Trong năm 2024, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân dự kiến mở 4 ngành mới thuộc lĩnh vực Máy tính và Công nghệ thông tin, gồm Kỹ thuật phần mềm, Hệ thống thông tin, Trí tuệ nhân tạo, An toàn thông tin.
Quy mô tuyển sinh dự kiến khoảng 50-100 chỉ tiêu mỗi ngành, đào tạo cả bậc cử nhân và kỹ sư.
Thông tin trường kinh tế mở ngành công nghệ - vốn không phải thế mạnh của nhà trường gây tranh cãi trên mạng xã hội.
Báo VietNamnet dẫn lời PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, khẳng định trường đã có sự chuẩn bị từ sớm và có chiến lược cho việc đa dạng hóa, mở rộng ngành đào tạo.
Theo ông Triệu, xu hướng đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực là xu thế của các đại học hiện nay. Trên thế giới, những mô hình đại học chuyên ngành sâu đã cũ và đang dần phải thay đổi. Trong tương lai, các đại học chuyên ngành cũng sẽ không còn nữa.
Đối với Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, trường cũng có chiến lược phát triển thành đại học đa ngành, đa lĩnh vực. Hiện nay, trường đã có nghị quyết về việc mở 3 trường là Trường Kinh tế và Quản lý công, Trường Kinh doanh và Trường Công nghệ.
“Đối với 2 trường là Trường Kinh tế và Quản lý công, Trường Kinh doanh, các ngành hiện nay đã phát triển đa dạng, nhưng đối với Trường Công nghệ, các ngành đào tạo còn ít. Vì thế, trường dự kiến năm nay mở thêm một số ngành thuộc lĩnh vực Công nghệ đúng như tên gọi, chẳng hạn Kỹ thuật phần mềm, An toàn thông tin, Hệ thống thông tin”, ông Triệu nói.
Liên quan đến sự việc, báo Dân trí dẫn lời ông Triệu cho hay, để chuẩn bị cho ngành học mới, nhà trường đã tập trung phát triển đội ngũ giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất cùng các yêu cầu khác. Cụ thể hiện tại, trường đã thu hút nhân tài với hơn 10 tiến sĩ từng học tập ở nước ngoài trong lĩnh vực này trở về giảng dạy.
Ngoài ra, đào tạo kỹ thuật, công nghệ vốn đòi hỏi hệ thống hạ tầng phục vụ, vì thế nhà trường cũng trang bị, đầu tư mở phòng lab, phát triển các phòng học thông minh theo lộ trình.
Ông Triệu khẳng định, những ngành liên quan đến công nghệ Trường ĐH Kinh tế Quốc dân sắp mở tới đây cũng sẽ có sự khác biệt trong định hướng ứng dụng, tập trung vào lĩnh vực kinh tế và quản trị kinh doanh.
Thủy Tiên (T/h)