+Aa-
    Zalo

    Bị khởi tố về tội rửa tiền, Nguyễn Thái Lực - em trai "trùm" địa ốc Alibaba đối diện mức án nào?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Theo nhận định của luật sư, nếu Nguyễn Thái Lực bị kết tội Rửa tiền thì mức hình phạt cao nhất về tội danh này có thể lên đến 10 năm tù.

    Theo nhận định của luật sư, nếu Nguyễn Thái Lực - em trai trùm địa ốc Alibaba Nguyễn Thái Luyện, bị kết tội Rửa tiền thì mức hình phạt cao nhất về tội danh này có thể lên đến 10 năm tù.

    Ông Nguyễn Thái Lực bị khởi tố, bắt tạm giam. Ảnh: VTC News 

    Liên quan vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Công ty cổ phần địa ốc Alibaba, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã khởi tố, bắt tạm giam (thời gian 3 tháng 24 ngày) đối với bị can Nguyễn Thái Lực (SN 1999, em ruột Nguyễn Thái Luyện và Nguyễn Thái Lĩnh) về tội “Rửa tiền” theo Điều 324 Bộ Luật Hình sự năm 2015.

    Trao đổi với báo Đời Sống & Pháp Luật, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, hành vi rửa tiền là làm cho tiền hoặc tài sản bất hợp pháp thành tài sản hợp pháp bằng cách thông qua các nghiệp vụ tài chính, ngân hàng hoặc các giao dịch khác…

    Tội rửa tiền không phải là tội mới. Trước đây, tội này được quy định tại Điều 251 Bộ luật hình sự 1999. Tuy nhiên, đến Bộ luật hình sự 2015 thì tội danh này có nhiều nội dung sửa đổi cho phù hợp với tình hình mới.

    Theo quy định tại Điều 251 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì chủ thể của Tội rửa tiền là cá nhân, là bất cứ người nào có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi theo luật định.

    Điều 324 BLHS năm 2015 đã mở rộng phạm vi chủ thể, đó là ngoài cá nhân, thì pháp nhân thương mại cũng là chủ thể của tội này. Việc đưa thêm chủ thể là pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tạo thuận lợi cho việc hợp tác quốc tế về thương mại, đầu tư, tài chính, ngân hàng và cũng phù hợp với xu hướng toàn cầu hóa.

    Bởi vậy trong vụ án Alibaba thì ngoài cá nhân phải chịu trách nhiệm hình sự, pháp nhân thương mại là các anh nghiệp có liên quan cũng có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội danh này nếu hành vi thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm.

    Theo quy định tại khoản 1 Điều 324 BLHS năm 2015, thì một người phạm tội rửa tiền khi thực hiện một trong các hành vi sau đây:

    Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có;

    Sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác;

    Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó;

    Thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản này đối với tiền, tài sản biết là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có.

    Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư chính pháp. 

    Luật sư Cường nhận định rằng, so với Điều 251 BLHS năm 1999 thì Điều 324 BLHS năm 2015 đã bổ sung dấu hiệu “do mình phạm tội mà có” và sửa đổi dấu hiệu “biết rõ là do phạm tội mà có” thành “biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có” vào cấu thành của tội phạm.

    Việc bổ sung dấu hiệu “do mình phạm tội mà có” cho thấy người thực hiện tội phạm nguồn cũng là chủ thể của tội phạm này (tức hành vi tự rửa tiền). Đồng thời, việc sửa đổi, bổ sung dấu hiệu của hành vi khách quan quy định tại Điều 324 BLHS năm 2015, có thể xác định chủ thể của tội rửa tiền bao hàm cả người thực hiện tội phạm nguồn (hành vi tự rửa tiền) và người không thực hiện tội phạm nguồn (là người giúp người thực hiện tội phạm nguồn che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do phạm tội mà có).

    Với quy định này thì không chỉ Nguyễn Thái Lực mà Nguyễn Thái Lĩnh và Nguyễn Thái Luyện cũng có thể bị khởi tố bổ sung về tội danh này nếu cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy những đối tượng này có chủ đích rửa tiền sau khi đã chiếm đoạt được tiền, tài sản của người bị hại.

    Luật sư Cường cho hay, trong vụ án này, nếu đối tượng nào bị kết tội về tội danh Rửa tiền thì mức hình phạt cao nhất về tội danh này có thể lên đến 10 năm tù. Ngoài ra nếu phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản tiền phạt có thể ở mức cao nhất là tù chung thân.

    Chiều 2/10, tiếp tục mở rộng điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần địa ốc Alibaba, Công an TP.HCM đã khởi tố bị can, bắt tạm giam trong thời gian 3 tháng 24 ngày đối với Nguyễn Thái Lực (sinh năm 1999, em ruột Nguyễn Thái Luyện và Nguyễn Thái Lĩnh) để điều tra về tội “Rửa tiền” theo Điều 324 Bộ Luật Hình sự năm 2015.

    Trước đó, sau khi Công an tạm giữ hình sự Lực, ngày 30/9, Cơ quan điều tra đã ra Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Rửa tiền”. Ngày 1/10, Công an đã tống đạt Quyết định Khởi tố bị can và thi hành lệnh tạm giam trong thời gian Nguyễn Thái Lực. Tất cả Quyết định trên đều đã được Viện Kiểm sát nhân dân thành phố phê chuẩn.

    Đến thời điểm hiện tại, cả ba anh em Nguyễn Thái Luyện, Nguyễn Thái Lĩnh và Nguyễn Thái Lực đều đã bị khởi tố, bắt giam để điều tra về vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” tại Công ty địa ốc Alibaba.

    Thủy Tiên(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bi-khoi-to-ve-toi-rua-tien-nguyen-thai-luc---em-trai-trum-dia-oc-alibaba-doi-dien-muc-an-nao-a295691.html
    Sự kiện:
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan