Không có chuyện dừng quyền hưởng BHXH một lần
Sáng 23/7, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước công bố 5 luật mới được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7, gồm: Luật Đường bộ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật Thủ đô; Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng.
Mở đầu họp báo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà cùng các đại biểu, phóng viên dự họp thành kính dành một phút mặc niệm tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Phạm Trường Giang cho hay nội dung liên quan hưởng bảo hiểm xã hội một lần đã được đại biểu Quốc hội biểu quyết riêng khi thông qua luật.
Ông Giang nói thêm, nội dung này nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội rất lớn và chủ trương của Ban soạn thảo, Chính phủ khi trình Quốc hội là gia tăng bảo vệ, tăng quyền lợi, lợi ích nhằm đảm bảo cho người lao động thụ hưởng chế độ hưu trí thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần và tôn trọng quyền của người lao động.
Theo ông Giang, luật quy định những người tham gia bảo hiểm xã hội trước 1-7-2025, khoảng 18 triệu người, hoàn toàn có quyền nhận bảo hiểm xã hội một lần.
"Với những người tham gia bảo hiểm xã hội từ 1-7-2025 vẫn có quyền nhận bảo hiểm xã hội một lần nhưng trong 4 trường hợp.
Trường hợp thứ nhất là người đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm. Thứ hai, ra nước ngoài để định cư. Thứ ba, đang mắc một trong những bệnh ung thư, bại liệt, xơ gan mất bù, lao nặng, AIDS. Thứ tư, có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, người khuyết tật đặc biệt nặng.
Như vậy, không có chuyện cấm, dừng quyền hưởng bảo hiểm xã hội một lần của người tham gia từ 1-7-2025", ông Giang thông tin.
Đối với việc quy định như ở luật có giúp hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần không? Ông Giang cho hay luật quy định nếu người lao động bảo lưu để hưởng lương hưu thay vì hưởng bảo hiểm xã hội một lần sẽ có cơ hội tăng 1 trong 4 quyền lợi.
Trong đó, có cơ hội được hưởng các quyền lợi, chế độ ngắn hạn cao hơn. Thêm vào đó, người lao động có cơ hội hưởng trợ cấp hằng tháng sớm trước 75 tuổi, trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng đó có cơ hội hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đóng.
Bên cạnh đó được tiếp cận các quyền lợi, chính sách khác như tín dụng...
Nhiều quyền lợi khi tham gia bảo hiểm xã hội
Giới thiệu về Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết, Luật bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng, trong đó, giảm độ tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội xuống 75 tuổi (hiện tại đang là 80 tuổi). Với người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo thì từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Luật cũng mở rộng đối tượng được tham gia và thụ hưởng đầy đủ các chế độ BHXH bằng việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc với chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, người hoạt động không chuyên trách ở xã, thôn, tổ dân phố...
Theo Luật, gia tăng cơ hội được hưởng lương hưu của người tham gia thông qua việc giảm điều kiện về số năm đóng tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm.
Luật bổ sung quy định nhằm gia tăng quyền lợi, tính hấp dẫn, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần.
Trong đó, người lao động đã chấm dứt tham gia BHXH mà có đề nghị thì hưởng một lần trong một số trường hợp: Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm, ra nước ngoài để định cư, đang mắc một trong những bệnh ung thư, bại liệt, xơ gan mất bù, lao nặng, AIDS, có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, người khuyết tật đặc biệt nặng.
Đối tượng khác được hưởng BHXH một lần là người lao động có thời gian đóng BHXH trước ngày 1/7/2025, sau 12 tháng không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc mà cũng không tham gia bảo hiểm tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm chưa đủ 20 năm.
Người lao động không hưởng bảo hiểm một lần mà bảo lưu thời gian đóng để tiếp tục tham gia thì có cơ hội được thụ hưởng các quyền lợi cao hơn. Khi tiếp tục tham gia được hưởng các chế độ với mức hưởng cao hơn, được hưởng lương hưu với điều kiện dễ dàng hơn...