Theo quy định tại Điều 21 Luật Căn cước (có hiệu lực từ 1/7/2024) nêu rõ, người đã được cấp thẻ căn cước phải thực hiện thủ tục cấp đổi thẻ căn cước khi đủ 14 tuổi, 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi.
Trường hợp thẻ căn cước được cấp, cấp đổi, cấp lại trong thời hạn 2 năm trước độ tuổi phải đổi thẻ căn cước theo quy định tại khoản 1 Điều này thì vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo.
Có thể thấy, công dân sở hữu thẻ Căn cước phải thực hiện thủ tục cấp đổi thẻ Căn cước ở 4 mốc tuổi là 14 tuổi, 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi. Công dân từ đủ 60 tuổi trở lên thực hiện thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân (CCCD) gắn chip trước thời điểm Luật Căn cước có hiệu lực sẽ không phải thực hiện cấp đổi thẻ Căn cước.
Đối với trường hợp, nếu công dân thực hiện cấp đổi lại thẻ CCCD gắn chíp trước thời hạn đủ 60 tuổi 2 năm (lúc 58 tuổi) vẫn có thể sử dụng thẻ CCCD gắn chip đó đến khi mất. Song nếu họ có nhu đổi sang thẻ Căn cước thì vẫn thực hiện thủ tục cấp đổi như bình thường.
Điều 31 Luật Căn cước quy định, mỗi công dân Việt Nam được cấp một căn cước điện tử.
Căn cước điện tử gồm danh tính điện tử (số định danh cá nhân; họ tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; ảnh khuôn mặt; vân tay) và một số thông tin cá nhân khác trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước.
Đáng chú ý, những thông tin như thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn… sẽ được tích hợp vào căn cước điện tử theo đề nghị của công dân. Các thông tin này phải được xác thực thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
Về giá trị sử dụng của căn cước điện tử, Điều 33 Luật Căn cước nêu rõ, căn cước điện tử có giá trị chứng minh về căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào căn cước điện tử của người được cấp căn cước điện tử để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác theo nhu cầu của công dân.
Trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công, thực hiện các giao dịch và hoạt động khác, nếu phát hiện có sự khác nhau giữa thông tin in trên thẻ căn cước hoặc thông tin lưu trữ trong bộ phận lưu trữ được mã hóa của thẻ căn cước với thông tin trong căn cước điện tử thì cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin trong căn cước điện tử.
Thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an có thẩm quyền cấp căn cước điện tử.
Cũng theo Luật Căn cước, căn cước điện tử bị khóa trong các trường hợp: Người được cấp căn cước điện tử yêu cầu khóa; người được cấp căn cước điện tử vi phạm thỏa thuận sử dụng ứng dụng VNeiD; người được cấp căn cước điện tử bị thu hồi, bị giữ thẻ căn cước; người được cấp căn cước điện tử chết; có yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng hoặc cơ quan khác có thẩm quyền.
Tương ứng với từng trường hợp, căn cước điện tử được mở khóa khi người được cấp căn cước điện tử yêu cầu; hoặc đã khắc phục những vi phạm thỏa thuận sử dụng ứng dụng định danh quốc gia; hoặc được trả lại thẻ căn cước; hoặc cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.
Khi khóa căn cước điện tử đối với trường hợp theo quy định, cơ quan quản lý căn cước phải thông báo ngay cho người bị khóa căn cước điện tử. Thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an có thẩm quyền khóa, mở khóa căn cước điện tử. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục khóa, mở khóa căn cước điện tử.
Bảo An(T/h)