Khi đang ngủ, một người phụ nữ 34 tuổi ở Ninh Bình đã bị con gián chui vào tai cắn chảy máu.
Sáng 24/4, các bác sĩ tại một phòng khám đa khoa trên địa bàn thành phố Ninh Bình đã gắp thành công con gián to 1,5cm ra khỏi tai cho bệnh nhân nữ (34 tuổi, trú huyện Hoa Lư, Ninh Bình).
Trước đó, chị P. đến phòng khám trong tình trạng vùng tai bị đau dữ dội, tổn thương nặng. Chị này cho hay đêm 23/4, khi đang ngủ, chị cảm thấy có một con vật chui vào tai, vận động mạnh khiến chị bị đau, ù tai, khó chịu.
Con gián trong tai nữ bệnh nhân được gắp ra ngoài - Ảnh: Dân trí |
Sau khi nội soi tai, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sưng nề vùng tai, có vết xước, chảy máu và hình ảnh dị vật nghi côn trùng phía trong.
Do dị vật có kích thước lớn nên bác sĩ phải tiến hành gây tê tại chỗ để gắp dị vật. Kết quả cho thấy dị vật là con gián, đã chết, có kích thước 1,5 cm.
Bệnh nhân được vệ sinh vùng ống tai và điều trị tránh nhiễm trùng, sức khỏe đã tạm thời ổn định.
Côn trùng chui vào tai là một trong những tai nạn "trời ơi" nhất mà người gặp phải nhiều lúc không biết phải xử trí sao cho đúng.
Những lúc không may bị côn trùng chui vào tai, trước tiên bạn nên cố gắng bình tĩnh hoặc trấn an người bị côn trùng tấn công.
Trong những trường hợp này, tuyệt đối các bạn không được dùng cây bông gòn, tăm bông ngoáy vào tai. Làm như vậy có thể làm cho côn trùng hoảng sợ, chạy sâu vào trong, vòng vòng trên cái màng nhĩ. Và biết đâu đấy, trong khi bạn cố gắng thọc cho côn trùng ra thì lại thọc trúng màng nhĩ của mình.
Tốt nhất trong trường hợp này, bạn nên nghiêng người về bên lỗ tai có côn trùng, lắc lắc cái đầu để côn trùng chui ra ngoài. Không được lấy tay đập vào lỗ tai, sẽ rất có hại.
Nhiều người bị côn trùng chui vào tai - Ảnh: Minh họa |
Nếu sau khi lắc đầu rồi mà côn trùng vẫn không chịu chui ra, các bạn nên thực hiện theo những bước sau:
Lấy chai dầu ăn thực vật mà bạn dùng nấu ăn, hoặc chai dầu em bé (dầu khoáng) hay dùng để mát xa cho em bé, rồi nghiêng đầu về bên ngược lại, để bên lỗ tai có con côn trùng hướng lên trên. Sau đó đổ một ít dầu vào lỗ tai có côn trùng làm côn trùng sẽ chết ngộp.
Để thành công hơn, bạn nên kéo dái tai về phía sau một xíu, để dầu có thể vào thẳng ống tai, giết chết côn trùng. Côn trùng bị ngộp chết sẽ nổi lên và ra khỏi lỗ tai theo dầu. Khi nó ra được rồi, bạn nghiêng đầu về bên lỗ tai vừa có côn trùng đi ra, để cho dầu ra hết và không cần rửa dầu trong ống tai.
Trong trường hợp côn trùng chui vào tai mà bạn biết chắc nó đã... bất tỉnh, không cục cựa gì, bạn cố gắng lắc đầu mà nó không lăn ra, thì bạn nên đỗ ít nước và ống tai để lấy nó ra.
Ngoài ra, có những cách khá đơn giản khác mà dân gian vẫn hay kháo nhau đó là: Khi biết côn trùng chui vào tai, chỉ cần rọi đèn vào nó sẽ tự chui ra, hoặc đặt cây nến ở đầu lỗ tai bị côn trùng chui vào, côn trùng thấy nóng sẽ tự chui ra ngoài.
Tuy nhiên, với những trường hợp côn trùng chui vào tai mà thấy có bất thường ở tai như thấy dịch hay máu chảy ra từ tai, có nghĩa là màng nhĩ đã thủng thì không áp dụng những cách trên. Lúc này, bạn nên nhanh chóng tới bệnh viện gần nhất để bác sĩ xử lý đúng cách.
Quỳnh Chi(T/h)