(ĐSPL) - Bệnh đột quỵ do nắng nóng có thể xảy ra với nhiều người và cũng rất nguy hiểm nếu không biết cách xử trí kịp thời.
Nhờ khả năng điều hòa nhiệt độ nên thân nhiệt của chúng ta luôn ổn định ở mức 37 độ C, dù nhiệt độ ngoài môi trường có giảm xuống hay tăng lên. Trong những ngày nắng nóng, cơ thể phải thải nhiệt bằng cách ra mồ hôi, thở nhanh, đi tiểu, giãn mạch ngoài da… Chúng ta nên tìm cách làm mát thân nhiệt, nếu không lưu ý, chủ quan dễ có nguy cơ xảy ra đột quỵ trong mùa nắng nóng.
Đối tượng có nguy cơ xảy ra đột quỵ do nắng nóng
- Người già yếu, trẻ em và người có các bệnh mãn tĩnh như bệnh tim mạch, phổi, cao huyết áp, béo phì... cũng có thể xảy ra nếu phải làm việc với cường độ cao liên tục dưới trời nóng ẩm, như các vận động viên chạy việt dã, đua xe đạp hoặc nông dân lao động chân tay trên những cánh đồng.
Người già, trẻ em là những đối tượng có nguy cơ bị đột quỵ do nắng nóng cao nhất (Ảnh minh họa). |
- Người ở vùng khí hậu mát mẻ di chuyển tới các vùng có khi hậu nắng nóng, vì phải mất thời gian để cơ thể của họ làm quen với nhiệt độ môi trường mới cũng dễ có nguy cơ đột quỵ.
- Những người uống quá nhiều rượu, gây ra hiện tượng đào thải nước trong cơ thể dẫn đến mất nước, khi đi ra ngoài trời nắng nguy cơ đột quỵ rất cao.
Biểu hiện của đột quỵ do nắng nóng
Các biểu hiện ban đầu luôn có như vã mồ hôi, đau đầu, khó chịu, mặt đỏ, đỏ da toàn thân, cảm giác nghẹt thở, thở nhanh, có khi đau bụng, nôn mửa, sau đó xuất hiện chóng mặt, hoa mắt, mặt tái nhợt, mạch nhanh, ngất lịm, chuột rút, đái ít, sốt cao có khi tới 440C, da và niêm mạc khô, trụy mạch. Cá biệt có trường hợp có tụ máu dưới màng cứng và trong não. Nặng hơn, nạn nhân sẽ có biểu hiện thương tổn thần kinh như li bì, giãy giụa, mê sảng, hôn mê và có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Xử trí thế nào khi phát hiện có người đột quỵ do nắng nóng
Đầu tiên là phải tìm cách hạ thân nhiệt xuống dần từng bước và càng sớm càng tốt bằng các biện pháp như đưa nạn nhân vào chỗ mát, cởi hết quần áo; chườm lạnh bằng nước đá khắp người hoặc phun nước lạnh hay nhúng cả người nạn nhân vào bể nước lạnh. Khi nhiệt độ xuống 380C, đưa nạn nhân vào chỗ thoáng mát. Sau đó có thể cho nạn nhân uống aspirin, hoặc aminazin rồi nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để tiếp tục theo dõi điều trị.
Phát hiện ra người bị đột quỵ cần xử lý đúng quy trình và đưa tới bệnh biện nơi gần nhất (Ảnh minh họa). |
Tại cơ sở y tế, nạn nhân sẽ được hồi sức hô hấp, tuần hoàn, điều chỉnh thăng bằng điện giải, kiềm toan, truyền dịch khoảng 5 lít (đường 5\%; NaCl 0,9\%), chống suy thận cấp do tiêu cơ vân. Khi cần, phải tiến hành lọc máu cho nạn nhân và điều chỉnh rối loạn các tạng khác: suy gan, rối loạn đông máu, chăm sóc, nuôi dưỡng đầy đủ... cho tới khi nạn nhân phục hồi.
Phòng chống đột quỵ do nắng nóng
- Tránh ra ngoài đường vào buổi cao điểm của nắng nóng (12 giờ đến 15 giờ), nếu cần thiết phải ra ngoài trời thì cần mặc áo chống nắng (nên chọn áo mầu trắng hoặc mầu dịu, không nên mặc các mầu hấp thụ nhiệt tốt như mầu đen, sẫm, đỏ), đeo khẩu trang, kính chống nắng.
Uống đủ nước kể cả không khát giúp cơ thể luôn khỏe mạnh (Ảnh minh họa). |
- Uống đủ nước kể cả khi không cảm thấy khát, có chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn nhiều trái cây, bổ sung thêm nhiều nguồn năng lượng để cơ thể luôn khỏe mạnh trong những ngày nắng nóng
- Bảo đảm an toàn thực phẩm để tránh các dịch bệnh dễ lây lan trong mùa hè như bệnh tay chân miệng, tiêu chảy...
- Khi sử dụng điều hòa, các gia đình nên điều chỉnh ở nhiệt độ 27-28 độ C, tránh việc thay đổi nhiệt độ quá đột ngột.
- Những người cao tuổi, sức yếu, có bệnh tim mạch, đã từng bị đột quỵ thì không ra ngoài nắng sau 10 giờ sáng, không làm việc hoặc hoạt động gắng sức ngoài trời nắng khi cơ thể mệt mỏi, đói và khát.
Chương Tương (Tổng hợp)