+Aa-
    Zalo

    Trường chất lượng cao ở Hà Nội đề xuất tăng học phí: Tiêu chí nào xác định chất lượng cao khi luật Giáo dục không đề cập?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Mới đây, học phí các trường chất lượng cao trên địa bàn TP.Hà Nội vừa được đề xuất tăng 400.000 đồng vào năm học 2020-2021.

    Mới đây, học phí các trường chất lượng cao trên địa bàn TP.Hà Nội vừa được đề xuất tăng 400.000 đồng vào năm học 2020-2021. Tuy nhiên, đối chiếu theo luật Giáo dục sửa đổi năm 2019, không có quy định cụ thể về trường chất lượng cao, các trường phổ thông căn cứ vào những tiêu chí nào để có sự phân tầng chất lượng?

    Hà Nội đề xuất tăng học phí các trường chất lượng cao trong năm học tới.

    Đề xuất tăng học phí trường chất lượng cao


    Trong năm học tới, các trường chất lượng cao tại Hà Nội có thể sẽ tăng học phí sau quyết định của thành phố dự kiến được ban hành vào tháng 12/2019. Cụ thể, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ký tờ trình gửi HĐND thành phố về việc quy định mức học phí với các cơ sở công lập chất lượng cao trên địa bàn năm học 2020-2021.

    Theo đề xuất của UBND TP.Hà Nội, năm học 2020-2021, mức trần học phí trường mầm non, tiểu học công lập chất lượng cao là 5,5 triệu đồng (tăng 7,84%), và cấp THCS, THPT là 5,7 triệu đồng (tăng 7,55%), đều tăng 400.000 đồng so với năm 2019-2020.

    Trên cơ sở mức trần học phí, hàng năm, Thủ trưởng cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao căn cứ vào điều kiện kinh tế xã hội của địa bàn, cùng cam kết thực hiện chất lượng giáo dục cao theo tiêu chí cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp để quyết định mức thu học phí cụ thể. Mức học phí này phải có sự thống nhất bằng văn bản của UBND quận, huyện, thị xã hoặc sở GD&ĐT theo phân cấp quản lý.

    Mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao tại Hà Nội năm học 2020-2021 dự kiến là 5,5 triệu đồng/học sinh/tháng đối với trường mầm non và tiểu học; 5,7 triệu đồng/học sinh/tháng đối với THCS và THPT.

    Cũng theo đề xuất của UBND TP.Hà Nội, mức trần học phí của cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao áp dụng năm học 2020-2021, được điều chỉnh từ năm học 2021-2022 cùng với việc xây dựng định mức phân bổ ngân sách và thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định.

    Trước đó, trong buổi làm việc giữa Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với Hiệu trưởng các trường đào tạo sư phạm từ tháng 8/2019, TS. Dương Đức Hùng, Chủ tịch Hội đồng trường đại học Hải Phòng đã chỉ ra: “Luật Giáo dục sửa đổi 2019 quy định: Nhà nước ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục; khuyến khích phát triển cơ sở giáo dục dân lập, tư thục đáp ứng nhu cầu xã hội về giáo dục chất cao.

    Tuy nhiên, luật Giáo dục sửa đổi năm 2019 đã không đưa quy định về trường chất lượng cao vào Luật.

    Đây là chủ đích của ban soạn thảo, thể hiện tính nhân văn của Luật bởi, mỗi tầng lớp dân cư sẽ có cách đánh giá và lựa chọn khác nhau về trường chất lượng cao”.

    Nên công khai chuẩn chất lượng cao: Cao là cao như thế nào?

    Sau những lùm xùm về trường học tự “gắn mác” quốc tế tại Hà Nội, nhiều phụ huynh cũng bày tỏ băn khoăn trước vấn đề, liệu trường chất lượng cao có “hữu danh vô thực”?

    TS. Vũ Thu Hương đề xuất những giải pháp để tránh sự xáo trộn trong suy nghĩ của phụ huynh.

    Trao đổi với PV báo ĐS&PL, TS. Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục cho rằng: “Mặc dù trong quy định chung của luật Giáo dục không quy định “cứng” như thế nào là trường chất lượng cao, nhưng tại mỗi địa phương, một khi đã có sự phân tầng chất lượng, thì phải có ranh giới rõ ràng”.

    Theo TS. Vũ Thu Hương, việc không có quy định rõ ràng về trường chất lượng cao trong Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019 nói là nhằm thể hiện tính nhân văn, nhưng thực chất lại là hơi “cảm tính”. Đối với những vấn đề của y tế, giáo dục, vốn rất nhạy cảm, cần được cụ thể hóa, tránh để những “kẽ hở”.

    Cụ thể, TS. Vũ Thu Hương phân tích: “Chẳng hạn, khi Hà Nội đã có đề xuất tăng học phí đối với các trường chất lượng cao, đồng nghĩa với thành phố phải thực hiện một trong hai hành động sau.

    Một là, Hà Nội phải đưa ra những tiêu chí cụ thể, rõ ràng, để phụ huynh nhìn vào có thể đánh giá một trường học có đạt chất lượng cao hay không. Chẳng hạn, các trường ở mức bình thường được 5 điểm thì trường chất lượng cao phải đạt 7 trở lên, và dựa trên những tiêu chí nào, cần được đưa ra rõ ràng cho phụ huynh so sánh.
    Hai là, sở GD&ĐT Hà Nội phải rà soát, thẩm định chất lượng các trường trên địa bàn thành phố, sau đó, công khai danh sách các trường chất lượng cao lên cổng thông tin điện tử.

