(ĐSPL) - Tân Hoa Xã ngày 29/7 đưa tin Ủy ban Trung ương ĐCS Trung Quốc đã quyết định điều tra trùm an ninh Chu Vĩnh Khang do nghi ngờ “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”.
|
Trung Quốc chính thức điều tra Chu Vĩnh Khang, nguyên Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ủy ban Chính pháp Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. |
Cuộc điều tra này do Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương ĐCS Trung Quốc tiến hành.
Thông tin trên xác nhận những lời đồn gần đây về Chu Vĩnh Khang - nguyên Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc - người suốt nhiều tháng nay chưa xuất hiện trước công chúng.
Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đã tiến hành lập án điều tra đối với ông Chu Vĩnh Khang.
Sinh năm 1942, ông Chu từng giữ các vị trí quan trọng như Bộ trưởng Công an, Bí thư Ủy ban Chính pháp Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Quyết định điều tra ông sẽ gây chấn động hàng ngũ lãnh đạo cao cấp của Trung Quốc.
Hôm 15/7, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Trung Quốc bắt đầu điều tra hình sự ba quan chức cấp cao, trong đó có hai người liên quan tới ông Chu Vĩnh Khang.
Trong một thông cáo, bộ ba Lý Đông Sinh, Tưởng Khiết Mẫn và Vương Vĩnh Xuân cùng bị buộc tội nhận hối lộ.
Một số cá nhân khác được cho là có quan hệ thân cận với ông cũng trở thành mục tiêu của các cuộc điều tra trong những tháng gần đây.
Tài sản bị tịch thu…
Trước đó, hãng tin Anh Reuters đưa tin chính quyền Trung Quốc đã tịch thu số tài sản trị giá đến 14,5 tỷ USD của gia quyến và những người thân cận của ông Chu Vĩnh Khang.
Các nguồn tin cho biết các công tố viên và cơ quan chống tham nhũng của đảng đã đóng băng các tài khoản ngân hàng với tổng số tiền là 37 tỷ nhân dân tệ đồng thời tịch thu trái phiếu trong nước và quốc tế với tổng giá trị 51 tỷ nhân dân tệ.
Các tài sản này bị tịch thu sau khi cơ quan chức năng khám xét các ngôi nhà ở Bắc Kinh, Thượng Hải và ở năm tỉnh khác.
Các nhà điều tra cũng tịch thu khoảng 300 căn hộ trị giá 1,7 tỷ nhân dân tệ, đồ cổ và tranh trị giá 1 tỷ nhân dân tệ tệ và hơn 60 chiếc xe. Các tài sản bị tịch thu khác bao gồm rượu đắt tiền, vàng, bạc và tiền mặt bằng cả nội tệ và ngoại tệ.
Đa số các tài sản này không phải do ông Chu Vĩnh Khang đứng tên.
Tổng số tài sản bị tịch thu có giá trị ít nhất 90 tỷ nhân dân tệ. Tuy nhiên, hiện chưa rõ bao nhiêu trong số tài sản này là của bất chính sẽ phải giao nộp cho nhà nước.
Con số cuối cùng được công bố cho người dân biết sẽ được thu nhỏ lại để tránh làm cho Đảng mất mặt và làm người dân phẫn nộ, cũng nguồn tin này nói.
…và người thân bị bắt
Hai nguồn tin thân cận với cuộc điều tra nói với Reuters rằng hơn 300 họ hàng, đồng minh chính trị hoặc người được ông Chu bảo trợ đã bị bắt giam hoặc bị tra hỏi trong vòng bốn tháng qua.
Hơn 10 người thân cận với ông Chu Vĩnh Khang đã bị bắt giam, trong đó có cựu phóng viên truyền hình Giả Hiểu Diệp, người từng là vợ của ông, con trai lớn của ông với người vợ đầu Chu Bân, thông gia và em trai ông Chu.
Khoảng 10 người có chức vụ tương đương với thứ trưởng cũng đang bị điều tra.
Trong số này có ông Tưởng Khiết Mẫn, cựu chủ tịch của PetroChina và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC), cựu Thứ trưởng Công an Lý Đông Sinh và cựu Phó chủ tịch tỉnh Hải Nam Ký Văn Lâm.
Truyền thông Trung Quốc đã thông báo rằng tất cả những người này đang bị điều tra về "hành vi vi phạm kỷ luật nghiêm trọng".
Ngoài ra, hơn 20 vệ sĩ, thư ký và tài xế của ông Chu Vĩnh Khang cũng bị bắt. Nhiều người thân và người thân cận khác của ông Chu cũng bị thẩm vấn.
Đánh cả “ruồi lẫn hổ”
Kể từ khi lên làm Tổng Bí thư ĐCS Trung Quốc năm 2012, ông Tập Cận Bình đã cam kết trị cả “ruồi lẫn hổ” trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng mà ông cho là đe dọa sự tồn tại của Đảng.
|
Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy Trung ương, Tổng Bí thư ĐCS Trung Quốc Tập Cận Bình quyết tâm đánh "cả hổ lẫn ruồi" trong chiến dịch chống tham nhũng. |
Để tiến hành điều tra Chu Vĩnh Khang, ông Tập Cận Bình đã phá vỡ một “quy tắc bất thành văn” của Đảng Cộng sản Trung Quốc rằng các thành viên đương nhiệm và về hưu của Thường vụ Bộ Chính trị sẽ được miễn điều tra.
Tuy nhiên quyết định nhằm vào một nhân vật tầm cỡ như Chu Vĩnh Khang thì chỉ có Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy Trung ương, Tổng Bí thư Tập Cận Bình mới có thể đưa ra, với sự đồng thuận của ban lãnh đạo cấp cao, các vị lãnh đạo tiền nhiệm và các lãnh đạo khác đã nghỉ hưu.
Quy mô của khối tài sản bị tịch thu và phạm vi các cuộc điều tra nhằm vào những người xung quanh ông Chu Vĩnh Khang cho thấy đây là vụ việc chưa từng có ở Trung Quốc đương đại và cho thấy Chủ tịch Tập Cận Bình quyết tâm chống tham nhũng ở cấp cao nhất.
Tuy nhiên, Reuters cũng nhận định rằng ông Chu Vĩnh Khang bị điều tra một phần do ông ra mặt ủng hộ Bạc Hy Lai, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Bí thư thành ủy Trùng Khánh. Ông Bạc Hy Lai đã bị tuyên án tù chung thân về tội tham nhũng và lạm dụng quyền lực.
|
Có tin nói ông Chu Vĩnh Khang bị điều tra một phần do ông ra mặt ủng hộ Bạc Hy Lai, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Bí thư thành ủy Trùng Khánh. |
Ông Chu Vĩnh Khang, 71 tuổi, hiện đang bị quản thúc tại gia kể từ cuối năm ngoái. Ông là quan chức cấp cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc bị điều tra tham nhũng kể từ khi đảng này lên cầm quyền hồi năm 1949.
Ông Chu thăng tiến trong lĩnh vực dầu lửa cho đến khi ông vào Thường vụ Bộ Chính trị hồi năm 2007 và được giao phụ trách bộ máy an ninh nội địa của Trung Quốc. Ông về hưu sau Đại hội Đảng 18 vào cuối năm 2012.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/trung-quoc-chinh-thuc-dieu-tra-chu-vinh-khang-a43524.html