(ĐSPL) - Ngày 25/11, Tòa án Cấp cao tại Hà Nội sẽ xét xử theo trình tự phúc thẩm vụ án trùm xã hội đen Minh 'sâm' - Giám đốc Công ty TNHH Đại An và đồng phạm.
Theo báo Thanh niên, ngày 25/11 tới đây, Tòa án Cấp cao tại Hà Nội sẽ xét xử theo trình tự phúc thẩm vụ án Nguyễn Ngọc Minh (tức Minh "sâm" - Giám đốc Công ty TNHH Đại An) và đồng phạm.
Phiên tòa phúc thẩm diễn ra theo kháng nghị của Viện KSND cấp cao tại Hà Nội đề nghị tăng nặng hình phạt đối với Minh “sâm” và đồng phạm. Tại phiên tòa này, Minh "sâm" và các đồng phạm sẽ bị tòa xem xét về hành vi Cưỡng đoạt tài sản và Tàng trữ vũ khí quân dụng.
Trước đó, đầu tháng 6/2016, HĐXX toà sơ thẩm tại Bắc Ninh đã tuyên bị cáo Nguyễn Ngọc Minh 24 tháng tù giam. 8 đồng phạm còn lại bị tuyên phạt cao nhất khoảng 18 tháng tù giam và án treo.
Mức án của TAND tỉnh Bắc Ninh đã không nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân Bắc Ninh cũng như dư luận. Từ khi băng nhóm “Minh Sâm” bị bắt giữ, điều tra và đến khi xét xử đã có rất nhiều thông tin khác nhau về tính chất, mức độ của băng nhóm này.
Ngày 15/6, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ, đề nghị Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao xem xét kết quả việc điều tra, truy tố, xét xử vụ án Nguyễn Ngọc Minh cùng đồng phạm. Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo kiểm tra quá trình điều tra vụ án, sớm báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ.
Sau đó, Viện KSND cấp cao tại Hà Nội có kháng nghị cho rằng hành vi cưỡng đoạt tài sản của bị cáo Phạm Ngọc Minh cùng 8 đồng phạm, nguy hiểm cho xã hội, gây bức xúc, bất bình trong quần chúng nhân dân, ảnh hưởng xấu đến việc phát triển kinh tế trên địa bàn, nhưng có mức án quá nhẹ là không phù hợp quy định pháp luật. Do đó, Viện KSND cấp cao đã kháng nghị phúc thẩm bản án hình sự sơ thẩm của TAND tỉnh Bắc Ninh.
Minh "sâm" (ngoài cùng bên phải) cùng các đồng phạm tại phiên tòa sơ thẩm - Ảnh: báo Thanh niên |
Như báo VOV đã thông tin vụ việc, trong khoảng thời gian từ tháng 6/2012, đến tháng 5/2014, tại xã Phù Khê, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Nguyễn Ngọc Minh đã tiến hành xây dựng và thành lập chợ Phù Khê Đông (chợ Đồng Bèo) và chợ Phù Khê Thượng, theo dự án được phê duyệt của UBND tỉnh Bắc Ninh. Ngoài ra Minh “sâm” xây dựng và thành lập chợ Tiến Bào.
Sau khi các chợ này đi vào hoạt động, Minh không làm văn bản, tờ trình các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt nội quy, quy chế hoạt động và mức thu phí của chợ, mà Minh tự ý thành lập “Ban quản lý Chợ Đồng Bèo”, và tự đề ra qui định nộp các phí “Bến bãi”, “Công nông”.
Đồng thời, Minh “sâm” phân công cụ thể trách nhiệm từng nhân viên của Ban quản lý chợ, bắt buộc các xe gỗ đi vào khu vực các chợ hoặc đi vào đường Nguyễn Văn Cừ, xã Phù Khê, phải vào Ban Quản lý Chợ Đồng Bèo hạ gỗ, nộp phí theo quy định của Minh.
Từ tháng 12/2012 đến ngày 13/8/2014, Nguyễn Ngọc Minh đã cùng các đồng phạm, cấu kết chặt chẽ, dùng thủ đoạn uy hiếp tinh thần để cưỡng đoạt của 12 bị hại với tổng số tiền hơn 184 triệu đồng.
Toàn bộ số tiền chiếm đoạt được của các bị hại Minh đã sử dụng vào hoạt động của Ban quản lý Chợ và chi tiêu cá nhân.
Trong quá trình điều tra vụ án, cơ quan CSĐT - Bộ công an đã khám xét và thu giữ của Quách Văn Lộc 1 khẩu súng K54 và 1 hộp tiếp đạn.
Khẩu súng này do Nguyễn Thành Hưng - Giám đốc Cong ty TNHH Thành Hưng – cựu trưởng thôn Phù Khê Thượng (xã Phù Khê, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh), được coi là trợ giúp đắc lực của Minh "sâm", giao cho Lộc tàng trữ, cất giấu.
Chiều ngày 13/8/2014, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Bộ Công an phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ chức năng, bắt quả tang Nguyễn Hữu Hoàng (SN 1991, Phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) là nhân viên văn phòng Ban quản lý chợ Đồng Bèo (người của Công ty TNHH Đại An) về hành vi cưỡng đoạt tài sản với số tiền 1,2 triệu đồng của anh Đặng Bá Lĩnh (SN 1981, Lệ Chi, Gia Lâm, Hà Nội).
Mở rộng điều tra, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt giữ Minh “sâm” và đồng phạm. Riêng Nguyễn Thành Hưng được đình chỉ bị can vì tử vong do bệnh tật sau đó.
Điều 135. Tội cưỡng đoạt tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009): 1. Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; đ) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
HẠNH VŨ (Tổng hợp)
Xem thêm video tại đây:
[mecloud]V6moNxPmDP[/mecloud]