Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. Trong đó có quy định, các hành vi gian lận, nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) coi như là tội phạm.
Theo BHXH Việt Nam, tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT vẫn diễn ra phổ biến. Đến đầu tháng 11/2017, số nợ BHXH, BHYT, BHTN chiếm 6,3% số phải thu. Trong đó, nợ dưới 6 tháng chiếm tỉ lệ cao với 7.300 tỉ đồng; nợ BHYT các đơn vị sử dụng lao động là 1.569 tỉ đồng. Hiện có đến 102.900 đơn vị đang nợ BHXH của 2,6 triệu lao động, tương đương với số tiền 14.700 tỉ đồng. Cơ quan BHXH đã khởi kiện 8.800 vụ với số tiền khoảng 6.000 tỉ đồng. Tòa án các cấp đã xử 3.986 vụ, tương đương với 16% tổng số nợ, số vụ.
Các hành vi trốn nợ BHXH bắt buộc được coi là tội phạm và bị xử lý hình sự - Ảnh: thoibaotaichinhvietnam.vn. |
Ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết hiện có khoảng hơn 600.000 doanh nghiệp (DN) nhưng mới có khoảng 250.000 DN tham gia BHXH. Ước tính của BHXH Việt Nam hiện nay, còn khoảng hơn 1 triệu người thuộc diện phải tham gia BHXH bắt buộc trong tất cả các đơn vị sử dụng lao động, trong đó, tập trung chủ yếu là ở các DN siêu nhỏ và người làm việc theo hợp đồng lao động trong các hộ kinh doanh cá thể. Tình trạng trốn đóng BHXH, BHYT cho người lao động (NLĐ) diễn ra ở nhiều địa phương, với nhiều thủ đoạn khác nhau. Năm 2017, BHXH Việt Nam đã kiểm tra gần 100.000 DN, trong đó khoảng 60.000 DN gần như không còn trên địa bàn, địa chỉ sản xuất kinh doanh.
Từ ngày 1/1/2018, khi Bộ Luật Hình sự 2015 chính thức có hiệu lực, các hành vi trốn nợ BHXH bắt buộc được coi là tội phạm và bị xử lý hình sự. Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: Người nào có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên sẽ bị xử phạt hành chính hoặc phạt tù. Theo đó, phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm đối với trường hợp trốn đóng bảo hiểm từ 50 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng; hoặc trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động từ 6 tháng trở lên, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn tái phạm.
Mức phạt tăng lên 200 - 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Phạm tội 2 lần trở lên; trốn đóng bảo hiểm từ 30 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng; trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 người đến dưới 200 người.
Mức phạt cao nhất là bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 2 - 7 năm nếu trốn đóng bảo hiểm 1 tỷ đồng trở lên hoặc trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên.
Hành vi không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động cũng sẽ bị xử phạt từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm tùy theo số tiền, số người lao động bị trốn đóng bảo hiểm. Đặc biệt, pháp nhân thương mại (doanh nghiệp) nếu trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động thì có thể bị xử phạt từ 200 triệu đồng đến 3 tỷ đồng.
Hằng Thanh(T/h)