho người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động là hành trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Do đó, người lao động hoàn toàn có quyền khiếu nại để bảo vệ quyền lợi của mình.
Theo quy định tại Điều 119 Luật Bảo hiểm xã hội, trong trường hợp công ty đã phán sản, tức không còn tồn tại, người lao động chưa được chốt sổ BHXH có thể khiếu nại trực tiếp đến cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện để yêu cầu giải quyết.
Theo đó, người lao động có thể đến Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội nơi công ty cũ đặt trụ sở để yêu cầu giải quyết.
Lúc này, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tiến hành xác minh và liên hệ với cơ quan BHXH để chốt sổ BHXH cho người lao động.
Trường hợp công ty cũ đã phá sản mà vẫn còn đang nợ tiền bảo hiểm, cơ quan BHXH sẽ giải quyết theo quy định tại khoản 1 Điều 46 Quyết định 595/QĐ-BHXH, sửa bởi Quyết định 505/QĐ-BHXH như sau:
Đối với đơn vị nợ tiền đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, nếu người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt HĐLĐ, HĐLV thì đơn vị có trách nhiệm đóng đủ BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định, cơ quan BHXH xác nhận sổ BHXH để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, BHTN cho người lao động.
Trường hợp đơn vị chưa đóng đủ thì xác nhận sổ BHXH đến thời điểm đã đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN. Sau khi thu hồi được số tiền đơn vị còn nợ thì xác nhận bổ sung trên sổ BHXH.
Theo đó, cơ quan BHXH sẽ chốt sổ BHXH đến thời điểm công ty cũ đã đóng BHXH cho người lao động.
Thủy Tiên (T/h)