Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc ngày 7/4 thông báo ghi nhận thêm 1.284 ca nhiễm COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm lên 160.116 ca.
Trong 24 giờ qua, nước này cũng ghi nhận thêm 21.711 ca nhiễm không triệu chứng. Trung Quốc không liệt kê các trường hợp nhiễm bệnh không triệu chứng vào số liệu thống kê chính thức, song những trường hợp này vẫn được báo cáo và những người dương tính không có triệu chứng vẫn phải cách ly.
Trung Quốc vẫn kiên trì theo đuổi chính sách "Zero COVID-19" (Không COVID-19) nhưng đã chuyển sang trạng thái "Zero COVID-19 năng động", với cách phòng chống dịch nhanh, linh hoạt tùy theo tình hình, đặc điểm và điều kiện từng nơi.
Khái niệm này lần đầu tiên được nhắc đến hồi tháng 12/2021. Kể từ thời điểm đó đến nay, nước này hầu như rất hiếm khi đưa được số ca bệnh trong cộng đồng về 0 và hiện đang phải đối mặt với làn sóng dịch lớn nhất kể từ sau đợt Vũ Hán 2 năm trước.
Theo Thời báo Hoàn Cầu, một số phương tiện truyền thông ở Anh gần đây nhận định, chính sách "Zero COVID-19 năng động" của Trung Quốc là "không bền vững" và mang lại "rủi ro chuỗi cung ứng" cho nền kinh tế toàn cầu.
Bình luận về vấn đề trên, người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc ở Anh ngày 6/4 (giờ London) cho biết, một số phương tiện truyền thông đã "bóp méo" ý nghĩa của từ "năng động" nhằm đề xuất Trung Quốc nên nới lỏng các biện pháp phòng chống và kiểm soát và lựa chọn "sống chung với virus".
Người phát ngôn nhấn mạnh, "Zero COVID-19 năng động" không phải là đưa "số ca nhiễm về 0". Mục tiêu chính xác của chính sách này là "theo đuổi chi phí xã hội thấp nhất, khống chế dịch bệnh trong thời gian ngắn nhất, bảo vệ tối đa cuộc sống, sức khỏe của người dân, đảm bảo trật tự sản xuất và sinh hoạt bình thường".
Quan chức này cho biết thêm, kể từ khi đại dịch bùng phát vào năm 2020, Trung Quốc "luôn tuân thủ nguyên tắc đặt tính mạng con người lên trên hết, đặt sự an toàn và sức khỏe của con người lên hàng đầu và quả thực đã phải trả cái giá không nhỏ".
"Bất kỳ biện pháp phòng, chống dịch nào cũng sẽ có những chi phí nhất định nhưng so với việc bảo vệ tính mạng và sức khỏe của con người thì những chi phí đó là xứng đáng", người phát ngôn này cho hay.
Về vấn đề chính sách "Zero COVID-19 năng động" của Trung Quốc có thể mang lại "rủi rõ chuỗi cung ứng" nền kinh tế toàn cầu, người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc ở Anh khẳng định, các biện pháp chống dịch của chính phủ Trung Quốc nhằm "duy trì và đảm bảo trật tự, ổn định của dây chuyền sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu".
Người phát ngôn chỉ ra rằng, Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới đạt mức tăng trưởng kinh tế dương vào năm 2020. Năm 2021, GDP của Trung Quốc phá ngưỡng110 nghìn tỷ NDT (gần 400 triệu tỷ đồng), tăng 8,1% so với năm 2020. Mức tăng tương đương với tổng số tiền của nền kinh tế lớn thứ sáu trên thế giới. GDP bình quân đầu người đạt 12.500 USD (hơn 285 triệu đồng), lần đầu tiên vượt qua mức trung bình của thế giới. Hơn 12 triệu việc làm mới cũng đã được tạo ra và chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2022, mục tiêu tăng trưởng GDP của Trung Quốc được đặt ở mức khoảng 5,5%. Các nguyên tắc cơ bản để cải thiện kinh tế trong dài hạn sẽ không thay đổi, những dự án duy trì và ổn định dây chuyền sản xuất sẽ được thực hiện để đảm bảo sự ổn định của chuỗi cung ứng.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn nhất của hơn 120 quốc gia và nền kinh tế trên thế giới.
Năm 2021, quy mô thương mại xuất nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc sẽ lần đầu tiên vượt ngưỡng 6 nghìn tỷ USD, mức cao kỷ lục, và việc sử dụng vốn nước ngoài thực tế sẽ vượt 170 tỷ USD.
Trong hai tháng đầu năm 2022, việc sử dụng vốn nước ngoài thực tế của Trung Quốc đã tăng 37,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
"Thực tế đã chứng minh chính sách 'Zero COVID-19' là phù hợp với điều kiện quốc gia và quy luật khoa học của Trung Quốc. Chính sách này là đúng đăn và hiệu quả", người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc ở Anh khẳng định.
Hoa Vũ (Theo Thời báo Hoàn Cầu)