+Aa-
    Zalo

    Trung Quốc: Cách chuyển đổi từ thu phí xả thải gây ô nhiễm sang thuế bảo vệ môi trường

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Từ ngày 1/1/2018, chính phủ Trung Quốc bắt đầu thực hiện chính sách thuế môi trường mới, chấm dứt thu phí xả thải gây ô nhiễm đã có hiệu lực trong suốt 40 năm.

    Từ ngày 1/1/2018, chính phủ Trung Quốc bắt đầu thực hiện chính sách thuế môi trường mới, chấm dứt thu phí xả thải gây ô nhiễm đã có hiệu lực trong suốt 40 năm.

    Trung Quốc chính thức thu thuế bảo vệ môi trường từ đầu năm 2018. Ảnh: Getty

    Thuế bảo vệ môi trường và phí xả thải gây ô nhiễm

    Thuế bảo vệ môi trường đã đánh dấu sự khởi đầu của một loạt các chính sách mới nhằm kiểm soát ô nhiễm ở Trung Quốc và chắc chắn gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty sản xuất, mặc dù theo nhiều phương thức khác nhau.

    Trung Quốc đã thu "phí xả thải gây ô nhiễm" từ năm 1979. Tuy nhiên, một số chính quyền địa phương đã khai thác lỗ hổng của quy định, sau đó miễn cho doanh nghiệp - những đơn vị đóng góp rất nhiều cho doanh thu tài chính. Trong nhiều năm, các cơ quan quản lý đã đề nghị thay thế hệ thống lệ phí bằng luật.

    Đây là loại thuế đầu tiên của Trung Quốc được thiết kế rõ ràng để bảo vệ môi trường, giúp thiết lập một hệ thống tài chính. Thuế bảo vệ môi trường còn được gọi là thuế "xanh", thúc đẩy kiểm soát cũng như xử lý chất ô nhiễm.

    Thuế bảo vệ môi trường của Trung Quốc áp dụng tương đương với 4 loại phí xả thải gây ô nhiễm bao gồm ô nhiễm nước, ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn và chất thải rắn. Điều khác biệt về loại thuế mới so với phí là tất cả các khoản thu được sẽ được giữ lại ở cấp địa phương. Trước đây, chính phủ trung ương thu 10% tổng số phí nhưng từ năm 2018, chính quyền địa phương ở Trung Quốc được phép thu 100% thuế, từ đó có thêm quyền lực để thực thi luật mới.

    Thuế bảo vệ môi trường bao gồm nhiều quy định cụ thể hơn so với hệ thống phí. Hệ thống lệ phí không phân biệt giữa đối tượng gây ô nhiễm nhẹ và nặng, có nghĩa là các công ty không có động cơ để bị buộc cắt giảm lượng khí thải của họ vì họ phải trả một khoản phí trung bình như nhau. Ngược lại, thuế bảo vệ môi trường áp dụng các mức thuế khác nhau tùy thuộc vào mức độ gây ô nhiễm, nghĩa là những đối tượng gây ô nhiễm nặng sẽ phải trả nhiều tiền hơn.

    Tương tự như vậy, hệ thống thuế cũng hỗ trợ giảm thuế nếu doanh nghiệp nỗ lực giảm bớt khí thải. Trước đây, chỉ có một cách giúp giảm khoản phí (cụ thể là giảm 50%) là công ty gây ra ô nhiễm ít hơn 50% so với tiêu chuẩn địa phương. Giờ đây, ngoài việc giảm 50%, các công ty gây ô nhiễm ít hơn 30 - 49% so với tiêu chuẩn còn được giảm thuế 25%.

    Bên cạnh đó, hình phạt cho việc trốn thuế bảo vệ môi trường ở Trung Quốc cũng được quy định nghiêm trọng hơn. Theo hệ thống phí, việc không thanh toán có thể bị phạt tới con số gấp 3 lần nhưng theo hệ thống thuế, đối tượng không thực hiện nghĩa vụ có thể bị phạt gấp 5 lần thuế và có khả năng phải đối mặt với án hình sự.

    Việc chuyển từ một khoản phí sang một kế hoạch thuế cũng có nghĩa là để thu hẹp các lỗ hổng thường bị chính quyền địa phương khai thác, thường bỏ qua những đối tượng phạm tội nghiêm trọng nhất để thu các khoản thu ngân sách cao hơn. 

    Thuế môi trường ảnh hưởng đến doanh nghiệp như thế nào?

