Trong năm 2017, Trung Quốc đã thực hiện ký kết các hiệp định song phương và đa phương, đồng thời tổ chức hợp tác điều tra và dẫn độ các quan chức tham nhũng với nhiều nước, trong đó có Mỹ, Australia.
Theo tờ China Daily, báo cáo của Ủy bản Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI) cho thấy, nước này đã đưa về nước 1.300 người, trong đó có 347 quan chức bị kết án tham nhũng chỉ trong năm 2017. Khoảng 151,69 triệu USD tài sản bất hợp pháp đã được thu hồi.
Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 ở Bắc Kinh. Ảnh: Xinhua. |
Trung Quốc cũng hợp tác chặt chẽ với Interpol cùng thực hiện lệnh truy nã các quan chức tham nhũng, đưa những người này về nước để chịu trách nhiệm trước pháp luật. Một vài quan chức cấp cao bỏ trốn đã bị đưa về nước, trong đó có cả bà Dương Tú Châu, phó thị trưởng thành phố Ôn Châu, cũng là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Phát triển địa ốc đường sắt Ôn Châu.
Từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên nắm quyền, nước này đã triển khai cuộc chiến chống tham nhũng và lãng phí quy mô lớn trong nội bộ chính phủ và đảng Cộng sản. Rất nhiều các quan chức cấp cao cũng như quan chức địa phương đã bị bắt giữ. Ngoài ra, những buổi chiêu đãi, tiệc tùng xa hoa bị cấm.
Trước đó, CCDI cho biết 159.100 quan chức bị trừng phạt năm 2017 vì tham nhũng và vô kỷ luật ở Trung Quốc.
Chiến dịch phòng chống tham nhũng tiếp tục được chính phủ Trung Quốc tăng cường ngay sau Đại hội toàn quốc lần thứ 19 vào giữa năm 2017. Sau 3 ngày họp từ ngày 11/1 đến ngày 14/1, CCDI đã quyết định thành lập một “siêu cơ quan” chống tham nhũng mới mang tên Ủy ban Giám sát quốc gia (NSC). Theo đó, các văn phòng của NSC sẽ được đặt ở khắp các tỉnh, thành ở Trung Quốc để thực hiện giám sát.
Trong cuộc họp hồi tháng 12/2017, Bộ Chính trị Đảng cộng sản Trung Quốc khẳng định “cuộc chiến chống tham nhũng phải làm đến cùng”.
GIA BẢO(T/h)