Ngành bán dẫn là gì? Công nghệ bán dẫn học ngành gì?
Ngành bán dẫn là ngành công nghiệp sản xuất các thiết bị điện tử, máy tính và thiết bị di động bằng cách sử dụng chất bán dẫn. Chất có độ dẫn điện ở mức trung gian giữa chất dẫn điện và chất cách điện. Các vi mạch và chip được sản xuất từ chất bán dẫn này.
Thực tế, tại các trường đại học hoặc cơ sở giáo dục đào tạo nghề, công nghệ bán dẫn hiện đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của kinh tế toàn cầu, đặc biệt là trong thời đại số. Chính vì thế các ngành nghề đào tạo liên quan đến công nghệ bán dẫn được nhiều người đăng ký học.
Đối với chương trình đại học, làm công nghệ bán dẫn thì có thể tham khảo học các ngành nghề như sau:
- Ngành Kỹ thuật Điện - Điện tử mở thêm phân ngành Hệ thống Mạch - Phần cứng tại trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP HCM.
- Ngành Kỹ thuật Vi điện tử và Công nghệ nano tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
- Ngành Kỹ thuật điện tử và Tin học tại Đại học Quốc gia Hà Nội.
- Ngành Kỹ thuật thiết kế vi mạch Trường Đại học Công nghệ thông tin - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Năm nay, trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội dự kiến tuyển sinh 1.050 chỉ tiêu, tăng 100 chỉ tiêu so với năm 2023 và áp dụng 4 phương thức tuyển sinh: Xét kết quả thi đánh giá năng lực do trường tổ chức, xét kết quả học tập THPT kết hợp phỏng vấn, xét tuyển thẳng và xét kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Trường cũng bắt đầu tuyển sinh ngành công nghệ vi mạch bán dẫn từ năm nay.
Trường còn dự định tuyển sinh ngành thiết kế vi mạch bán dẫn bậc thạc sĩ thạc sĩ trong năm nay.
Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), PGS.TS Nguyễn Hồng Hải, Phó hiệu trưởng cho biết, từ năm nay, trường mở thêm chuyên ngành vi mạch điện tử để cung cấp nguồn nhân lực chuyên sâu về lĩnh vực vi mạch bán dẫn.
Trường dự kiến tuyển sinh hơn 3.500 chỉ tiêu, riêng chuyên ngành vi điện tử dự kiến tuyển khoảng 100 chỉ tiêu. Ngành này chủ yếu ưu tiên xét kết quả thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh riêng.
Trước đó, trường triển khai các khóa đào tạo ngắn hạn kỹ sư thiết kế vi mạch thông qua hợp tác với các chuyên gia và doanh nghiệp nước ngoài.
Hiện trường cũng có nhiều ngành đào tạo chương trình liên quan lĩnh vực vi mạch bán dẫn như: hệ thống nhúng, điều khiển và tự động hóa, kỹ thuật cơ điện tử, công nghệ thông tin...
Tuy nhiên từ khóa tuyển sinh năm 2024, trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng mới bắt đầu tuyển sinh và đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch.
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) dự kiến tuyển sinh chuyên ngành thiết kế vi mạch bán dẫn, khóa tuyển sinh đầu tiên sẽ được thực hiện với khoảng 50 sinh viên.
Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (Đại học Đà Nẵng) cũng thông tin trường sẽ tuyển sinh 1.500 chỉ tiêu trong năm nay. Trong đó, chuyên ngành thiết kế vi mạch bán dẫn được mở mới sẽ tuyển sinh 40 chỉ tiêu.
Nhà trường cũng dự kiến chuyển tiếp 180 sinh viên các chuyên ngành gần và liên quan sang thiết kế vi mạch bán dẫn. Ngoài ra, trường cũng sẽ triển khai các lớp đào tạo nhanh, tập huấn phối hợp với doanh nghiệp dự kiến tuyển sinh và đào tạo từ 60-100 chỉ tiêu hằng năm.
Đặc biệt, trường cũng đưa ra chính sách, với thí sinh trúng tuyển chuyên ngành thiết kế vi mạch bán dẫn có điểm xét tuyển từ 27 điểm trở lên sẽ được xét hỗ trợ 100% học phí hai học kỳ đầu tiên.
Thí sinh từ 26 - 27 điểm được xét hỗ trợ 75% học phí hai học kỳ đầu tiên; từ 24 - 26 điểm được xét hỗ trợ 50% học phí của 2 học kỳ đầu tiên.
Bên cạnh đó, thí sinh trúng tuyển còn được xét hỗ trợ miễn phí 100% chỗ ở trong ký túc xá của trường từ 1 - 4 học kỳ đầu của khóa học.
Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn cũng sẽ tuyển sinh chuyên ngành thiết kế vi mạch trong mùa tuyển sinh năm nay. Lãnh đạo trường cho biết, việc mở và đào tạo ngành vi mạch bán dẫn hay thiết kế vi mạch trong năm nay để cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thị trường thời gian tới.
Trường Đại học Bách khoa TP.HCM dự kiến tuyển 100 chỉ tiêu vào ngành Thiết kế vi mạch bậc. Còn chương trình thạc sĩ vi mạch bán dẫn có 60 tín chỉ, dự kiến tuyển 20 học viên.
Trường đã đào tạo ngắn hạn một số chương trình liên quan đến vi mạch hơn 20 năm nay. Môn học về thiết kế vi mạch như được tích hợp ở ba ngành trình độ đại học, gồm Kỹ thuật Điện tử-Viễn thông, Kỹ thuật viễn thông (chương trình Việt Pháp), Hệ thống mạch - Phần cứng (chương trình tiên tiến) và bậc sau đại học của ngành Kỹ thuật Điện tử - Kỹ thuật Viễn thông.
Trong các chương trình đào tạo trước, Thiết kế vi mạch số, Thiết kế vi mạch tương tự, Thiết kế vi mạch hỗn hợp hay khối kiến thức về Kiểm định thiết kế vi mạch là môn học tự chọn. Từ năm học này với ngành mới, đây là môn bắt buộc.
Năm nay, trường Đại học Phenikaa tăng thêm 7 ngành/chương trình đào tạo so với năm 2023 gồm Kỹ thuật điện tử - Viễn thông (thiết kế vi mạch bán dẫn), Trí tuệ nhân tạo, Marketing, Công nghệ tài chính, Kỹ thuật hình ảnh y học, Quản lý bệnh viện, Y học cổ truyền.
Thùy Dung (T/h)