Bắt đầu từ tháng 6, trò chơi Bắt chữ trở thành hiện tượng trong giới phát triển game di động khi liên tục đứng đầu bảng xếp hạng ứng dụng Việt.
Bắt chữ được phát triển dựa trên ý tưởng của chương trình nổi tiếng "Đuổi hình bắt chữ". Người chơi sẽ quan sát và đoán xem từ gì ẩn sau những hình ảnh vui nhộn và thú vị. Để vượt qua các câu hỏi, người chơi cần có vốn từ phong phú về cả về tiếng Việt và Hán Việt. Do vậy, không ít người đã phải chia sẻ hình ảnh lên Facebook để nhờ bạn bè tìm đáp án giúp. Cũng vì thế mà trò chơi lại càng được lan truyền rộng hơn.
Những lời "cầu viện" của người chơi Bắt chữ trên Facebook. |
Ông Nguyễn Bá Thành, 28 tuổi và là CEO của WePlay - nhóm phát triển Bắt chữ tiết lộ, game này đã thu hút gần 3 triệu lượt download trên Android và iOS. Số lượt tải có những ngày cao nhất khoảng 150.000 cho cả 2 nền tảng. Đây là con số ấn tượng bởi ứng dụng có giao diện tiếng Việt và chỉ dành cho những người biết tiếng Việt (hiện WePlay chưa có ý tưởng tạo ra phiên bản tiếng Anh của trò chơi). Game Bắt chữ cũng đang đứng đầu bảng xếp hạng các trò chơi miễn phí tại Việt Nam trong suốt một tháng qua.
Thành cho biết, cả nhóm chỉ cần khoảng một tuần để xây dựng game, nhưng do nội dung dài hơi và liên tục, đến nay nhóm vẫn tiếp tục sáng tạo và thiết kế ra những câu hỏi mới hàng tuần phục vụ cộng đồng.
Game Bắt chữ bắt đầu được đưa lên hai kho ứng dụng Google Play và Appstore vào tháng 12/2013 nhưng chưa thu hút nhiều sự chú ý do các thành viên trong nhóm phát triển vẫn còn bận nhiều chuyện riêng. Chỉ từ tháng 5/2014, cả nhóm mới dành thời gian, tâm huyết để trau chuốt cho sản phẩm và lượng download bắt đầu tăng mạnh từ tháng 6/2014.
Trên thị trường đã xuất hiện khá nhiều game dạng "Đuổi hình bắt chữ", nhưng theo quan sát của Thành, các game đó chưa tốt về nội dung, chưa đánh trúng được tâm lý của người sử dụng nên cả nhóm đã quyết định tạo phiên bản "Bắt chữ" với nhiều cải tiến mới. Game có luật chơi đơn giản, có thể chia sẻ nội dung giữa người chơi với nhau, không giới hạn thời gian và đặc biệt có sự đầu tư nghiên cứu sâu về nội dung với các câu hỏi đủ tốt để tạo ra tính lan truyền tự nhiên (viral marketing), hình thành nên cộng đồng người chơi đông đảo. Nhóm phát triển sử dụng khoảng hơn 10 từ khen ngợi người chơi sau mỗi một đáp án đúng như "xuất sắc", "thiên tài"...
Khi được hỏi liệu các thành viên trong nhóm có bao giờ quên lời giải cho một câu đố trong game, Thành chia sẻ: "Để làm ra các câu hỏi, cả nhóm đã phải đổ tâm huyết rất nhiều. Có những lúc việc tìm ý tưởng cho câu hỏi trở thành nỗi ám ảnh cả trong giấc ngủ, cả lúc đi đường. Có khi đang đi trên đường, nghĩ ra một từ là phải dừng lại để ghi ngay không quên. Rồi khi thiết kế câu hỏi, có lúc nhóm phải chọn lọc hàng nghìn bức ảnh trên mạng mới tìm ra một hình ảnh đủ tốt để chế tác lại. Chính vì cẩn thận và tỉ mỉ như vậy nên quên lời giải là điều không thể tin nổi với chúng tôi".
Về tình trạng đáp án bị chia sẻ tràn lan trên mạng, đại diện của WePlay cho hay điều này càng thể hiện độ "hot" của game, nhưng cũng thừa nhận việc có câu được trả lời dễ dàng có thể khiến việc chơi game kém hứng thú. Để khắc phục, nhóm đã kiên trì đầu tư nội dung, liên tục cho ra gói câu hỏi mới. Đối với các câu hỏi cũ, game thường xuyên tráo lại vị trí các câu đố để việc tìm đáp án theo số thứ tự cũng khó khăn hơn.
Nguyễn Bá Thành, sinh năm 1987 và là CEO của WePlay. |
"Cả nhóm đang nỗ lực để tăng năng suất về số lượng câu hỏi, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người chơi. Tuy nhiên, nhiều không có nghĩa là ẩu. Mỗi ngày đội thiết kế có thể tạo ra cả trăm câu đố, nhưng chỉ chọn lọc lại còn vài câu. Trung bình 2-3 ngày game sẽ được cập nhật một lần với khoảng 40-50 câu", CEO của WePlay nhận định. "Chính sự khó tính này đã tạo nên sự thành công cho game dù doanh thu của game chưa nhiều. Tôi cũng mong cộng đồng người chơi thông cảm về những bất tiện khi đặt quảng cáo trong game vì để trang trải các chi phí khi sản xuất".
WePlay được thành lập cuối năm 2013 với 3 thành viên. Nhóm phát triển trò chơi Bắt chữ hiện đã mở rộng lên 7 thành viên cùng một số cộng tác viên bán thời gian với độ tuổi trung bình khoảng 25. Các thành viên chủ chốt đều là những người đam mê công nghệ và từng từng làm việc ở các công ty công nghệ lớn ở Việt Nam.
Tác giả game Bắt chữ tin rằng, trên thị trường ứng dụng di động, cơ hội luôn chia đều cho tất cả và không nên sao chép trắng trợn cả về hình thức lẫn nội dung: "Làm game là một quá trình không phải thành công một sáng một chiều. Đam mê là quan trọng, nhưng cần chọn đúng nhu cầu của thị trường, ngoài ra cũng nên có kế hoạch dài hơi về mặt tài chính nếu không muốn đứa con tinh thần của mình chết yểu".