Từ chuyện 1 ông bố đến cơ quan chức năng làm giấy khai sinh cho đứa con mới sinh, bị phát hiện giấy đăng ký kết hôn, sổ hộ khẩu giả, cơ quan công an lần ra đường dây làm giả giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ giả liên tỉnh.
Manh mối từ tờ giấy kết hôn giả
Ngày 16/6, Thượng tá Trần Văn Tám, Trưởng Công an quận Thanh Khê (TP.Đà Nẵng) cho biết, đơn vị vừa phát hiện, bắt giữ đường dây làm giả con dấu, tài liệu liên tỉnh. Vị này kể, cuối tháng 3/2020, anh Nguyễn Hữu Q. (SN 1992, ngụ tại địa phương) mang giấy đăng ký kết hôn và sổ hộ khẩu đến UBND phường Hoà Khê đăng ký khai sinh cho đứa con mới sinh. Cán bộ Tư pháp hộ tịch UBND phường Hoà Khê nghi vấn giấy tờ anh Q. cung cấp là giả nên báo công an.
Qua giám định, ngày 27/5, phòng Kỹ thuật Hình sự Công an TP.Đà Nẵng xác định, giấy chứng nhận đăng ký kết hôn và sổ hộ khẩu nói trên là giả. Được mời lên làm việc, anh Q. thừa nhận, vào tháng 12/2019, lên mạng xã hội liên hệ với đối tượng có tài khoản Zalo “Phạm Thủy” và số điện thoại 08967... đặt làm 2 giấy tờ trên với mục đích làm khai sinh cho con. Giấy đăng ký kết hôn có giá 3 triệu đồng và sổ hộ khẩu giá 3,5 triệu đồng. Sau khi gửi thông tin cá nhân cho “Phạm Thuỷ”, đến 2/1 và 18/3, anh Q. nhận được giấy tờ trên qua công ty giao hàng tiết kiệm.
Thượng tá Trần Văn Tám nghi ngờ tài khoản “Phạm Thuỷ” có điều khuất tất nên yêu cầu điều tra viên đến công ty giao hàng tiết kiệm xác minh. Kết quả xác minh, tài liệu giả mà anh Q. mua được giao hàng từ chi nhánh ở phường 4 (quận Bình Tân, TP.HCM), tiếp nhận từ 1 người không rõ lai lịch. Gói hàng được kê khai là tranh thêu.
“Đáng nói, sau khi nhân viên giao hàng tại TP.Đà Nẵng, công ty Giao hàng tiết kiệm chuyển tiền thu hộ vào 2 tài khoản ngân hàng mang tên Phạm Thuỷ và Phương Thuý, số tiền này được rút ra bằng thẻ ATM. Tiếp tục điều tra, chúng tôi phát hiện, người mang tên Phạm Thuý lẫn Phạm Thuỷ và Phương Thuý đều không có thực. Các đối tượng dùng chứng minh nhân dân giả mạo mở tài khoản ngân hàng để giao dịch. Qua điều tra, các điều tra viên xác định, tài khoản Zalo Phạm Thuý có tên thật là Phạm Hoài Thanh, SN 1992, đăng ký hộ khẩu thường trú tại huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi”, ông Tám chia sẻ.
Tung lưới
Các đối tượng bị bắt giữ. |
Theo tài liệu công an thu thập được từ công ty Giao hàng tiết kiệm, từ tháng 11/2019 đến tháng 5/2020, tài khoản Phạm Thuỷ, Phương Thuý đã có hàng trăm giao dịch, chuyển hàng đi khắp cả nước, toàn bộ số tiền được chuyển vào tài khoản ngân hàng. Thượng tá Tám nghi vấn, đây là đường dây làm giả tài liệu, con dấu, tổ chức có quy mô, tổ chức, do Thanh cùng đồng bọn thực hiện.
Cuối tháng Năm, các trinh sát hình sự Công an quận Thanh Khê vào TP.HCM, kết hợp Công an quận Bình Tân làm rõ vụ việc. Sau khi củng cố hồ sơ, tài liệu, Công an quận Thanh Khê khám xét nơi ở của Thanh ở đường Thăng Long, phường 4 (quận Bình Tân, TP.HCM). Tại đây, công an thu 29 tài liệu giả mạo bản gốc và 59 bản sao y. Trong đó, có nhiều bằng tốt nghiệp THPT, đại học, cao đẳng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thậm chí có cả thẻ ngành công an nhân dân giả. Ngoài ra, công an cũng thu 4 thẻ ATM Thanh dùng giao dịch.
