(ĐSPL) - Chính sách kinh tế mới của Trung Quốc thường hay bị “tắc” ở cấp địa phương, một phần vì nó đụng chạm đến quyền lợi sát sườn của đám quan chức.
Giới quan chức địa phương của Trung Quốc đang thờ ơ với chính sách kinh tế mới được Bắc Kinh ban hành hồi tháng 7/2013.
Chính vì vậy mà theo Tân Hoa Xã, sau cuộc họp Quốc vụ viện cuối tuần qua, chính phủ Trung Quốc sẽ cử 8 đoàn thanh tra đến tất cả các địa phương trên cả nước để điều tra về tình hình thực thi chính sách cải cách kinh tế đã được ban hành.
Những lãnh đạo địa phương bị phát hiện chưa thực thi chính sách cải cách kinh tế sẽ bị phê bình nghiêm khắc thậm chí bị xử phạt hành chính theo pháp luật và quy định của nhà nước Trung Quốc.
Dự kiến, các đoàn thanh tra sẽ đến tất cả các tỉnh thành của Trung Quốc, kể từ ngày 25/6 đến ngày 5/7.
Chính sách cải cách kinh tế được Quốc vụ viện (chính phủ Trung Quốc) ban bố vào hồi tháng 7/2013 bao gồm 19 điều với ưu tiên hàng đầu là giảm bớt nạn quan liêu trong bộ máy công quyền bên cạnh những chính sách khác như cải thiện môi trường sống, chính sách đầu tư cho công ty tư nhân, giải quyết việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp, xây dựng nhà ở giá rẻ và các biện pháp khác cần thiết để ngành tài chính, dịch vụ hỗ trợ tốt nhất cho nền kinh tế đất nước.
Cải cách hệ thống tài khóa và thủ tục đăng kí hộ khẩu cũng được đề cập trong cuộc họp của chính phủ Trung Quốc lần này.
|
Chủ tịch Tập Cận Bình: Mục đích chính của cải cách tài khóa là để đảm bảo bộ máy chính quyền các cấp trong sạch |
Chủ tịch Tập Cận Bình, chủ trì cuộc họp, đã phát biểu rằng mục đích chính của cải cách tài khóa là để đảm bảo bộ máy chính quyền các cấp trong sạch, cải cách hệ thống thuế, linh hoạt trong việc giải ngân và đảm bảo bộ máy hoạt động hiệu quả. Ông Tập Cận Bình cũng tổng kết cuộc họp với kì vọng chính sách cải cách tài khóa sẽ hỗ trợ chính quyền trung ương và địa phương để thực hiện đúng và minh bạch chức trách của mình.
Về việc cải cách thủ tục đăng kí hộ khẩu, ông cho biết, đây là giải pháp quan trọng, vì nó có ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm triệu người dân nhập cư tại các thành phố nói riêng và công cuộc đô thị hóa của Trung Quốc nói chung.
Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh, chính sách cải cách kinh tế lần này phải được các cơ quan chính quyền địa phương thực hiện quyết tâm và triệt để, mỗi cơ quan, mỗi cá nhân trong bộ máy chính quyền đều phải có trách nhiệm thực hiện và giám sát nghiêm túc để đảm bảo chính sách được vận hành hiệu quả.
Chính phủ Trung Quốc đang cố gắng tìm cách vực dậy nền kinh tế sau những yếu kém trong mô hình kinh tế hiện tại đang phụ thuộc quá nhiều vào nguồn đầu tư của chính phủ và cầu tiêu dùng nội địa. Điều này đã làm chậm tốc độ phát triển của các tỉnh thuộc phía đông và khu vực trung tâm của Trung Quốc.
Vấn đề ở chỗ là quan chức địa phương Trung Quốc đã hưởng lợi không ít từ những bất cập và yếu kém trong mô hình kinh tế hiện tại. Bởi vậy, họ chính là rào cản khiến chính sách kinh tế mới không được thực thi nhanh chóng. Sau khi những lời kêu gọi tỏ ra vô tác dụng, biện pháp thanh sát là phương thức cuối cùng của chính phủ Trung Quốc nhằm thúc ép đám quan chức địa phương thực thi cải cách.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/trung-quoc-phep-vua-thua-le-lang-a36350.html