Dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT công ty Địa ốc Alibaba thông qua Zalo và tin nhắn điện thoại, hàng chục nhân viên công ty này đã tập trung chống đối, gây rối, đập phá xe của đoàn cưỡng chế. Viện KSND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã hoàn tất cáo trạng để truy tố 4 bị can ra trước pháp luật.
Nhân viên công ty Địa ốc Alibaba tập trung gây rối, chống đối lệnh cưỡng chế ở Tóc Tiên hôm 13/6. |
Bắt tay lập dự án “ma” lừa đảo
Ngày 1/11, VKSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã hoàn tất cáo trạng truy tố 4 bị can là nhân viên công ty CP Địa ốc Alibaba (công ty Địa ốc Alibaba) gồm: Nguyễn Huỳnh Tú Trinh (SN 1995, quê Tiền Giang), Trần Quốc Tĩnh (SN 1995, quê Quảng Nam), Huỳnh Ngọc Thiện (SN 1996) và Phan Quỳnh Long (SN 1997, cùng quê Gia Lai) với 2 tội Cố ý làm hư hỏng tài sản và Gây rối trật tự công cộng.
Theo cáo trạng, công ty Địa ốc Alibaba (địa chỉ 321 Điện Biên Phủ, phường 25, quận Bình Thạnh, TP.HCM) được phòng Đăng ký kinh doanh sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Hồ Chí Minh cấp mã số doanh nghiệp 0313788565 đăng ký lần đầu ngày 05/5/2016, đăng ký thay đổi lần thứ 3 ngày 26/9/2017 do Nguyễn Thái Luyện là Chủ tịch HĐQT, Nguyễn Thái Lĩnh (em trai Luyện) là Giám đốc đại diện theo pháp luật, Nguyễn Thái Lực (em trai Luyện) là trợ lý cho Luyện.
Ngày 13/7/2018, Nguyễn Thái Lực ký hợp đồng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng các thửa đất nông nghiệp số 133, 248, 249, 139 tờ bản đồ số 17 tọa lạc tại ấp 3, xã Tóc Tiên, TX.Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu từ ông Nguyễn Phú Quí (SN 1976, trú huyện Long Thành, Đồng Nai) và sau đó được cấp các giấy CNQSDĐ với mục đích trồng cây lâu năm.
Sau khi mua gom các thửa đất nông nghiệp nêu trên, Lực và công ty Alibaba đã tự lập “dự án” trái phép, tự đặt tên “Khu dân cư Alibaba Tân Thành Center 5” để phân lô bán nền trái phép mà không đăng ký, không xin phép cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.
Từ việc làm trái quy định pháp luật trên, UBND xã Tóc Tiên (TX.Phú Mỹ) đã ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính buộc khôi phục trả lại hiện trạng đất ban đầu. Tuy nhiên, Lực đã không phối hợp và liên tục né tránh, buộc ông Thân Đăng Phong, Chủ tịch UBND xã Tóc Tiên ra quyết định cưỡng chế sai phạm trên.
Ông chủ “đẩy” nhân viên vào vòng lao lý
Vào 18h ngày 12/6/2019, UBND xã Tóc Tiên đưa một xe cuốc vào khu đất vi phạm để ngày hôm sau tiến hành cưỡng chế thì bảo vệ khu đất phát hiện nên báo cho Nguyễn Thái Luyện đang ở tại trụ sở chi nhánh Alibaba tại số 120 -122 đường Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM biết.
Lúc này, thông qua mạng xã hội Zalo và điện thoại, Luyện đã chỉ đạo nhân viên công ty Alibaba là Trang Chí Linh, Nguyễn Huỳnh Tú Trinh (chuyên viên văn phòng Luật) và các cá nhân khác lập kế hoạch xử lý công việc để sáng ngày hôm sau (13/6) đến UBND TX.Phú Mỹ yêu cầu gặp ông Nguyễn Văn Thắm, Chủ tịch UBND TX.Phú Mỹ để phản đối, nếu không được thì biểu tình.
Theo đó, nội dung các tin nhắn Luyện gửi cho nhân viên Alibaba thể hiện mục đích là làm lớn chuyện, tranh thủ thu hút truyền thông và thu hút của nhiều cơ quan chức năng; Sự việc phải làm rung động khu vực thị xã Phú Mỹ, rất có lợi cho sự nghiệp phát triển bền vững lâu dài của mình...
Qua đó, các đối tượng Tú Trinh, Chí Linh đã chia sẻ các tin nhắn của Luyện đến nhân viên công ty Alibaba trên trang mạng xã hội Zalo để hôm sau thực hiện. 6h ngày 13/6/2019, công ty Alibaba điều động 01 xe ô tô 16 chỗ, 03 xe ô tô 7 chỗ chở nhân viên xuống TX.Phú Mỹ, một số nhân viên khác tự đi xe máy xuống.
