Chỉ bằng cách tổ chức các cuộc hội đàm tại Nhà Trắng với Kim Jong-un, Mỹ mới có thể chấm dứt xung đột âm ỉ trên bán đảo Triều Tiên?.
Thông điệp từ những lời mời
Hôm 1/5, thông báo từ Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Trump đã mời Tổng thống Rodrigo Duterte của Philippines tới thăm Washington sau cuộc điện đàm được mô tả là rất thân mật giữa hai người diễn ra trước đó một ngày.
Mặc dù Mỹ có mối quan hệ chặt chẽ với Philippines, tuy nhiên, động thái này đã khiến các nhà phê bình và đồng minh của Washington cảm thấy bất ngờ.
Lời mời Tổng thống Duterte đến Nhà Trắng khiến chính trường Mỹ bất ngờ. |
Theo Washington Post, trong 10 tháng cầm quyền của mình, ông Duterte đã trở thành một trong những nhà lãnh đạo gây tranh cãi nhất Châu Á.
Cuộc càn quét ma túy thẳng tay của nhà lãnh đạo này đã bị chính quyền cựu Tổng thống Obama cáo buộc là vi phạm nhân quyền, khi đã có hàng nghìn người thiệt mạng.
Tổng thống Duterte đã phản bác những lập luận từ phía Nhà Trắng khi nói rằng, đây là công việc nội bộ của Manila và tất cả những lời chỉ trích từ bên ngoài sẽ không ngăn cản được chiến dịch của ông.
Trong tuyên bố được đưa ra, Chánh văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus cho biết, những tranh cãi xung quanh chiến dịch của nhà lãnh đạo Manila có thể tạm gác qua một bên, khi “vấn đề Triều Tiên đang trở nên nghiêm trọng đến mức chúng ta cần hợp tác ở một mức độ nào đó với càng nhiều đối tác trong khu vực càng tốt".
Mặc dù vậy có nhiều ý kiến cho rằng, để giải tỏa căng thẳng đang leo thang trên bán đảo Triều Tiên, việc mời đồng minh Đông Nam Á vốn đang gặp rạn nứt với Mỹ trong thời gian qua không phải là phương án khả thi.
“Donald Trump đang sai lầm khi mời nhà lãnh đạo Philippines gặp mặt ở Washington. Thay vì tập trung vào nhà lãnh đạo Philippines - Rodrigo Duterte, ông ấy nên gửi lời mời đến Kim Jong-un của Triều Tiên”, bình luận viên Jacob Heilbrunn của tờ National Interest nhận định.
Trong phát biểu mới nhất của mình, Tổng thống Trump đã nói rằng ông sẽ rất “vinh dự” khi được gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên trong “thời điểm hợp lý”, nhưng theo Heilbrunn, dù phát biểu của ông chủ Nhà Trắng là rất đáng hoan nghênh, tuy nhiên ông nên đi xa hơn nữa bằng lời mời cụ thể.
Ông Trump cần thể hiện các kỹ năng đàm phán sáng tạo mà ông đã “chào hàng” trong chiến dịch của mình và phá vỡ những khuôn mẫu ngoại giao vốn đã lỗi thời và luôn thất bại của Mỹ.
Chỉ bằng cách tổ chức các cuộc hội đàm tại Nhà Trắng với Kim Jong-un, Mỹ mới có thể chấm dứt xung đột âm ỉ trên bán đảo Triều Tiên.
Tổng thống Trump nên mời nhà lãnh đạo Triều Tiên tới Mỹ để đàm phán. |
Sẽ có những lời phàn nàn từ những chính khách bảo thủ nói chính quyền Trump không nên thỏa hiệp với Bình Nhưỡng, tuy nhiên ông Trump cần bỏ ngoài tai và nên tiếp cận với nhà lãnh đạo Triều Tiên để tìm kiếm những giải pháp thực tế nhất.
"Nếu Trump giải quyết được cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên, ông có thể chuyển đổi chính sách với Triều Tiên một cách hòa dịu hơn", Heilbrunn nêu rõ.
Sai lầm của chính quyền Trump là gây căng thẳng với Triều Tiên
Cây viết này cũng chỉ ra rằng, sai lầm mà chính quyền Trump đang mắc phải đó là làm tăng căng thẳng với Triều Tiên, qua đó đã vô tình đẩy Bình Nhưỡng tiến gần tới quyết định rằng họ phải đạt được khả năng tấn công tới Mỹ bằng tên lửa liên lục địa càng sớm càng tốt.
Theo Financial Times, lực lượng mặt đất của Triều Tiên được cho là không thể cầm cự được lâu dài nếu một cuộc chiến diễn ra. Bình Nhưỡng hiểu rõ điều này và không thực sự bận tâm đến việc chiến đấu và giành chiến thắng trước liên minh Mỹ-Hàn. Thay vào đó, trò chơi tên lửa mới là quyết định sống còn của chính quyền Kim Jong-un.
Sau khi chứng kiến các cuộc tấn công của Mỹ vào Iraq và Libya, Bình Nhưỡng đã tính toán rằng, họ phải có vũ khí hạt nhân như một hàng rào cuối cùng chống lại các cuộc tấn công do người Mỹ gây ra.
Chính quyền Trump sẽ phải chuẩn bị một lộ trình kỹ lưỡng vào mọi thứ Mỹ cần phải làm là bắt đầu các cuộc đàm phán với Bình nhưỡng bằng cách chỉ định một vị sứ giả cấp cao, người sẽ thiết lập một kênh làm việc bí mật với Chính phủ Kim Jong-un.
Ngoài ra nếu một chuyến thăm của nhà lãnh đạo Triều Tiên tới Mỹ được ấn định, Tổng thống Trump có thể tham khảo cách tiếp đón trong chuyến thăm của nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev hồi tháng 9/1959.
Quốc Vinh