Pascal Payet sinh năm 1963 tại thành phố Montpellier, Pháp. Người đàn ông này đã kết hôn và có 2 cô con gái nhưng lại dành phần lớn cuộc đời ở sau song sắt.
Lần nào cũng vậy, ở tù được vài tháng là Pascal lại cảm thấy ngột ngạt và tìm cách vượt ngục . Đào tường, khoét vách là cách thức của những tên tù tầm thường. Vượt ngục bằng trực thăng mới thể hiện được đẳng cấp.
24 tuổi, Pascal Payet bắt đầu "sự nghiệp" trộm cướp với biệt danh "Gavoille". Cũng từ đó, cái tên Pascal Payet được liệt vào sổ bìa đen của cảnh sát vùng Marseille sau một vụ cướp hụt tiệm vàng ở Dijon.
Năm 1988, Pascal bị bắt và tuyên án 5 năm tù vì tội trộm xe có tình tiết nghiêm trọng. Khoảng thời gian sau đó trong lao ngục, Pascal quen thân với một người bạn tên Eric Alboreo.
Sau khi ra tù, cả hai cùng nhau mở cửa hàng buôn bán nhưng làm ăn thua lỗ và quyết định quay lại con đường tội lỗi của mình.
Ngày 20/11/1997, Pascal Payet quyết định "chơi lớn" khi cùng Eric Alboreo và một người anh em kết nghĩa Michel Valero nổ 14 phát súng cướp xe chở tiền của ngân hàng Pháp ở Salon-de-Provence.
Một nhân viên bảo vệ bị bắn trúng 3 phát chết tại chỗ. Pascal và hai đồng bọn cũng bị thương nhưng thoát thân được. Trốn lệnh truy nã được 14 tháng, Pascal và Eric Alboreo bị bắt tại Paris ngày 22/1/1999 và nhốt trong trại giam Luynes, tỉnh Bouches du Rhône.
Biết tội danh của mình có thể khiến bản thân phải sống cả đời trong trại giam, Pascal Payet lên kế hoạch tự giải cứu chính mình.
Ngày 12/10/2001, tên tội phạm tẩu thoát khỏi nhà tù ở Luynes bằng một chiếc trực thăng được điều khiển bởi Frédéric Impocco, một thành viên cùng băng nhóm. Cuộc đào thoát rất ngoạn mục, không có súng nổ và không ai bị thương khiến dư luận Pháp khi đó vô cùng ngỡ ngàng.
6 ngày sau, Frédéric Impocco bị phát hiện đang ẩn nấp ở Paris, còn Pascal thì biến mất không rõ tung tích.
Tháng 12/2002, Eric Alboreo và Michel Valero lãnh 20 năm tù về tội cướp Ngân hàng Quốc gia. Pascal quyết định phải giải cứu những người anh em của mình.
Rút kinh nghiệm từ vụ đào thoát của Pascal Payet, nhà tù Luynes tăng cường an ninh nghiêm ngặt, thậm chí chăng dây cáp chống trực thăng. Tuy nhiên, ngày 14/4/2003, Pascal vẫn tạo sự bất ngờ khi quay trở lại nhà tù năm xưa cũng bằng một chiếc trực thăng để đón những người anh em, đồng thời "đón" luôn cả Franck Perletto, trùm xã hội đen vùng Var.
Cả 4 tên lui về vùng quê ở Vaucluse ẩn nấp được 3 tuần thì bị tóm gọn. Cảnh sát tịch thu được 100.000 Euro (hơn 2,5 tỷ đồng thời điểm hiện tại) và một kho vũ khí đồ sộ.
Tháng 1/2005, phiên xét xử Pascal Payet diễn ra. Tòa tuyên bố Pascal phải chịu 30 năm tù vì tội ngộ sát nhân viên bảo vệ trong vụ cướp năm 1997. 2 năm sau đó, Pascal lãnh thêm 7 năm tù khi thú nhận tổ chức vượt ngục bằng trực thăng cho đồng bọn hồi năm 2003 và 6 năm tù về vụ vượt ngục năm 2001.
Bị nhốt ở Grasse, nhà tù nổi tiếng "bất khả vượt ngục", Pascal trở thành một trong những tù phạm được chăm sóc đặc biệt. Cứ 6 tháng, "vua vượt ngục" bị đổi đi chỗ mới và luôn bị biệt giam ở tất cả các nơi.
Bất chấp những biện pháp canh chừng và nỗ lực của quản tù, đúng vào ngày Quốc khánh Pháp 14/7/2007, 4 người đàn ông đeo mặt nạ đã cướp một chiếc trực thăng từ sân bay Cannes - Mandelieu. Chúng đe dọa phi công và bắt người này bay đến nhà tù của Pascal Payet.
3 trong số chúng cầm vũ khí đi xuống, tên còn lại giữ phi công làm con tin, đe dọa các nhân viên an ninh và quản ngục ở đây. Nhóm này dùng cưa khóa hàng loạt cổng xông vào phòng giam Pascal, lúc đó đang nằm trên giường với chiếc quần cộc, rước ông trùm đi. Chiếc trực thăng loại Alouette sau đó bị bỏ lại với viên phi công bị cùm tay chân.
Tổng thời gian kể từ khi cướp máy bay cho đến lúc đưa được Pascal ra khỏi nhà tù chỉ vỏn vẹn trong 10 phút.
Pascal bỏ xứ sang Tây Ban Nha trốn lệnh truy nã của Europol (Cảnh sát châu Âu) nhưng vẫn sa lưới vào ngày 21/9/2007, khi đang ở Mataro, vùng ven TP Barcelone, cùng với hai chiến hữu là Alain Armato và Farid Ouassou.
Năm 2008, Pascal Payet bị kết án 15 năm tù vì hàng loạt vụ cướp có vũ trang và hành hung cảnh sát. Năm 2011, Pascal nhận thêm 5 năm tù vì cuộc vượt ngục năm 2007.
Tất cả bản án mà Pascal Payet phải chịu đều sẽ không được giảm. Cho tới nay, nhà tù giam giữ Pascal vẫn là một bí mật vì "lý do an ninh".
Các cuộc vượt ngục của Pascal Payet gây chú ý truyền thông quốc tế và xuất hiện nhiều trên báo đài hay các chương trình truyền hình. Có thể kể đến tập phim "Jailbreak" của series White Rabbit Project trên kênh Netflix.
Hoa Vũ (T/h)