(ĐSPL) - Nhóm đối tượng nhập cảnh vào Việt Nam, thuê phòng tại khách sạn sang trọng, cấu kết với một số đối tượng trong nước lừa đảo công nghệ cao. Tính đến lúc bị triệt phá, nhóm lừa đảo công nghệ cao đã thực hiện thành công nhiều vụ, thu lợi bất chính hơn 2,5 tỉ đồng.
Mới đây, khi bị tạm giam ở trại giam Chí Hòa, một nghi phạm người Đài Loan trong nhóm này đã cả gan vượt ngục.
"Cò" cung cấp thông tin cho tội phạm công nghệ cao
Chiều 4/2, Công an TP.HCM cho biết, vừa ký lệnh truy nã Chen Guo-Liang (SN 1974, người Đài Loan) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nghi phạm Chen Guo-Liang là đối tượng trong nhóm lừa đảo công nghệ cao bị cơ quan công an phát hiện, bắt giữ trong vụ việc nói trên, tạm giam tại trại giam Chí Hòa. Mới đây, nghi phạm này đã trốn khỏi nơi giam giữ.
Chen Guo-Liang, đối tượng đang bị truy nã. |
Theo hồ sơ vụ việc, ngày 15/8/2014, lực lượng Công an TP.HCM nhận được tin báo của một nạn nhân ngụ quận Bình Thạnh về việc mình bị một số kẻ mạo danh công an lừa đảo, chiếm đoạt nhiều tỉ đồng. Nạn nhân trình báo là bà N.T. (ngụ phường 24, quận Bình Thạnh) bị lừa 1,06 tỉ đồng. Mười ngày sau, ngày 25/8, Công an TP.HCM lại nhận được trình báo của bà T.V. (ngụ phường 25, quận Bình Thạnh) bị lừa 887 triệu đồng. Nhận thấy đây là vụ lừa đảo nghiêm trọng, được thực hiện bởi những đối tượng chuyên nghiệp nên Công an TP.HCM lập chuyên án, điều động các trinh sát dày dặn về chống tội phạm công nghệ cao vào cuộc điều tra.
Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, chiều 30/8/2014, Đội 8 Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an TP.HCM đã thi hành lệnh bắt khẩn cấp Chen Guo-Liang (người Đài Loan), Trần Công Thuận Hiếu (30 tuổi, ngụ tỉnh Long An), Lê Sơn Bảo (25 tuổi, ngụ TP.HCM) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Lệnh khám xét khẩn cấp đối với ba đối tượng trên cũng được thực hiện tại phòng 1A4, chung cư Nguyễn Thị Tần (phường 2, quận 8, TP.HCM).
Được biết, Chen Guo-Liang nhập cảnh vào Việt Nam từ khoảng tháng 6/2014 và thuê Hiếu, Bảo tìm mua CMND, sau đó lột hình cũ ra, dán hình Hiếu, Bảo vào. Với những CMND giả này, Hiếu, Bảo mở hơn 20 tài khoản ngân hàng, rồi đưa thẻ ATM của những tài khoản này cho Chen Guo-Liang. Tại Việt Nam, Chen Guo- Liang liên kết với “ông trùm” tội phạm lừa đảo công nghệ cao Liu Tsung Chih. Tuy "đóng đô" tại TP.HCM nhưng Liu Tsung Chih luôn di chuyển, lưu trú tại các khách sạn trên địa bàn. Do Chen Guo-Liang là đầu mối thu gom thẻ ATM của nhiều tài khoản, nên các "trùm" lừa đảo qua điện thoại đều "bắt mối" với hắn để mua thông tin và nhờ chuyển tiền lừa đảo được qua các tài khoản này.
Sau khi được Chen Guo-Liang cung cấp thông tin tài khoản, các đối tượng lừa đảo sử dụng thiết bị viễn thông công nghệ cao, thực hiện cuộc đàm thoại thông qua internet, giả mạo là người cơ quan pháp luật Việt Nam hù dọa các bị hại chuyển tiền vào tài khoản do Chen Guo-Liang cung cấp. Khi biết “con mồi” đã dính bẫy, những đối tượng lừa đảo công nghệ cao này liên hệ với Chen Guo-Liang và nhờ hắn rút giúp tiền chiếm đoạt được để chuyển lại cho các "ông trùm" và được hưởng 20\% số tiền rút được.