Đến khoảng 7h30 cùng ngày, tất cả tập trung tại trụ sở UBND TX.Phú Mỹ. Tại đây, Tú Trinh, Trần Quốc Tĩnh, Huỳnh Ngọc Thiện, Phan Quỳnh Long cùng vài chục nhân viên mặc đồng phục công ty Alibaba đứng trước cổng UBND TX.Phú Mỹ cầm biểu ngữ có nội dung: “Không thông báo cho nhân dân, lén lút cưỡng chế” đòi làm việc với Chủ tịch UBND TX.Phú Mỹ.
Đến 10h, Trinh, Tĩnh được mời vào làm việc nhưng do ông Nguyễn Văn Thắm bận họp không tiếp được, sau đó tất cả kéo đến quán cơm An Thu tại xã Tóc Tiên, TX.Phú Mỹ để ăn trưa thì nhận được tin đoàn cưỡng chế đang cưỡng chế tháo dỡ công trình trên đất vi phạm nên tất cả kéo nhau vào khu đất vi phạm.
Ngông cuồng chống đối
Tại đây, đoàn cưỡng chế UBND xã Tóc Tiên tiến hành cưỡng chế tháo dỡ việc xây dựng trái phép, trả lại mặt bằng hiện trạng thì các bị can Trinh, Tĩnh, Thiện, Long cùng các nhân viên công ty Alibaba chạy đến với thái độ hung hãn, la hét, cự cãi, đòi xem hồ sơ, giấy tờ và ngăn cản việc cưỡng chế làm cho tình hình trở nên căng thẳng.
Lúc này Tú Trinh liên tục lớn tiếng, cự cãi, vung tay ra lệnh cho các nhân viên công ty Alibaba bằng các mệnh lệnh: “Chiếc xe cẩu này, đập luôn chiếc xe cẩu này cho chị, nhanh lên có nghe chị nói không”;“Xử lý luôn chiếc xe cẩu, xử lý luôn chiếc xe máy, nhanh lên nghe chị nói không”. Tiếp đó, Tĩnh, Thiện, Long đã dùng gạch, đá đập phá vỡ chiếc xe cuốc thì Tú Trinh vẫn tiếp tục lớn tiếng ra lệnh:“Xe máy dưới kia đập luôn, không cho xe nào đi đâu hết”.
Trước tình hình trên, Công an TX.Phú Mỹ đã lập biên bản bắt người phạm tội quả tang đối với Trinh, Tĩnh. Đồng thời, yêu cầu 8 đối tượng khác về trụ sở làm việc.
Quá trình điều tra, ban đầu Tú Trinh khai nhận thực hiện hành vi theo chỉ đạo của Nguyễn Thái Luyện qua điện thoại và tin nhắn Zalo. Nhưng sau đó thay đổi lời khai, cho rằng bản thân bị can và nhân viên công ty Alibaba thực hiện các hành vi nêu trên nhằm mục đích bảo vệ tài sản của công dân nên thuộc tình thế cấp thiết.
Đối với các bị can Tĩnh, Thiện, Long đều là nhân viên công ty Alibaba, quá trình điều tra đã thừa nhận hành vi lớn tiếng la hét, cự cãi, cản trở việc cưỡng chế và đập phá tài sản của đoàn cưỡng chế UBND xã Tóc Tiên. Các bị can nhận thức hành vi của bản thân là sai phạm, nhưng phải thực hiện do tuân thủ sự chỉ đạo của lãnh đạo công ty Alibaba và mệnh lệnh của bị can Tú Trinh với vai trò người thực hành, giúp sức tích cực.
Liên quan đến việc công ty Địa ốc Alibaba rao bán “dự án ma”, đến nay cơ quan CSĐT Công an TP.HCM cũng đã khởi tố và bắt giam Nguyễn Thái Luyện, Nguyễn Thái Lĩnh và Nguyễn Thái Lực để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cơ quan điều tra xác định Luyện chủ mưu, cầm đầu vụ án khi chỉ đạo và cùng Lĩnh thành lập ra công ty Alibaba và các công ty thành viên, quy mô hơn 2.600 nhân viên.
Từ đó thu gom mua số lượng lớn đất nông nghiệp với tổng diện tích khoảng hơn 600 ha, giao cho các cá nhân (là người thân) đứng tên, tự vẽ ra hơn 40 "dự án" không có thật tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, chưa làm thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép cho làm dự án... sau đó quảng cáo là đất nền dự án (đất ở) để bán cho khách hàng.
Tính đến ngày 30/6, công ty Alibaba đã ký hợp đồng bán đất nền cho hơn 6.700 khách hàng, thu hơn 2.500 tỷ đồng.
Hoàng Hưng
Bài đăng trên báo in Đời sống & Pháp luật số 177