+Aa-
    Zalo

    Từ cuộc loạn đả của hai hotgirl tới dịch vụ đâm thuê chém mướn online

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Vụ việc trên đã cảnh báo nguy cơ mặt trái của mạng xã hội, sóng ngầm tội phạm, những “bàn tay đen” trên thế giới ảo đang ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội.

    (ĐSPL) - Như báo Đời sống & Pháp luật đã phản ánh, có tình trạng các đối tượng chỉ vì mâu thuẫn trên mạng xã hội cũng dẫn đến ẩu đả, rồi chuyện lợi dụng mạng xã hội để “tiếp thị” những “dịch vụ” xã hội đen như đâm thuê chém mướn, thanh toán, đòi nợ khiến dư luận bức xúc.

    Mới đây nhất, sự việc hai cô gái tại TP. Hồ Chí Minh vừa qua chỉ vì một mâu thuẫn vặt vãnh đã hẹn nhau thông qua mạng xã hội ra giữa trung tâm thành phố để giải quyết “ân oán”. Sự việc đã kéo theo hàng nghìn bạn trẻ tụ tập gây mất trật tự công cộng. Vụ việc trên đã cảnh báo nguy cơ mặt trái của mạng xã hội, sóng ngầm tội phạm, những “bàn tay đen” trên thế giới ảo đang ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội.

    Hai hotgirl (ảnh nhỏ) vì mâu thuẫn vặt đã kéo theo hàng nghìn người trên phố Nguyễn Huệ (ảnh to), rất may chưa có hậu quả.

    Dậy sóng vì một lời thách thức

    Vừa qua, hai hotgirl mạng xã hội là Đoàn Thanh Thúy Vi (18 tuổi, ngụ P.Phú Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM)  và Võ Huỳnh Thanh Vân (18 tuổi, ngụ TX.Dĩ An, tỉnh Bình Dương), chỉ vì một status (dòng trạng thái) trên mạng xã hội facebook có “đụng chạm” với nhau nên đã hẹn nhau lên phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TP. Hồ Chí Minh) để giải quyết “ân oán” đã  kéo theo rất nhiều người hiếu kỳ muốn đi xem “đánh nhau”. Cả Vi và Vân đều là hai nhân vật có lượng "người hâm mộ" lớn trên mạng xã hội facebook.

    Sự việc lên đến đỉnh điểm khi vào hồi 20h ngày 3/8, nhiều thanh niên, tuổi từ 15 đến 25, đã được hẹn qua facebook ra phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TP.HCM) tụ tập theo hai hotgirl này. Đám đông gây chú ý khiến rất nhiều người đi đường cũng kéo lại xem, gây ra cảnh tượng hỗn loạn. Rất may, vụ việc tụ tập gây rối trật tự công cộng đã được các lực lượng công an kịp thời phát hiện và đưa hàng chục đối tượng về trụ sở làm việc. Tại trụ sở Công an phường Bến Nghé (quận 1), cả Đoàn Thanh Thúy Vi và Võ Huỳnh Thanh Vân khai nhận: Trước đó, Vi đã kèn cựa, chê Vân là “đồ mặt vuông” (nghĩa là mặt xấu) khiến đôi bên lời qua tiếng lại và mâu thuẫn nên mới hẹn đến địa điểm trên để giải quyết mâu thuẫn nhưng chưa kịp ra tay thì bị công an tóm gọn đưa về trụ sở.

    Sự việc của hai hotgirl mới chỉ 18 tuổi và một mâu thuẫn hết sức vặt vãnh trên mạng xã hội đã kéo theo nhiều thanh niên trẻ tuổi tụ tập gây mất trật tự công cộng khiến dư luận phải giật mình với những nguy cơ mà mạng xã hội mang lại. Nguyên nhân vì đâu mà hai nhân vật nhỏ tuổi này có thể huy động một lực lượng lớn thanh niên a dua theo như vậy?

    Nói về nguyên nhân vụ việc, xét dưới khía cạnh tâm lý, Ths. Đào Lê Hòa An (Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam) cho rằng, sở dĩ vụ việc xảy ra xuất phát từ nhu cầu thích người khác tôn trọng. Khi hai cô gái cảm thấy bị đối phương xúc phạm, đã khiến nhu cầu muốn khẳng định mình trỗi dậy. Sự tác động của đám đông dân mạng, khiến mâu thuẫn bùng phát dữ dội. Thêm vào đó, một bộ phận bạn trẻ đang có nhận thức lệch lạc khi thường cổ vũ đánh nhau với suy nghĩ rằng đây là một câu chuyện vui để giải trí, lâu lâu mới có phim xem...

    Tội phạm thật và những “bàn tay đen” trên mạng xã hội

    Có thể thấy, xu hướng lan tỏa của “cư dân mạng” đang có những tác động cực lớn đến một bộ phận giới trẻ. Cũng chính vì sự liên kết cộng đồng rộng rãi, nhanh chóng này, tiềm ẩn nguy cơ facebook trở thành công cụ phạm tội từ lừa đảo, trộm cắp, thậm chí là giết người...