Với thủ đoạn này, đối tượng Chen Guo-Liang đóng vai trò là một "cò" chuyên cung cấp thông tin của những nạn nhân là người Việt Nam, đồng thời rút tiền hộ những tên lừa đảo và hưởng một phần hoa hồng nhất định.
Lộ diện "trùm" lừa đảo ngoại quốc chuyên nghiệp
Đến khi bị bắt, tổng số tiền của nhiều người bị hại đã chuyển vào tài khoản đứng tên Hiếu, Bảo khoảng 2,5 tỉ đồng. Giúp sức cho Chen Guo-Liang phạm tội, Hiếu và Bảo được Chen Guo-Liang trả tiền công 6 triệu đồng/tháng/người, được bao ăn ở. Mỗi lần rút tiền từ tài khoản giùm Chen Guo-Liang, Hiếu, Bảo được trả công 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.
Sau khi bị bắt, Chen Guo-Liang khai nhận hành vi phạm tội, đồng thời khai luôn cả “ông trùm” đứng đằng sau các phi vụ lừa đảo chuyên nghiệp này. Từ khai nhận của Chen Guo-Liang, Cơ quan điều tra xác định Liu Tsung Chih (35 tuổi, người Đài Loan) đang trú tại khách sạn Bizu 3 (phường Tân Phong, quận 7) nên tiến hành kiểm tra. Ngay trong chiều 30/8, Đội 8 PC46 Công an TP.HCM đã thi hành lệnh bắt khẩn cấp và lệnh khám xét khẩn cấp đối với Liu Tsung Chih về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Theo PC46, đối tượng Liu Tsung Chih điều hành đường dây giả danh cơ quan pháp luật không chỉ lừa người Việt Nam mà còn lừa cả người Trung Quốc. Liu Tsung Chih giữ đầu số +86 (đầu số điện thoại tại Trung Quốc) và đầu số +84 (đầu số tại Việt Nam) để giả làm Cơ quan điều tra của Trung Quốc hoặc của Việt Nam nhằm lừa đảo các nạn nhân. Tại khách sạn này, Liu Tsung Chih thuê ba phòng để đặt máy móc, thiết bị và cùng một số đối tượng người Đài Loan cư trú để "lập căn cứ" thực hiện các vụ lừa đảo. Tại phòng 501 của Chih, cảnh sát thu giữ nhiều vật dụng dùng để tạo tiếng còi hụ, tiếng gió, tiếng bàn phím, các kịch bản lừa đảo...
Liu Tsung Chih khai, hắn thuê phòng 501 (được thiết kế như dạng căn hộ penthouse) để đặt máy móc, thiết bị thực hiện hành vi lừa đảo.
Ngoài ra, Liu còn thuê thêm phòng 403, 404 để Liu Tsung Chih và một số đối tượng người Đài Loan giúp sức như: Pu Tai You, Wu Shin Shian, Chung Chun Wen, Ko Ying Jhu cư trú. Trong đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản lớn này, có hơn chục đối tượng liên quan bị bắt là người Đài Loan.
Sau khi bị bắt, PC46 tiếp tục mở rộng điều tra, thu thập thông tin, chứng cứ để truy tố các đối tượng trước pháp luật. Nhiều đối tượng trong số những kẻ bị bắt được đưa về trại giam Chí Hòa giam giữ để chờ ngày luận tội.
Quyết tâm truy bắt nghi phạm về quy án Theo PC46 Công an TP.HCM, cơ quan này quyết truy bắt bằng được nghi phạm người Đài Loan Chen Guo-Liang vừa mới vượt ngục về quy án. Về đặc điểm nhận dạng, Chen Guo-Liang cao 1,65m, màu da trắng, sống mũi cao, mắt nhỏ, tóc ngắn và quăn. Chen có hình xăm lớn bên tay phải. Người dân hoặc các tổ chức phát hiện đối tượng truy nã có thể điện báo 113, cơ quan công an gần nhất hoặc phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, số 258 bis Trần Hưng Đạo, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP. HCM, điện thoại 08-38387796. |