(ĐSPL) – “Giáo dục con em cũng như trồng cây vậy, 'măng chẳng uốn, uốn tre sao được', Tiến sĩ Trần Hoàng bày tỏ quan điểm.
Thời gian qua, vấn đề đạo đức học đường được bàn đến nhiều nhất trên các trang báo bởi hiện tượng giáo viên áp dụng những hình phạt nghiêm khắc với học sinh, thậm chí có thầy giáo còn đánh học sinh ngay trên bục giảng.
Vấn đề đặt ra là, làm sao để tránh những vụ việc đáng tiếc trên? Báo Đời sống và pháp luật online đã phỏng vấn Tiến sĩ Trần Hoàng - Phó Tổng biên tập tạp chí Khoa học - Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh về vấn đề này.
Tiến sĩ Trần Hoàng - Phó Tổng biên tập tạp chí Khoa học - Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh. |
- Liên tiếp vụ ba giáo viên ở Bình Phước đã phạt hàng chục học sinh lớp 4 và lớp 5 ăn ớt vì không học bài và nói chuyện riêng trong lớp; vụ thầy trò “hỗn chiến xảy ra tại Bình Định; rồi thầy giáo tát trò thủng màng nhĩ ở Hà Tĩnh khiến nhiều người lo ngại về đạo đức học đường đang bị xuống cấp trầm trọng. Là một người rất quan tâm đến tình hình giáo dục trong nước, thầy nhìn nhận và đánh giá về những vụ việc này như thế nào?
Những vụ việc như thế này phải chăng là do đạo đức học đường đang bị xuống cấp trầm trọng? Theo tôi, vấn đề cần được nhìn nhận ở diện rộng hơn: Hiện nay, tình trạng kém đạo đức trong xã hội ta quả là đáng báo động. Có thể minh chứng dễ dàng bằng những vụ việc được phản ánh thường xuyên trên các phương tiện truyền thông. Và dĩ nhiên, học đường cũng không thể không bị tác động từ xã hội.
Mặt khác, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận: “Sản phẩm giáo dục của chúng ta có chi tiết lỗi” nhưng nếu từ đó mà cho rằng đạo đức học đường đang bị xuống cấp trầm trọng thì theo tôi là không ổn. Chúng ta đừng quên rằng truyền thống “tôn sư trọng đạo” của nhân dân ta vẫn luôn được phát huy, đại bộ phận nhà giáo là những tấm gương sáng cho học sinh noi theo, quan hệ thầy trò ở khắp nơi vẫn đều rất tốt đẹp. Những vụ việc tiêu cực có tính chất cá biệt, nhất thời ở đâu lúc nào chẳng có - kể cả trong môi trường sư phạm, nên không phải vì vậy mà ta vội vàng quy kết đạo đức học đường đang bị xuống cấp trầm trọng.
Đâu chỉ ở nước ngoài việc đánh học trò mới bị xem là “một hành động sai trái về đạo đức nghề nghiệp, thậm chí vi phạm luật pháp”? Ở ta cũng vậy thôi, Luật Giáo dục (2005) đã quy định” Nhà giáo không được “xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể của người học” (Điều 75), nếu “ngược đãi, hành hạ người học” thì “tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự…” (Điều 118).
Trước những vụ việc đáng tiếc xảy ra trong nhà trường, tôi đồng tình với quan điểm “Cần cái nhìn đa chiều hơn là sự quy chụp” của Hồng Thúy trên báo Giáo dục và Thời đại (mục Góc nhìn sự kiện, 25/2/2014, tr.2): “Mỗi một thông tin xấu về nhân cách của người thầy giáo đều tạo bất bình trong dư luận. Nhưng nếu chỉ nhìn vào một vài hiện tượng chưa đúng mực trong ứng xử sai phạm của những giáo viên trẻ, thiếu kinh nghiệm nghề nghiệp để vội vã quy chụp là không công bằng”, thậm chí theo tôi là rất vô trách nhiệm!
- Sở GD-ĐT ở các tỉnh đều cho biết sẽ xử lý nghiêm vụ việc trên. Theo thầy, những vụ việc đó đã được giải quyết và xử lý hợp lý chưa?
Theo tôi, trong mọi trường hợp, giáo viên “xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể của người học” đều cần phải bị xử lí nghiêm khắc, kịp thời. Và trên thực tế thì các vụ việc vi phạm vừa qua đều đã được lãnh đạo địa phương yêu cầu xử lí nghiêm.
Tôi tin là Hội đồng kỷ luật là các nhà sư phạm đều cân nhắc xử lý đúng bản chất và hậu quả vụ việc.
- Qua những vụ việc đó, có ý kiến cho rằng, ngành giáo dục, sư phạm cần rút ra những bài học trong đào tạo đạo đức nhà giáo, kỹ năng xử lý tình huống ngay từ học đường cho những nhà giáo tương lai. Ý kiến của thầy về vấn đề này như thế nào?
Đây chính là chỗ yếu nhất trong việc đào tạo giáo viên của chúng ta. Trước hết, lâu nay ngành sư phạm đã không có sự tuyển lựa kỹ càng ngay từ đầu vào. Nếu trường sư phạm tuyển sinh viên chỉ qua những bài thi viết nhằm kiểm tra kiến thức cơ bản như lâu nay thì rõ ràng chưa đủ. Người thầy không chỉ cần giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ mà còn phải có đức độ, giàu trách nhiệm, vị tha, yêu nghề mến trẻ... Cái chuẩn ấy có tính phổ quát. Phải chọn cho đúng những người muốn cống hiến cuộc đời cho nghề dạy học, có đủ tố chất sư phạm để mà đào tạo. Đây là tiền đề hết sức quan trọng để có thể đào tạo thành những “lương sư”. Rồi đến việc đào tạo của trường sư phạm.
Có thể nói thẳng là lâu nay việc đào tạo đạo đức nhà giáo trong trường sư phạm chưa được chú trọng. Những biện pháp đã làm nào đó thực ra đều rất hình thức, kém hiệu quả. Và nay, với kiểu học theo tín chỉ thì việc đào tạo đạo đức cho sinh viên sư phạm ngay trên giảng đường là không khả thi! Kĩ năng xử lí tình huống sư phạm lâu nay có đào tạo đấy, nhưng còn ít và nặng về lí thuyết quá!
- Nhiều người nhận định, mối quan hệ thầy – trò ngày xưa và thời nay cách biệt nhau quá xa. Trước đây, để uốn nắn học trò, việc thầy "thương cho roi cho vọt" là bình thường. Ý kiến của riêng thầy về vấn đề này như thế nào ạ?
Sự cách biệt như vậy là tất yếu thôi. Biện pháp giáo dục Việt Nam ngày xưa thiên về áp đặt, răn đe, trừng phạt, nên “thương cho roi cho vọt” được khuyến khích. Còn ngày nay trên tinh thần giáo dục khai phóng, người thầy tuyệt đối không được “xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể của người học” mà phải giáo dục thông qua tác động, thuyết phục. Việc sử dụng “roi vọt” với con cái, học trò đã quá lỗi thời, không còn có tác dụng giáo dục.
- Việc tìm hiểu tâm lý học trò rất quan trọng, nhất là những em đang ở độ tuổi trưởng thành. Thầy có thể đưa ra lời khuyên nào đối với các thầy cô giáo và phụ huynh trong việc quan tâm, giáo dục nhân cách cho học trò?
Giáo dục nhân cách cho lứa tuổi học trò trong bối cảnh xã hội phân hóa, ngổn ngang như hiện nay là một vấn đề cực khó. Vì vậy, thầy cô và phụ huynh trước hết phải thực sự quan tâm, gần gũi các em; nêu gương cho các em bằng cách sống và phát ngôn có trách nhiệm; tế nhị tìm cách để các em tiếp xúc và ủng hộ cái tốt cái thiện, biết phê phán cái xấu cái ác; hãy làm bạn, lắng nghe các em và tâm sự hơn là đứng trên bục cao mà rao giảng...
Giáo dục con em cũng như trồng cây vậy, “Măng chẳng uốn, uốn tre sao được?”, “Trông quả thì biết cây” mà!
- Thầy có những đề xuất gì để tác động đến cả thầy và trò nhằm tránh những vụ việc đáng tiếc như thầy tát trò, trò đánh thầy không xảy ra nữa?
Những đề xuất của tôi cũng không ngoài những điều đã bày tỏ, cụ thể là:
1. Cần chú trọng đào tạo đạo đức nhà giáo ngay từ khi đặt chân vào trường sư phạm, bắt đầu ở khâu tuyển sinh như đã nói trên (sinh viên sư phạm phải là những người thật sự yêu nghề dạy học, có đầy đủ tố chất sư phạm chứ không phải chỉ chọn vào vì “chuột chạy cùng sào”) và việc đào tạo đạo đức nhà giáo phải có hệ thống, thực chất.
2. Cần tăng cường gửi sinh viên sư phạm về tìm hiểu thực tế, thực tập ở các trường tiểu học, phổ thông với thời lượng nhiều hơn nữa trong suốt quá trình đào tạo thay vì chỉ một hai đợt như hiện nay.
3. Cần tránh tạo áp lực quá lớn trong mọi hoạt động dạy và học, để thầy cô toàn tâm toàn ý dạy học cũng như học sinh được học tập, sinh hoạt một cách thoải mái, tự giác.
4. Cần xử lý nghiêm và kịp thời những sai phạm trong hành xử của cả thầy lẫn trò; rút kinh nghiệm rộng rãi trong toàn ngành những vụ việc vi phạm điển hình. Cũng rất cần định kì tập huấn, cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động giáo dục cho giáo viên, nhất là giáo viên trẻ.
5. Ngoài xã hội, các phương tiện truyền thông chính thống cũng cần có trách nhiệm trong việc chuyển tải thông tin, định hướng dư luận trước những vấn đề nhạy cảm liên quan đến học đường.
- Xin cảm ơn thầy!
Kim Linh
Xem clip nữ sinh đánh nhau với phụ huynh: