Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 8/3 thông báo bản dự thảo đầu tiên về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) đã được hoàn thành.
Ông Vương Nghị. Ảnh: Reuters |
Từ năm 2010, Trung Quốc và 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã bắt đầu thảo luận về một bộ quy tắc nhằm tránh xảy ra xung đột giữa những nước có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.
Phát biểu tại cuộc họp báo thường niên, ông Vương Nghị cho biết các cuộc đàm phán tháng trước đã đạt “tiến triển rõ ràng” và đi đến một bản dự thảo đầu tiên cho khung của bộ quy tắc. “Trung Quốc và các nước ASEAN cảm thấy hài lòng với văn kiện này”, Ngoại trưởng Trung Quốc nhấn mạnh.
Theo Reuters, dưới quan điểm của mình, ông Vương Nghị khẳng định các căng thẳng trên Biển Đông không chỉ “giảm đi mà còn giảm rõ rệt” trong năm qua.
Không phản đối hoạt động tự do tuần tra hàng hải của Mỹ trong vùng biển này song người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh những ai vẫn muốn “khuấy động rắc rối” sẽ bị lên án.
Tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ đang làm nhiệm vụ tuần tra Biển Đông. Ảnh: US Navy |
Bắc Kinh từ lâu đã yêu cầu “những nước ngoài khu vực” – chủ yếu ám chỉ Mỹ – không tham gia vào cuộc tranh chấp chủ quyền này. Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết vùng biển giàu tài nguyên, chồng lấn lên lãnh hải của các quốc gia như Philippines, Malaysia, Brunei và Việt Nam.
[poll3]1563[/poll3]
Đầu tháng 2 vừa qua, Hạm đội 3 Hải quân Mỹ đã tới Biển Đông làm nhiệm vụ tuần tra cùng với nhóm tàu khu trục, tàu tuần dương và đặc biệt là tàu sân bay USS Carl Vinson.
Trước đó, Tòa Trọng tài ở La Haye (Hà Lan) hồi tháng 7/2016 đã ra phán quyết bác: tuyên bố “đường 9 đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông, việc Trung Quốc chiếm đóng đá Vành Khăn (ở quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam), việc Trung Quốc tiếp cận bãi cạn Scarborough, việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa thuộc Việt Nam, việc Trung Quốc gây rối ở khu vực đặc quyền kinh tế của Philippines.
Liên quan tới vấn đề Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nhiều lần nhấn mạnh: “Việt Nam khẳng định có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử về chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vì vậy, mọi việc làm của các bên khác trên quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa không có sự đồng ý của Việt Nam đều là bất hợp pháp và vô giá trị".