Theo Điều 56 và Điều 74 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) thì bắt đầu từ năm 2022, số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu của lao động nam sẽ có sự thay đổi.
Theo đó, lương hưu hằng tháng = Tỷ lệ hưởng x Mức bình quân tiền lương/thu nhập tháng đóng BHXH.
Trong đó, mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH (đối với người tham gia BHXH bắt buộc) hoặc thu nhập tháng đóng BHXH (đối với người tham gia BHXH tự nguyện) sẽ phụ thuộc vào tiền lương hoặc thu nhập đóng hằng tháng của NLĐ.
Với lao động nam, từ năm 2022 để hưởng mức lương hưu tối thiểu 45% thì cần đóng đủ 20 năm BHXH.
Sau đó, cứ mỗi năm đóng BHXH thì mức lương hưu của NLĐ được tính thêm 2%, và mức tối đa bằng 75%.
Như vậy, từ năm 2022, NLĐ muốn hưởng lương hưu tối đa là 75% thì lao động nam cần đóng đủ từ 35 năm.
Với lao động nữ, mức lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH và tương ứng với 15 năm đóng BHXH.
Sau đó cứ mỗi năm đóng BHXH thì mức lương hưu của lao động nữ được tính thêm 2% và mức tối đa bằng 75%.
Để được hưởng mức lương hưu tối đa 75%, lao động nữ cần đóng đủ 30 năm tham gia BHXH.
Về độ tuổi nghỉ hưu của người lao động làm việc trong điều kiện bình thường, Điều 169 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định, tuổi nghỉ hưu của nhóm đối tượng này được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028, và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Do đó, sang đến năm 2022, tuổi nghỉ hưu của người lao động làm việc trong điều kiện bình thường sẽ có sự thay đổi như sau:
Lao động nam: Từ đủ 60 tuổi 6 tháng (Tăng 3 tháng so với năm 2021).
Lao động nữ: Từ đủ 55 tuổi 8 tháng (Tăng 4 tháng so với năm 2021).
Cự Giải (T/h)