Thăm tàu ngầm lớp Romeo là động thái nghi binh của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un để che giấu "vũ khí bí mật" là tàu ngầm mini |
Tàu ngầm số 748 được nhà lãnh đạo Kim Jong-un đến thăm là một phiên bản tàu ngầm Romeo có từ thời Liên Xô và được các nhà máy đóng tàu của Triều Tiên sao chép lại trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Lần theo nguồn gốc, tàu ngầm lớp Romeo có lượng choán nước 1.800 tấn khi lặn này áp dụng công nghệ tàu ngầm Đức Quốc xã và được Liên Xô từng bước cải tiến hồi những năm 1950. Hệ thống chiến đấu, động cơ đẩy và và độ ồn của lớp tàu ngầm này bị coi là rất lạc hậu so với công nghệ tàu ngầm hiện nay.
Một trong những phiên bản của tàu ngầm lớp Romeo có từ thời Liên Xô |
Tàu ngầm hiện đại của Hàn Quốc dựa trên công nghệ tàu ngầm Type 214 của Cộng hòa Liên bang Đức. |
Sự thăng trầm của Hải quân Nhân dân Triều Tiên
Kỷ nguyên vàng của Hải quân Nhân dân Triều Tiên (KPN) chính là thời kỳ Chiến tranh lạnh, khi Bình Nhưỡng nhận được viện trợ hào phóng về quân sự-kỹ thuật của Liên Xô. Đặc biệt, trong những năm 1960 và 1970, KPN được cho là một trong những lực lượng hải quân mạnh nhất trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, sau khi Liên Xô sụp đổ, Triều Tiên đã mất đi nguồn viện trợ vô cùng to lớn. Trong khi đó, sức mạnh kinh tế (và đi kèm nó là sức mạnh quân sự) của Hàn Quốc lại tăng lên gấp bội và biến Hải quân Hàn Quốc trở thành một trong những lực lượng hải quân hiện đại nhất thế giới. Tương quan về lực lượng hải quân giữa hai miền Triều Tiên ngày càng nghiêng về phía có lợi cho Hàn Quốc.
Tàu ngầm lớp Romeo/Type-033 của Trung Quốc |
Tuy nhiên, trong khi quá tập trung vào khoảng cách công nghệ hải quân giữa hai miền Triều Tiên, người ta đã quên đi các khía cạnh quan trọng khác trong sự phát triển của KPN. Trong thực tế, mối đe dọa tàu ngầm của Triều Tiên không đến từ các tàu ngầm lớp Romeo có nguồn gốc từ Liên Xô mà đến từ đội tàu ngầm mini ngày càng đông đảo mà Bình Nhưỡng tự nghiên cứu chế tạo.
Trong khi Hải quân Hàn Quốc quá tập trung vào việc đóng thêm một loạt các tàu ngầm siêu hiện đại, có tin nói chính tàu ngầm mini của Triều Tiên đã đánh chìm tàu chiến hiện đại Cheonan của Hàn Quốc vào năm 2010. Ngoài ra, tàu ngầm mini của Triều Tiên đã nhiều lần xuyên thủng hệ thống bố phòng và đột nhập thành công vào bờ biển Hàn Quốc.
Tàu ngầm mini lớp Sang-O chở biệt kích bị Hàn Quốc bắt năm 1996 |
Không có hy vọng "bắt kịp" Hàn Quốc, Triều Tiên đã áp dụng “chiến tranh du kích trên biển” để đối phó với sức mạnh công nghệ ngày càng tăng Hải quân Hàn Quốc. Tàu ngầm mini là một phần quan trọng của chiến thuật mới này.
Vũ khí hữu hiệu chống xâm lược bằng đường biển
Bên cạnh việc thực hiện hành động đột kích “bí mật, bất ngờ” trong thời bình, tàu ngầm mini của Triều Tiên rất phù hợp với nhiệm vụ chống tiếp cận từ phía biển. "Bầy sói" tàu ngầm mini của KPN tỏ ra rất linh hoạt trong các vịnh nhỏ nằm rải rác trên bờ biển Triều Tiên. Hơn thế nữa, với công nghệ đơn giản và chi phí thấp, tàu ngầm mini của Triều Tiên có thể được sản xuất với số lượng nhiều gấp bội các tàu chiến hiện đại của Hàn Quốc. Được điều khiển bởi một thủy thủ đoàn có tinh thần chiến đấu cao và thông thuộc địa hình, hạm đội tàu ngầm mini của KPN sẽ phát huy hiệu quả cao bằng cách sử dụng “chiến thuật du kích” chống lại lực lượng đổ bộ Mỹ-Hàn.
Thật vậy, chương trình tàu ngầm mini của Bình Nhưỡng khá thành công trong một cuộc chiến không cân sức. Iran cũng đã mua lại các mẫu thiết kế của tàu ngầm mini Triều Tiên và triển khai chúng để đe dọa phong tỏa eo biển chiến lược Hormuz.
Iran cũng đã mua lại các mẫu thiết kế của tàu ngầm mini Triều Tiên và triển khai chúng để đe dọa phong tỏa eo biển chiến lược Hormuz. |
Cộng đồng quốc tế không nên bị nhầm lẫn bởi những hình ảnh mà KCNA công bố gần đây. Rất có thể, việc nhà lãnh đạo Kim Jong-un thăm tàu ngầm lớp Romeo là nhằm đánh lạc hướng chú ý của bên ngoài nhắm vào “bầy sói” tàu ngầm mini. Đối với Mỹ và Hàn Quốc, sẽ là sai lầm chết người, nếu hai nước này xem thường chiến thuật “đánh du kích trên biển” của Hải quân Triều Tiên.