    Các đô thị ở Trung Quốc đối mặt tình trạng ô nhiễm khói bụi vô cùng nghiêm trọng. Ảnh: Getty

    Các công ty tham gia vào các ngành công nghiệp gây ô nhiễm như sản xuất, chế tạo ở Trung Quốc bày tỏ sự lo ngại với khoản thuế bảo vệ môi trường vào thời điểm trước và khi bắt đầu chính thức triển khai. Tuy nhiên, ông Thibaut Minot - chuyên gia tư vấn kinh doanh quốc tế tại Dezan Shira và cộng sự giải thích rằng mức độ ảnh hưởng của thuế môi trường phụ thuộc trực tiếp vào vị trí của công ty.

    Thực tế là mức thuế ô nhiễm được quyết định ở cấp tỉnh và mỗi tỉnh đều có điều kiện kinh tế xã hội khác nhau nên số tiền nộp thuế của khác nhau.

    Do vấn đề này, các khu vực có cơ sở sản xuất lớn có thể đặt mức thuế suất thấp hơn để đảm bảo doanh thu. Ở Trung Quốc, thủ đô Bắc Kinh - chịu áp lực từ chính quyền trung ương bị áp dụng mức thuế cao nhất về khí thải. Ngược lại, trung tâm sản xuất truyền thống Quảng Đông sẽ vẫn là một địa điểm hấp dẫn cho đầu tư sản xuất vì thuế ô nhiễm hiện đang được đặt ở mức tương đối thấp.

    Ngoài ra, thuế bảo vệ môi trường ở Trung Quốc cũng bao gồm các điều kiện miễn trừ khá lý tưởng. Theo đó, các công ty xả chất ô nhiễm trực tiếp vào các cơ sở xử lý nước thải và xử lý chất thải tập trung tại cơ sở đáp ứng các tiêu chuẩn địa phương và quốc gia đều sẽ được miễn thuế. Một số đối tượng khác cũng được miễn thuế bảo vệ môi trường chẳng hạn như các chất ô nhiễm thải ra từ sản xuất nông nghiệp và các chất ô nhiễm thải ra từ xe cơ giới cùng với các nguồn di động khác.

    Ông Minot chỉ ra rằng khí CO2 vắng mặt trong danh sách các chất gây ô nhiễm khiến ngành sản xuất than và năng lượng khác phần lớn không bị ảnh hưởng. Như vậy, ở Trung Quốc, than sẽ vẫn là nguồn năng lượng cạnh tranh. Điều này chắc chắn sẽ hạn chế tác động của pháp luật đối với việc giảm thiểu ô nhiễm không khí ở nước này và đặc biệt là vấn đề khói bụi trong môi trường đô thị.

    Do tính linh hoạt của thuế suất và thiếu hệ thống giám sát độc lập, chưa rõ liệu chính sách thuế mới có tạo ra tác động đáng kể đến mục tiêu giảm mức độ ô nhiễm hay không. Tuy nhiên, đây là một trong những chính sách đầu tiên của Bắc Kinh nhằm trực tiếp giải quyết vấn đề ở cấp địa phương, gửi tín hiệu mạnh mẽ tới các quan chức địa phương rằng chính phủ nghiêm túc về vấn đề này. Trung Quốc đã có một số luật và quy định nhằm bảo vệ môi trường, nhưng việc thiếu năng lực thực thi đã cản trở hiệu quả của chúng.

    Ngoài ra, thuế bảo vệ môi trường ở Trung Quốc cũng được ban hành đồng thời với luật kiểm soát và ngăn ngừa ô nhiễm nước, bao gồm bảo vệ tài nguyên, quản lý đường nước, phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm và phục hồi sinh thái.

    Luật này tăng hình phạt cho người gây ô nhiễm, với mức phạt tối đa là 1 triệu nhân dân tệ. Quan trọng hơn, việc các quan chức không tuân theo các trách nhiệm do luật pháp quy định sẽ làm mất cơ hội thăng tiến và thậm chí có thể bị phạt bằng tiền mặt.

    Thuế bảo vệ môi trường của Trung Quốc có thể đem về khoản thu lên đến 50 tỷ nhân dân tệ (khoảng 7,68 tỷ USD) hàng năm, theo ước tính từ các nhà phân tích.

    PHƯƠNG PHƯƠNG(Theo China-briefing, Chinatax)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/trung-quoc-cach-chuyen-doi-tu-thu-phi-xa-thai-gay-o-nhiem-sang-thue-bao-ve-moi-truong-a255729.html
    Sự kiện: Thế giới 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan