+Aa-
    Zalo

    Trump-Obama: Từ nỗ lực hàn gắn không thành đến cuộc chiến thế kỷ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Đã từng có cơ hội để Tổng thống Trump và ông Obama hàn gắn quan hệ nhưng dường như số mệnh "trêu ngươi" đã định sẵn cả hai phải trở thành kẻ đối địch của nhau.

    Đã từng có cơ hội để Tổng thống Trump và ông Obama hàn gắn quan hệ nhưng dường như số mệnh "trêu ngươi" đã định sẵn cả hai phải trở thành kẻ đối địch của nhau.

    Không dừng lại ở sự bất đồng quan điểm cá nhân, những tranh cãi giữa vị Tổng thống đương nhiệm và cựu Tổng thống nước Mỹ đang trở thành một cuộc chiến chính trị kéo dài và tràn ngập trên khắp các phương tiện truyền thông xã hội như một điều chưa từng có tiền lệ.

    Đối với Tổng thống Donald Trump và người tiền nhiệm của ông - Barack Obama, sự đối địch giữa cả hai thực tế vẫn chưa bao giờ được hóa giải, ngoại trừ một tháng thực hiện quá trình chuyển đổi quyền lực ở Nhà Trắng, theo CNN.

    Bất đồng giữa Tổng thống Trump và cựu Tổng thống Obama vẫn âm ỉ.

    Thời điểm hiện tại, cựu Tổng thống Obama đang thực hiện một cuộc chỉ trích công khai xấu xí nhất trong lịch sử nước Mỹ hiện đại. Một cuộc chiến xuất phát từ những hiềm khích cá nhân sâu sắc và diễn ra gần như liên tục mỗi khi ông Trump ra một quyết sách gây tranh cãi.

    Tuy nhiên, một phần mâu thuẫn cũng được nung nóng do chính người đang ngồi chiếc ghế Nhà Trắng lúc này.

    Trong khi ông Obama không công kích vào chính quyền Trump kể từ sau chiến dịch tranh cử Tổng thống năm ngoái kết thúc, ngược lại Tổng thống Trump đã liên tục có những tuyên bố nhắm vào người tiền nhiệm trong suốt vài tháng qua.

    Ngoài đạo luật chăm sóc sức khỏe Obama Care, vị Tổng thống đương nhiệm còn không tiếc lời chê bai cách làm của chính quyền trước đối với vấn đề Triều Tiên, quyết định gia nhập Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và chính sách đối với Cuba .

    "Ông ấy đã rất tốt với tôi, nhưng sau đó chúng tôi đã có một chút khó khăn", Tổng thống Trump vô tình thừa nhận với một phóng viên của CBS về quan hệ với ông Obama vào tháng trước.

    Trong khi đó, người phát ngôn của cựu Tổng thống Obama lại nói về Tổng thống Mỹ hiện tại rằng, "ông ấy không muốn cho quá khứ được ngủ yên" và “Trump đang cố làm xao lãng những rắc rối của riêng mình, bằng cách hướng sự chú ý về người tiền nhiệm”.

    "Cách của Trump là biến mọi người trở thành kẻ thù của mình. Nếu tâm điểm chú ý dồn vào người khác, đó là một chiến thắng cho ông ấy", nhân vật này nói thêm.

    Đời trước đời sau dễ bất đồng

    Lịch sử nước Mỹ đã chỉ rõ, các cựu Tổng thống Mỹ không phải lúc nào cũng ủng hộ người kế nhiệm họ.

    Sự khác biệt trong tính cách, tư tưởng cùng với tâm lý muốn thể hiện điều mới mẻ của các vị Tổng thống mới đã khiến cho hai thế hệ thường xuyên gặp mâu thuẫn.

    Trong quá khứ, ông Herbert Hoover từng phản đối chương trình an sinh xã hội của Franklin D. Roosevelt vào năm 1935 với lời so sánh chương trình như “điều hành bởi phát xít”.

    Trong khi đó hai Tổng thống Harry Truman và Dwight Eisenhower đã cãi nhau trong suốt chuyến đi từ Nhà Trắng tới Đồi Capitol trước lễ nhậm chức của Eisenhower. Truman còn không kiêng nể khi gọi Eisenhower là kẻ hèn nhát.

    Cả hai đã từng có cơ hội bồi đắp quan hệ nhưng mọi chuyện đã không thành.

    Một trường hợp khác xảy ra trong cuộc suy thoái năm 1982, khi cựu Tổng thống Jimmy Carter đã công khai cáo buộc người kế nhiệm Ronald Reagan không muốn đảm đương toàn bộ công việc dẫn dắt nước Mỹ đi qua khủng hoảng.

    Tuy nhiên, một số bất đồng giữa các Tổng thống Mỹ trong vài nhiệm kỳ gần đây lại không quá ồn ào.

    Cựu Tổng thống Barack Obama thường than phiền về nền kinh tế suy yếu mà George W. Bush để lại, nhưng không bao giờ công kích đích danh người tiền nhiệm.

    Trong khi quan hệ giữa Bush (con) và Bill Clinton - người đã đánh bại cha ông trong cuộc bầu cử năm 1992 còn chút lạnh giá – cả hai cuối cùng đã tìm cách hợp tác với nhau trong một số vấn đề toàn cầu.

    "Đã có những trường hợp trong quá khứ mà vị Tổng thống hiện tại và cựu Tổng thống không hoà thuận”, Timothy Naftali, một nhà sử học thuộc Đại học New York nêu quan điểm: "Nhưng điều khác biệt ở lần này là cả hai cho thấy sự thù địch quá rõ ràng. Cách thể hiện của Tổng thống Trump đã nói lên tất cả, nhưng cách gây hấn của Obama cũng không kém".

    CNN dẫn lời một quan chức chính quyền cho biết, Tổng thống Trump tỏ ra rất nhạy cảm khi bị so sánh với những thành tựu dưới thời Obama.

    Ngoài ra, ông cũng cảm thấy ngày càng cô lập hơn giữa dàn lãnh đạo phương Tây - trong đó có Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Canada Justin Trudeau – vốn đều là những nhân vật gần gũi với ông Obama.

    Một cựu quan chức Nhà Trắng cho biết, ông Obama đã đưa ra một số lời khuyên cho người kế nhiệm nhưng có vẻ như ông Trump không đánh giá cao những lời khuyên này và luôn bỏ ngoài tai.

    Tổng thống Trump cũng thừa nhận trong cuộc phỏng vấn với CBS rằng, ông không có mối quan hệ thân tình với người tiền nhiệm Obama và cả hai đã không nói chuyện với nhau kể từ lần cuối ông vẫy tay chào cựu Tổng thống trong ngày lễ nhậm chức.

    Giai đoạn này, cựu Tổng thống Obama đang tận hưởng các chuyến du lịch cùng gia đình.

    Đã có một nỗ lực hàn gắn quan hệ không thành công giữa hai người ngay sau khi ông Trump chuyển tới Nhà Trắng, các trợ lý của ông Obama tiết lộ.

    Theo truyền thống, ông Obama đã để lại lời nhắn gửi ở phòng Bầu dục mà ngay sau khi đọc xong ông Trump đã muốn bày tỏ lòng cảm ơn của mình.

    Thông qua một phụ tá, ông Trump cố gắng liên lạc với ông Obama. Nhưng người tiền nhiệm của ông đã đi đến California và cả hai đã không thể kết nối được với nhau.

    Khi một trong những phụ tá của ông Obama gọi lại cho Nhà Trắng, các nhân viên của Tổng thống mới nói rằng, ông Trump chỉ muốn gửi lời cảm ơn và muốn ông Obama biết được điều này. Mặc dù vậy cả hai vẫn chưa bao giờ có một cuộc nói chuyện trực tiếp kể từ ngày đó.

    Đã không có thêm một nỗ lực làm dịu căng thẳng mới nào, mà ngược lại, mọi chuyện đang đi theo theo chiều hướng tồi tệ hơn – điều khiến một số chuyên gia cảm thấy lo ngại.

    "Nếu không có mối quan hệ giữa Tổng thống đương nhiệm và cựu Tổng thống, nước Mỹ sẽ mất đi những lợi ích đến từ kinh nghiệm và sự khôn ngoan của người đã từng làm công việc khó khăn nhất ở quốc gia này”, sử gia Naftali đánh giá.

    "Nó cướp đi không chỉ di sản của cựu Tổng thống mà còn phủ nhận những gì người đó làm được. Vì vậy chẳng có ai thắng trong cuộc chiến vô ích này cả".

    Quốc Vinh

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/trump-obama-tu-no-luc-han-gan-khong-thanh-den-cuoc-chien-the-ky-a194773.html
    Sự kiện: Thế giới 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan