Trong tháng 7/2014, Trung Quốc đã 4 lần ngang ngược thông báo về những hoạt động phi pháp đối với quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Ngày 25/7, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin về việc cái gọi là “thành phố Tam Sa” kỷ niệm 2 năm thành lập.
CCTV cho hay, 2 năm trước, một thành phố cấp quận đã bắt đầu làm việc sau buổi lễ thành lập trên đảo Vĩnh Hưng (tức đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam). CCTV nói rằng, cái gọi là “thành phố cực nam” Tam Sa được xây dựng để củng cố vị trí của Trung Quốc tại Biển Đông.
Cơ quan hành chính do TQ xây dựng trái phép trên đảo Phú Lâm của Việt Nam. |
Chỉ tính riêng trong tháng 7/2014, Trung Quốc đã 4 lần có những hoạt động trái phép trên quần đảo Hoàng Sa.
Mới đây, theo Tân Văn xã ngày 21/7 cho biết, trạm trung tâm giám sát môi trường tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) vừa ngang nhiên thông báo sẽ tiến hành cái gọi là giám sát môi trường thường lệ đối với quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam và vùng biển xung quanh.
Cụ thể, trạm trung tâm nói trên chủ yếu sẽ giám sát môi trường ở đảo Phú Lâm, đảo Bắc, đảo Đá, đảo Hữu Nhật và đảo Cây cùng khu vực biển xung quanh những đảo này.
Nội dung giám sát môi trường bao gồm âm thanh, nước biển, nước ngầm, sinh vật biển, thổ nhưỡng, môi trường sinh thái…
Cách đó không lâu, báo Hải Nam (hinews.cn) của Trung quốc ngày 14/7 đưa tin: Chính quyền của cái gọi là thành phố Tam Sa mà Trung Quốc thành lập trái phép trên đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa của Việt Nam, mới đây đã cử nhóm chuyên gia tới các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa để lắp đặt 9 bộ điện thoại vệ tinh hàng hải và các thiết bị thông tin điện đài vô tuyến điện.
Mục đích được giới chức Trung Quốc đưa ra là nhằm bảo đảm ba loại thông tin quan trọng đó là điện thoại, thông tin vô tuyến điện, điện thoại vệ tinh.
Không chỉ vậy, Thời báo Hoàn Cầu ngày 14/7 còn cho biết, Trung Quốc đang triển khai chính sách hỗ trợ tài chính để khuyến khích người dân định cư trái phép tại đảo Phú Lâm.
“Chính quyền cho rằng nếu chúng tôi sống hơn 6 tháng mỗi năm tại đảo thì hàng ngày có thể kiếm 35 nhân dân tệ (khoảng 5,6 USD). Nếu họ ở lâu hơn thì trợ cấp sẽ nhiều hơn”, ngư dân Fu Cehai trả lời trên Thời báo Hoàn cầu hôm 14/7.
Một ngư dân khác tên Fu Shaoqiang cho biết chính phủ Bắc Kinh đang áp dụng nhiều chương trình phát triển và cấp ngân sách để chiêu dụ người dân chuyển từ đại lục ra sống tại đảo Phú Lâm. Thậm chí nhiều người mới đến không phải là ngư dân, họ chỉ học nghề đánh bắt cá sau khi ra đảo.