Cho rằng nốt mụn nhỏ ở chân do muỗi đốt, người mẹ trẻ đã chủ quan không cho con đi khám chữa bệnh ngay, điều này khiến cậu con trai 1 tuổi đối diện với nguy hiểm.
Cẳng chân em bé bị sưng nề, nóng đỏ - Ảnh: Gia đình & Xã hội |
Theo báo Giao thông, các bác sĩ bệnh viện ĐH Hùng Vương, Phú Thọ vừa tiếp nhận điều trị cho 1 bé trai 1 tuổi (sống tại Bắc Quang, Hà Giang) đến khám với cẳng chân sưng nề, nóng đỏ, nhiều mụn mủ nhỏ màu vàng kèm theo bé sốt 38 độ 5.
Mẹ bé cho biết, khoảng 4 ngày trước khi vào viện bé bị mọc một nốt mụn nhỏ ở cẳng chân phải, gia đình chủ quan cho rằng do muỗi đốt, ngứa ít ngày là hết.
Tuy nhiên, 2 ngày sau nốt mụn sưng to có mủ trắng, gia đình đắp miếng cao tan vào nốt mụn nhưng tình trạng không đỡ. Thấy con sốt cao, quấy khóc, ăn kém, cẳng chân phải sưng to, nóng đỏ, mọc thêm nhiều nốt mụn mủ... lúc này gia đình mới vội vàng đưa bé đến viện khám.
Qua các kết quả cận lâm sàng bé được các bác sỹ chẩn đoán bị viêm mô tế bào cẳng chân phải và tư vấn gia đình cần phải để bé nhập viện điều trị ngay vì nếu không điều trị sẽ biến chứng rất nguy hiểm.
Theo Gia đình & Xã hội, viêm mô tế bào hay gặp nhất là vùng da ở mặt, cẳng chân, tuy nhiên tổn thương này có thể gặp ở bất cứ vùng da nào của cơ thể. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiễm trùng máu, nguy hiểm đến tính mạng.
Khi thấy con bị đau vùng bị viêm, da vùng viêm mô tế bào căng, nóng, sưng đỏ, trẻ sốt liên tục, có mụn mủ khu vực viêm, cần nghĩ ngay tới tình trạng viêm mô tế bào. Ở mức độ nghiêm trọng, người bệnh có thể mệt mỏi, chóng mặt , đau đớn, run rẩy, đổ mồ hôi.
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ viêm mô tế bào, bao gồm: Vết cắt, vết trầy hoặc vết thương khác trên da; Hệ thống miễn dịch suy yếu; Bệnh tiểu đường; Tiền sử viêm mô tế bào; Sưng cánh tay hoặc chân của bạn; Béo phì.
Để phòng ngừa, khi có một vết xước, côn trùng đốt,... trên da, hãy làm sạch nó ngay lập tức và che vết thương bằng băng. Đồng thời, thay băng hàng ngày cho đến khi hình thành vảy.
Quỳnh Chi(T/h)