    Chỉ khi thực hiện được một trong hai hành động trên, phụ huynh mới có thể xác định được đâu là trường chất lượng cao nếu có nhu cầu cho con theo học, đối chiếu với những điều kiện và chi phí tại trường học đăng ký cho con.

    Nếu chỉ thiếu một trong hai khâu trên, có thể dẫn đến những sự xáo trộn trong suy nghĩ của phụ huynh về trường chất lượng cao, có thể dẫn đến tình trạng “vàng thau lẫn lộn”, không thực chất ở một số trường học”.

    Vị chuyên gia giáo dục cũng khẳng định thêm: “Một số trường học hiện nay có thể sẽ quảng cáo khá rầm rộ, và lời quảng cáo đôi khi không chính xác với thực lực. Chính vì vậy, nếu không có những định hướng của các cơ quan quản lý, phụ huynh rất có thể sẽ “bơi” trong bể thông tin hỗn độn, khó phân biệt, khó lựa chọn”.

    Sự tỉnh táo của phụ huynh khi chọn trường

    Theo GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch hội Khuyến học Việt Nam, các bậc phụ huynh cũng cần có sự tỉnh táo nhất định trong việc chọn trường cho con, không phải chỉ nhìn vào số tiền sẽ chi trong mỗi năm học để đánh giá chất lượng.

    GS.TS Phạm Tất Dong cho rằng: “Trước khi đăng ký học cho con, mỗi phụ huynh nên có sự tìm hiểu, tham khảo trước về trường.

    Theo quan niệm phổ biến, trường phổ thông chất lượng cao là trường có cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, đồng bộ, vượt chuẩn quốc gia; có đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục chuyên nghiệp, tài năng, thân thiện; sĩ số lớp học được đảm bảo với mức không quá 30 học sinh ở bậc tiểu học, không quá 35 trẻ độ tuổi mầm non; có chương trình và phương pháp giáo dục tiên tiến, chuyên biệt, phát huy được năng lực, sở trường của từng học sinh. Bên cạnh đó, chất lượng đầu ra đảm bảo năng lực, phẩm chất của công dân toàn cầu, nhất là về ngoại ngữ, tin học và kỹ năng sống”.

    “Trong đó, điều mà phụ huynh cần đặc biệt quan tâm chính là ở chương trình đào tạo và phương pháp đào tạo. Nếu một trường phổ thông xây dựng được chương trình hay, hoặc mua được chương trình đào tạo ở nước ngoài chẳng hạn, nội dung rất hay nhưng đội ngũ giảng dạy không có phương pháp thì cũng “phí”.

    Vì vậy, phụ huynh cần cân nhắc kỹ lưỡng, xem xét một cách toàn diện các yếu tố để có sự lựa chọn phù hợp cho con”, ông khẳng định.

    Bên cạnh đó, GS.TS Phạm Tất Dong cũng cho biết: “Mặc dù có thể sau khi trải qua một năm học, phụ huynh sẽ nhận ra trường không có chất lượng cao như lời quảng cáo. Nhưng khi đó, phụ huynh cũng đã bị “lừa” một năm học rất phí hoài. Hiện nay, đâu có thiếu gì những trường học dễ “lừa” phụ huynh.

    Tôi phải thừa nhận, hiện nay, phụ huynh chọn trường phổ thông cho con còn khó hơn chọn trường đại học. Tưởng là dễ, những kỳ thực rất khó. Thứ nhất, khi bức vào đại học, là học sinh đã có vốn kiến thức để biết mình chọn vào lĩnh vực nào; thứ hai, trừng đại học nếu muốn định danh chất lượng cao cũng có nhiều yếu tố ràng buộc và thực chất hơn”.

    Cuối cùng, Phó Chủ tịch hội Khuyến học Việt Nam bày tỏ: “Theo tôi, hướng đến phổ cập giáo dục thì trong các cấp học phổ thông tốt hơn hết hãy miễn toàn bộ học phí, còn học phí cứ ngày một tăng có vẻ như đang “đi ngược” với định hướng phổ cập”.

    Đến tháng 11/2019, Hà Nội có 19 trường đăng ký xây dựng mô hình trường chất lượng cao nhưng chủ yếu ở dạng cung ứng dịch vụ giáo dục chất lượng cao. Trong đó, có 14 trường công lập (7 mầm non, 2 tiểu học, 4 THCS và một THPT) và 4 trường ngoài công lập.

    Năm học 2019-2020, trong số 14 trường công lập chất lượng cao của Hà Nội có 2 trường có mức học phí bằng 100% mức trần là trường tiểu học đô thị Sài Đồng và trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa, 12 trường còn lại có mức thu từ 40% đến 98% mức trần.

    Trước đó, vào đầu năm học 2019-2020, Hà Nội đã quyết định tăng học phí tại một số cấp học. Cụ thể, học phí mầm non (không gồm 5 tuổi), THPT và giáo dục thường xuyên cấp THPT lần lượt là 217.000 đồng mỗi tháng khu vực thành phố (tăng 62.000 đồng), 95.000 đồng khu vực nông thôn (tăng 20.000 đồng) và 24.000 đồng khu vực miền núi (tăng 5.000 đồng).

    Cẩm Mịch

    Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật tháng số 49

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/truong-chat-luong-cao-o-ha-noi-de-xuat-tang-hoc-phi-tieu-chi-nao-xac-dinh-chat-luong-cao-khi-luat-giao-duc-khong-de-cap-a303617.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan