Sputnik đưa tin, mới đây, trong một bài viết được đăng tải trên hãng thông tấn Triều Tiên, chuyên gia phân tích Kim Myong Chol nhấn mạnh: “Khi IMO phản hồi thông báo trước của Triều Tiên về vụ phóng vệ tinh bằng cách thông qua một "nghị quyết" chống, chúng tôi sẽ coi đây là một động thái chính thức cho thấy quan điểm những thông báo trước của Triều Tiên không còn cần thiết nữa. Trong tương lai, IMO nên biết và tự mình triển khai các biện pháp phù hợp trong thời gian phóng vệ tinh của Triều Tiên, cũng như tính toán điểm rơi của các vật thể và sẵn sàng chịu trách nhiệm hoàn toàn về tất cả các hậu quả".
Trước đó, ngày 31/5, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết, Ủy ban An toàn Hàng hải của IMO đã thông qua nghị quyết lên án các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, gọi đây là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự an toàn của hàng hải quốc tế và kêu gọi nước này tuân thủ các quy tắc, bao gồm thông báo trước về bất kỳ vụ thử tên lửa nào. Đây là nghị quyết đầu tiên của IMO lên án các vụ phóng của Bình Nhưỡng.
Theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, các tài liệu chính thức của tổ chức được phân loại thành các nghị quyết, thông tư và quyết định, với các nghị quyết được coi là khuyến nghị mạnh mẽ nhất cho các quốc gia thành viên. IMO trước đó đã ban hành các thông tư bày tỏ lo ngại về các vụ phóng tên lửa không báo trước của Bình Nhưỡng vào năm 1998, 2006 và 2016.
Nhà phân tích Kim Myong Chol lập luận rằng IMO "lần đầu tiên trong lịch sử đưa ra một nghị quyết như vậy", điều này chứng tỏ rằng tổ chức này "đã bị chính trị hóa hoàn toàn, từ bỏ sứ mệnh ban đầu là thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực an ninh hàng hải”.
Ông Kim Myong Chol nói thêm rằng việc cải thiện khả năng quân sự của Triều Tiên là quyền chủ quyền của đất nước, điều cần thiết để "bảo vệ an ninh quốc gia và người dân khỏi các hành động thù địch quân sự liều lĩnh hơn bao giờ hết của Mỹ và các lực lượng đồng minh và để bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực".
"Đây là quyền hợp pháp của một quốc gia có chủ quyền được quy định rõ ràng trong Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế có liên quan", ông Chol nhấn mạnh.
Chuyên gia này nói thêm rằng Bình Nhưỡng tiến hành các cuộc tập trận bắn thử tên lửa theo "cách an toàn nhất" trong khi tính đến an ninh của các quốc gia khác và "cho đến nay không có thiệt hại nào". Ngoài ra, Triều Tiên cũng đã ban hành một cảnh báo hàng hải cho Cơ quan An ninh Hàng hải Nhật Bản và thông báo cho IMO về thời gian phóng và vị trí mà tên lửa có thể rơi xuống, mặc dù không bắt buộc phải làm như vậy.
Như đã đưa tin, ngày 31/5, hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) xác nhận, Cơ quan Phát triển Hàng không Vũ trụ quốc gia (NADA) của nước này đã phóng vệ tinh trinh sát quân sự "Malligyong-1" gắn trên tên lửa đẩy kiểu mới "Chollima-1".
Trước khi phóng một ngày, một quan chức giấu tên thuộc IMO cho biết phía Triều Tiên đã thông báo cho tổ chức này về kế hoạch phóng vệ tinh. Đây là lần đầu tiên Triều Tiên gửi thông báo như vậy tới IMO kể từ năm 2016.
Tuy vụ thử thất bại, tên lửa đẩy rơi xuống biển nhưng khiến Hàn Quốc và Nhật Bản phải ra cảnh báo khẩn cấp và cảnh báo sơ tán ở một số khu vực.
Sau vụ phóng không thành, ngày 1/6, hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên dẫn lời bà Kim Yo-jong, Phó trưởng ban Tuyên truyền và Thông tin của Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, em gái của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khẳng định Bình Nhưỡng sẽ sớm phóng lại vệ tinh trinh sát quân sự vào quỹ đạo không gian một cách chính xác.
Mộc Miên (Theo Sputnik)