Trong diễn biến mới, Bắc Kinh khẳng định Thung lũng Galwan, nơi xảy ra đụng độ chết người tuần này giữa quân đội Trung-Ấn, là một phần lãnh thổ của Trung Quốc.
Bắc Kinh mạnh dạn đưa ra tuyên bố chủ quyền đối với khu vực tranh chấp này, trong bối cảnh hai cường quốc ở châu Á tiếp tục sử dụng các kênh quân sự và ngoại giao để giảm căng thẳng.
Trong một tuyên bố ngày 19/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nhấn mạnh rằng Thung lũng Galwan nằm bên phía Trung Quốc của Ranh giới Kiểm soát thực tế (LAC) ở phần phía Tây của biên giới Trung - Ấn. Ông Triệu Lập Kiên đổ lỗi cho việc quân đội Ấn Độ xâm phạm khu vực này kể từ hồi đầu tháng 5 đã dẫn tới vụ đụng độ vào nửa đêm 15/6 làm 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng.
Trung Quốc cho đến nay vẫn không cho biết liệu bên phía nước này có bất kỳ trường hợp nào thương vong trong vụ đụng độ trên hay không.
Trong khi đó, báo Times of India ngày 20/6 đưa tin Ấn Độ đã điều thêm máy bay chiến đấu đến các căn cứ không quân giáp biên giới với Trung Quốc, đồng thời triển khai thêm các tàu chiến ở vùng Vịnh Bengal mở rộng.
Các máy bay được tăng cường bao gồm trực thăng tấn công Apache mới, mệnh danh là sát thủ diệt tăng, được trang bị tên lửa không đối đất Hellfire và trực thăng vận tải hạng nặng Chinook, có khả năng vận chuyển pháo và binh lính tới các khu vực tiền tuyến ở độ cao lớn.
Theo các nhà quan sát, Trung Quốc đã lên kế hoạch gây hấn kể từ khi Ấn Độ cho mở con đường Darbuk- Shyok- Daulet Beg Oldie (DSDBO) với vai trò quan trọng chiến lược vào năm 2019. Hướng lên phía Bắc của tuyến đường này chạy song song với LAC được khánh thành năm 2019, cho phép Ấn Độ tiếp cận trong mọi điều kiện thời tiết với chốt biên giới Daulet Beg Oldie, một trong những điểm cực bắc ở Ladakh. Giờ Trung Quốc muốn ngăn Ấn Độ phát triển nó sang phía Đông. Ngoài ra, Trung Quốc cũng có thể đang muốn kiểm soát các khu vực gần hợp lưu của hai con sông, từ đó có thể vô hiệu hóa tuyến đường này.
Sau lần va chạm giữa hai bên từ năm 1962, thung lũng Galwan đã lại trở thành điểm nóng trên biên giới Ấn – Trung. Đơn giản bởi nó có giá trị chiến lược vào lúc này. Nắm được thung lũng, cả Trung Quốc và Ấn Độ sẽ sở hữu nguồn nước dồi dào, và là một điểm kiểm soát quan trọng kết nối Trung Quốc và Nam Á. Với Ấn Độ, giữ được điểm nóng này cũng có nghĩa họ sẽ giữ được an ninh cho cả Ladakh và Kashmir- hai miền đất xa xôi nhưng luôn tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn.
Việt Hương (T/h)