    Theo thống kê của cục Phòng chống  tội phạm công nghệ cao (C50, bộ Công an), tại Việt Nam hiện nay, người sử dụng mạng xã hội tiệm cận tới con số 36 triệu người, chiếm 1/3 dân số và 20 triệu người sử dụng điện thoại thông minh kết nối mạng, đây đang là một trong những mảnh đất màu mỡ mà bọn tội phạm công nghệ cao, các băng nhóm giang hồ hay những kẻ “bàn tay đen” có thể mượn nó tạo ra những mưu đồ bất chính...

    Nếu có hậu quả, chắc chắn sẽ xử lý hình sự

    Nhìn nhận vụ việc hai hotgirl huy động hàng trăm thanh niên tụ tập dưới khía cạnh pháp lý, luật sư Đỗ Cao Thắng, đoàn luật sư TP.Hà Nội cho rằng, hiện tại một bộ phận giới trẻ không ý thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật. Sự việc tại TP.Hồ Chí Minh của hai bạn trẻ mới lớn có thể thấy xét về quy mô là rất nghiêm trọng bởi có hàng trăm thanh niên đã tụ tập gây mất trật tự công cộng, rất may hậu quả chưa xảy ra, nếu không rất khó kiểm soát. Với quy mô đó, nếu có đối tượng xấu lợi dụng, kích động đám đông thì hậu quả sẽ rất khó lường. Trong trường hợp đối tượng cầm đầu là đối tượng xấu, đã từng có tiền án tiền sự và có hậu quả, với một mục đích xấu thì chắc chắn sẽ phải xử lý hình sự và áp dụng tình tiết tăng nặng với kẻ chủ mưu. Việc phạt hành chính đối với hai cô gái kia có lẽ đã được cơ quan chức năng cân nhắc kỹ từng trường hợp cụ thể. Tuy vậy, qua đó có thể thấy đây là một sự việc đáng báo động trong giới trẻ, đồng thời tội phạm mạng xã hội sẽ trở thành vấn đề nhức nhối khó kiểm soát.

    Vụ việc vào hồi tháng 3/2015, khi Công an quận Hải Châu (Đà Nẵng) cũng đã bắt giam Huỳnh Hữu Như Minh (tức Bin, SN 1999, trú phường Hải Châu 2, quận Hải Châu) cùng các đồng phạm là Nguyễn Quốc Tuấn (SN 1999, trú phường Hải Châu 2), Nguyễn Văn Phúc (Rin, SN 2000, trú phường Tam Thuận, quận Thanh Khê, TP.Đà Nẵng), Huỳnh Hữu Tráng (Đô, SN 1992, trú phường Hải Châu 2, quận Hải Châu), 4 tên “chíp hôi” này đã chém nạn nhân Lê Duy Vỹ (còn gọi Lép, SN 2000, trú phường Hải Châu 1, quận Hải Châu, Đà Nẵng) thương tật 49\% chỉ vì mâu thuẫn trên facebook.

    Không chỉ riêng Đà Nẵng chấn động với vụ trọng án nhóm teen truy sát bạn chỉ vì mâu thuẫn từ facebook. Vụ án một học sinh lớp 8 ở Tiền Giang thuê sát thủ đến tận cổng trường truy sát bạn học bằng dao, tuýp sắt vào ngày 4/4 vừa qua cũng lại liên quan đến  facebook. Vụ việc hiện gây hoang mang, lo lắng không ít cho các bậc phụ huynh và nhà trường. Lực lượng Công an TP.Mỹ Tho đã phải huy động nhiều trinh sát truy bắt hai sát thủ này. Những nạn nhân của vụ án là hai học sinh Lê Thanh Phong (SN 1999) và Phạm Kỳ An (SN 2001, học sinh lớp 8/21) còn học sinh thuê giang hồ truy sát bạn học được công an xác định là Nguyễn Minh Thành (SN 2001, học sinh lớp 8/15 của trường THCS Xuân Diệu, TP.Mỹ Tho. Điều đáng trách hơn, Thành thuê hai sát thủ thanh toán bạn học với một lý do rất bi hài: Bị chê chụp ảnh xấu khoe trên facebook?!...

    Càng nguy hiểm hơn, nhiều đối tượng đã lập những “nhóm kín”, “hội kín” trên facebook để đăng tải những dịch vụ đâm thuê chém mướn và nhận các “giao dịch” khách hàng. Vụ việc gần đây nhất khi Công an Hải Phòng đã triệt phá nhóm học hộ thi thuê trong kỳ thi PTTH quốc gia. Theo thông tin từ Cơ quan điều tra, đường dây này do đối tượng Nguyễn Thị Huyền đứng đầu. Huyền đã lập Fanpage dưới hình thức “nhóm kín” trên mạng xã hội facebook để quảng cáo các dịch vụ học hộ, thi hộ. Những đối tượng điều hành trang này sẽ chủ động tìm hiểu thông tin của các thí sinh có nhu cầu, sau đó trao đổi và thoả thuận, cấu kết thực hiện hành vi gian lận thi cử. Tuy nhiên hành vi này đã không qua mặt được Cơ quan điều tra.

    Liệu có ngăn chặn được “những bàn tay đen giấu mặt” khi lợi dụng mạng facebook để “dắt mũi” các bạn trẻ vào vòng xoáy tội phạm, những kẻ “cô hồn công nghệ”, lừa đảo, mưu sát, triệt tiêu nhau? Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết, hiện nay, tội phạm thời @ đang có những phiên bản, biến thể phức tạp. Lần tìm ra kẻ giấu mặt trong thế giới ảo, trên xa lộ hàng tỉ tỉ thông tin, đang đặt ra nhiều thách thức, tuy nhiên, trên mạng internet, dù là “ảo” nhưng bao giờ cũng để lại dấu vết. Kể cả các đối tượng sử dụng “nhóm kín” hay “nhóm công khai”. 

    Tổn thương tâm hồn, mầm mống tội ác

    Bên cạnh những lợi ích toàn cầu và hiệu quả không thể phủ nhận của internet, thì một số người đã lợi dụng internet để có hành vi phạm pháp. Khi mà sự gắn kết xã hội kém và các thang bậc giá trị trong xã hội có nhiều thay đổi như hiện nay thì nguy cơ phạm tội khởi nguồn từ mâu thuẫn trên mạng xã hội là hiện hữu, nhất là với lứa tuổi vị thành niên.

    Đại tá. TS Đỗ Cảnh Thìn, Phó Giám đốc trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học và Điều tra tội phạm, học viện Cảnh sát Nhân dân cho rằng: “Người chưa thành niên là đối tượng tiếp cận nhiều nhất với phương tiện thông tin đại chúng. Những nội dung, hình ảnh tích cực và nhất là tiêu cực trên các phương tiện truyền thông tác động rất mạnh mẽ đến nhận thức, tâm hồn, hành vi, lối sống của người chưa thành niên. Sự tuyên truyền quá mức về sự hưởng thụ vật chất, sự xa hoa, hào nhoáng của một bộ phận người giàu có nhưng thiếu sự liêm chính, thiếu chuẩn mực văn hoá cũng gây ra hiệu ứng xã hội tiêu cực, nhất là đối với giới trẻ. Những hình ảnh bạo lực, đâm chém, xả súng, dao búa hay những trào lưu thiếu lành mạnh, các nội dung liên quan đến tệ nạn xã hội như mại dâm, ma tuý, cờ bạc trên phim ảnh, sách báo, trên mạng internet nhất là qua game online, trò chơi trên mạng và các web đen tác động rất sâu đậm đến đời sống tinh thần của người chưa thành niên. Bên cạnh những lợi ích to lớn mang lại cho con người thì internet cũng ảnh hưởng cực kỳ ghê gớm đến giới trẻ”.

    Một trong những nguyên nhân được các chuyên gia lý giải về việc các đối tượng phạm tội ở độ tuổi từ 14-18 gia tăng và có những vụ dẫn đến tử vong từ những lý do “lãng xẹt” như cãi cọ, tranh luận trên các mạng xã hội là sự cấu kết xã hội lỏng lẻo, không có sự gắn kết với các hoạt động ở trường, lớp, nơi sinh sống.

    Một trong những giải pháp được TS.Thìn đề xuất là ngoài việc quản lý chặt chẽ internet thì việc đưa giáo dục kỹ năng sống, lý tưởng sống cho học sinh, xây dựng hệ thống phòng ngừa liên hoàn gia đình- nhà trường – xã hội là điều vô cùng quan trọng.

    GS. Đặng Cảnh Khanh, viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển thuộc Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước “Tội phạm vị thành niên - Thực trạng, giải pháp phòng và đấu tranh trong quản lý phát triển xã hội ở nước ta hiện nay” cho rằng: “Bên cạnh tổng hoà các giải pháp về pháp luật, giáo dục... thì cần quan tâm đến vấn đề khắc phục tổn thương về tâm lý, tình cảm, nhân cách của con người nhất là thanh thiếu niên để ngăn chặn tội ác. Những mặt trái của nền kinh tế thị trường đã làm tổn thương tâm hồn, nhân cách và tâm lý con người rất nhiều nhưng lại không được quan tâm chạy chữa. Rõ ràng, chúng ta cần tăng cường hơn nữa một lực lượng tương xứng những người làm công tác xã hội, bác sỹ tâm lý... giúp đỡ kịp thời cho các nhóm bị tổn thương trong xã hội”.

    Lại Cường - Đỗ Thơm - Nguyễn Nhinh

    [mecloud] jYGTCnjhtK[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tu-cuoc-loan-da-cua-hai-hotgirl-toi-dich-vu-dam-thue-chem-muon-online-a105394.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.