Việc đưa vào hoạt động một nhà máy mới sẽ tăng gấp đôi sản lượng urani để sản xuất vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Ngày 5/11, tờ JoongAng Ilbo của Hàn Quốc dẫn lời một báo cáo tình báo cho hay Triều Tiên đã bắt đầu khởi động một nhà máy hạt nhân mới, giúp nước này có thể tăng gấp đôi sản lượng sản xuất đầu đạn hạt nhân urani.
Ảnh vệ tinh chụp tổ hợp hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên. |
Theo đó, camera hồng ngoại gắn trên vệ tinh gián điệp của Mỹ đã phát hiện những bức xạ nhiệt chứng tỏ Triều Tiên đã khởi động một nhà máy mới trong tổ hợp hạt nhân Yongbyon, “trái tim” chương trình hạt nhân của Triều Tiên, nhằm tăng khả năng làm giàu urani của họ.
Tổ hợp Yongbyon cũng là nơi đạt lò phản ứng hạt nhân plutoni cung cấp nguyên liệu cho Triều Tiên sản xuất khoảng một chục quả bom nguyên tử, trong đó có 3 quả đã được thử trong lòng đất.
Nhà máy hạt nhân mới được đưa vào sử dụng có thể giúp Triều Tiên có khả năng chế tạo đầu đạn hạt nhân urani, mặc dù có sức công phá yếu hơn nhưng lại dễ sản xuất hơn đầu đạn plutoni rất nhiều.
Tờ JoongAng Ilbo dẫn lời một quan chức tình báo Hàn Quốc cho biết nhà máy mới này được xây dựng ngay cạnh nhà máy làm giàu urani. Quan chức này nói: “Năm 2012, Triều Tiên bắt đầu xây dựng nhà máy mới ngay cạnh nhà máy cũ có chiều dài 120 mét, chiều rộng 15 mét”.
Quan chức này tiết lộ hình ảnh do vệ tinh hồng ngoại thu được cho thấy nhiều bức xạ nhiệt phát ra từ nhà máy này khi các máy ly tâm của nhà máy mới bắt đầu hoạt động. Theo ước tính, trong nhà máy này có khoảng 2000 máy quay ly tâm dùng để làm giàu urani ở cấp độ vũ khí.
Nguồn tin này nói thêm: “Nếu Triều Tiên vận hành toàn bộ 4000 máy ly tâm suốt cả năm, họ có thể sản xuất được khoảng 80kg urani làm giàu cấp độ cao mỗi năm, đủ để chế tạo 4 hoặc 5 quả bom nguyên tử”.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và các quan chức cấp cao. |
Kể từ năm 2003, Mỹ đã cáo buộc Triều Tiên thực hiện một chương trình urani mới song song với việc vận hành lò phản ứng plutoni, trong khi Triều Tiên một mực bác bỏ cáo buộc này.
Triều Tiên có các mỏ urani riêng và cũng đã sở hữu công nghệ ly tâm cần thiết để chế tạo urani cấp độ vũ khí từ ông Abdul Qadeer Khan, cha đẻ chương trình hạt nhân của Pakistan. Năm 2010, một nhóm nhà khoa học Mỹ đã kiểm tra đột xuất tổ hợp Yongbyon và phát hiện ra cơ sở làm giàu urani đầu tiên.
Ông Siegfried Hecker, trưởng đoàn kiểm tra vào thời điểm đấy cho biết ông đã sững sờ khi chứng kiến một nhà máy làm giàu urani hiện đại chẳng kém gì phương Tây đang vận hành hết công suất tại tổ hợp này.
Tuy nhiên, Triều Tiên cho rằng các nhà máy trên chỉ sản xuất uranium làm giàu ở mức độ thấp để làm nhiên liệu cho các lò phản ứng điện hạt nhân chứ không phục vụ mục đích sản xuất vũ khí.
Theo các chuyên gia, lò sản xuất urani thường có kích thước nhỏ hơn và dễ che giấu hơn so với lò plutoni trước con mắt của vệ tinh gián điệp, đặc biệt là tại những khu vực nhiều đồi núi của Triều Tiên.
Các đầu đạn hạt nhân urani cũng có thể được sử dụng mà không phải thực hiện các cuộc thử nghiệm dễ bị phát hiện giống như những vụ thử hạt nhân mà Triều Tiên thực hiện vào năm 2006, 2009 và 2012.
Tuy nhiên, các đầu đạn này lại rất khó thu nhỏ để có thể gắn vào tên lửa đạn đạo, phương tiện phóng duy nhất mà Triều Tiên có vào thời điểm này để phát động một cuộc tấn công hạt nhân.