Từ lời khai của Thanh, cơ quan điều tra xác định vụ án có nhiều đối tượng liên quan. Một tổ công tác tiếp tục ở lại TP.HCM để điều tra, truy lùng các đối tượng còn lại. Sau khi nắm được di biến động của các đối tượng, trinh sát thực hiện lệnh khám xét, bắt giữ Nguyễn Tấn Linh (SN 1994, ngụ đường Vườn Lài, phường Phú Đông, quận 12, TP.HCM), thu giữ 84 tài liệu, 4 con dấu giả.
Qua lời khai của Thanh và Linh, công an tiếp tục thực hiện lệnh bắt giữ, khám xét nơi ở của Phạm Văn Đoàn (SN 1989, ngụ xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn), thu giữ 240 tài liệu giả, 10 vỏ con dấu, 1 máy ép plastic, 1 máy dập gạt tay nhỏ, khoảng 200 phôi giấy các loại... Nơi ở của Phạm Thiên Phi (SN 1994, quận Tân Bình, TP.HCM) cũng bị khám xét, phát hiện 11 tài liệu giả...
Ngày ngủ 3 tiếng để theo dõi kẻ tình nghi
Theo Thượng tá Phan Duy Thạch, để xác định chỗ ở, đường đi nước bước của nhóm đối tượng này, lực lượng chức năng mất rất nhiều thời gian, công sức. Tổ công tác 10 trinh sát, điều tra viên đã từ TP.Đà Nẵng vào TP.HCM phối hợp điều tra. Các điều tra viên, trinh sát căng mình, thậm chí phải thay ca để đi ăn. Mỗi người 1 ngày ngủ không quá 3 giờ đồng hồ vì sợ sơ sẩy sẽ mất dấu các đối tượng.
Đến nay, công an xác định, Thanh, Linh, Phi và Đoàn cấu kết lập đường dây làm giả con dấu, tài liệu và tiêu thụ các tài liệu giả ở khắp cả nước. Đoàn là đối tượng trực tiếp làm giả giấy tờ. Thanh, Linh và Phi có nhiệm vụ đăng quảng cáo trên Facebook, Zalo tìm khách. Sau khi tìm được khách, các đối tượng giao cho Đoàn và chuyển “hàng” cho khách thông qua Giao hàng tiết kiệm. Nhằm tránh bị phát hiện, các đối tượng yêu cầu nhân viên giao nhận đến gặp giữa đường chứ không đến nơi ở để lấy “hàng”.
Các đối tượng thừa nhận đều là người từ các tỉnh thành khác đến TP.HCM mưu sinh nghề giao hàng. Linh, Thanh và Phi đến từ Quảng Ngãi, là bạn bè thân thiết từ nhỏ. Trong quá trình hành nghề shipper, Phi quen Đoàn và biết đối tượng này làm giả giấy tờ nên xin tham gia. Sau đó, Phi rủ Linh và Thanh làm chân rết, nhằm ăn tiền chênh lệch.
Theo thống kê ban đầu, từ đầu năm 2020 đến nay, các đối tượng làm giả, bán hàng trăm tài liệu, văn bằng, chứng chỉ giả. Số tiền giao dịch thông qua tài khoản mà các đối tượng này thực hiện lên đến hàng tỷ đồng.
Mua bán đất bằng sổ đỏ, chứng minh nhân dân giả Thượng tá Trần Văn Tám cho biết, đến sáng 16/6, cả bốn đối tượng được di lý về TP.Đà Nẵng. Hiện, cơ quan chức năng mở rộng điều tra, truy tìm các đối tượng có liên quan. Vị này cũng khuyến cáo người dân cảnh giác trong trường hợp sử dụng sổ đỏ giả, chứng minh nhân dân… để lừa đảo mua bán đất, hay các trường hợp giao dịch dân sự khác. |
Huy Cường
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ 4 (97)