(ĐSPL) - Bị dị tật, tay chân co quắp, không nói được nhưng Hùng Anh vẫn khao khát tìm đến con chữ. Cậu chỉ học bảy lớp, nhiều lúc cứ ngỡ con đường tìm đến tri thức sẽ bị đứt gãy. Thế nhưng, mới đây, cậu đã viết nên cổ tích, khiến mọi người cảm phục khi nhận giấy chứng nhận đậu vào một trường đại học danh tiếng tại miền Trung.
Đến trường không học bạ
Những ngày này, vợ chồng ông Trương Phú Một (53 tuổi) và vợ là bà Trần Thị Lệ Hương (51 tuổi, xã Điện Phước, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) vừa mừng, vừa lo khi nhận được giấy chứng nhận đậu đại học của cậu con trai cả Trương Hùng Anh (25 tuổi). Bà Hương chia sẻ: “Con đậu đại học là niềm vui không thể tả xiết. Tuy nhiên, con bị tật nguyền, liệu rằng, vào môi trường đại học, cháu có theo nổi bạn bè hay không? Liệu cháu sẽ ra sao ở môi trường mới? Liệu cháu có đủ sức để tiếp tục con đường học vấn?...”.
Chiến tranh kết thúc, may mắn hơn những đồng đội phải bỏ lại xương cốt ở chiến trường, ông Một trở về quê và kết hôn. Bà Hương mang thai, cả dòng họ đều mừng. Thế nhưng, ngày đứa trẻ chào đời, mọi người câm lặng, nước mắt của người mẹ tuôn rơi. Tay chân Hùng Anh co quắp lại, khóc không thành lời... Bà Hương nén nỗi đau vào lòng, vỗ về nuôi lớn cậu con cả. Sau Hùng Anh, cô em gái Trương Ánh Diệu (23 tuổi), may mắn hơn nên chỉ mắc bệnh nhẹ. Nhưng, cậu em út Trương Phú Thiện (21 tuổi) thì lại bị dị tật rất nặng do chất độc da cam, không đi lại được nên mọi hoạt động cá nhân phải nhờ đến người thân.
Hùng Anh bên em trai và giấy trúng tuyển của Hùng Aanh. |
Hùng Anh chỉ có thể cử động được bốn ngón tay nên rất khó khăn trong các hoạt động. Thế nhưng, ngay từ khi còn nhỏ, cậu đã chăm sóc cho đứa em út. Nhìn Hùng Anh, không ai nghĩ cậu có thể đến trường. Năm em gái bước vào lớp 1, cậu xin cha mẹ cho đến trường cùng em. Vợ chồng ông Một ái ngại nhưng vì thương con nên đã xin cho cậu nhập học. Thầy cô đồng ý. Tuy nhiên, dị tật khiến việc học chữ trở nên khó khăn. Vì không theo nổi bạn bè, cậu đành từ giã trường lớp, ngày ngày quẩn quanh trong căn nhà dột nát cùng Thiện.
Mỗi tối, Diệu học bài, Hùng Anh cũng ngồi bên nghe lỏm. Cậu ú ớ, tập nhận dạng mặt chữ, con số. Theo thời gian, Diệu lên cấp hai. Một lần nữa, cậu mong muốn cha mẹ cho mình đến trường. Bà Hương chiều con, đến trường cấp hai Trần Qúy Cáp (xã Điện Phước) xin thầy Hiệu trưởng cho con được vào học dự thính. Do cậu không tốt nghiệp tiểu học nên nhà trường đành chấp thuận cậu vào học mà không có học bạ. Cậu chăm chú lắng nghe lời thầy cô giảng bài. Vì tay chân co quắp, cậu không viết kịp bài ở trường. Thế nên sau mỗi buổi học, cậu phải mượn vở của bạn, về nhà nhờ mẹ viết lại. Suốt nhiều năm liền, hình ảnh mỗi tối, cậu ngồi bên mẹ viết chữ đã trở nên quen thuộc với nhiều người dân ở xã Điện Phước. Bà Hương thừa nhận: “Tôi giúp con chép bài rồi giảng lại. Các môn Văn, Sử tôi còn biết sơ sơ nên có thể giảng lại. Riêng môn Anh văn, tôi chẳng biết gì nên thấy bạn bè con viết thế nào thì ghi lại y hệt như thế”.
Hùng Anh học không tốt các môn xã hội nhưng tiếp thu nhanh những môn học tự nhiên. Đặc biệt, cậu luôn đứng nhất nhì lớp về điểm số môn Toán. Thầy cô, bạn bè cảm phục trước tinh thần hiếu học cũng như sự thông minh của cậu. Các giáo viên thương, không muốn cậu mặc cảm nên tự làm một cuốn sổ học bạ tượng trưng.
Bốn năm học trôi qua nhanh. Trong khi bạn bè vui mừng bước lên cấp ba, Hùng Anh không có học bạ nên không được trường nào tuyển sinh. Cậu buồn bã, nằm co ro ở nhà với ý nghĩ, sự học của mình sẽ bị đứt gãy mãi. Ông Một không đành lòng, tiếp tục hành trình tìm con chữ cho con trai. Ông viết thư gửi đến ban giám hiệu trường THPT Nguyễn Duy Hiệu và nhờ phía chính quyền xã tác động. Bị thuyết phục trước sự ham học hỏi của học sinh tật nguyền cũng như tấm lòng của người cha nên phía nhà trường chấp thuận cho cậu học ở lớp cơ bản.
Bước vào giảng đường đại học từ những cố gắng miệt mài
Chỉ trong thời gian ngắn, Hùng Anh đã khiến thầy cô ngạc nhiên vì sự thông minh và chăm học. Các môn tự nhiên, cậu luôn đứng top đầu lớp. Hoàn thành năm lớp 10, riêng môn Toán, cậu đạt tổng điểm trung bình là 9,5. Bước lên lớp 11, ban giám hiệu quyết định chuyển cậu sang lớp chuyên. Việc được mọi người công nhận thành tích càng khuyến khích sự ham học hỏi của Hùng Anh. Cậu cũng không ngần ngại giúp đỡ các bạn học yếu hơn ở lớp.
Ông Một đi làm phụ hồ ở tỉnh xa, bà Hương ở nhà làm ruộng chăm hai con bệnh tật. Trường cấp ba cách nhà 10km, gia đình không có xe, mỗi ngày, bà đưa Hùng Anh ra đường lớn xin xe cho con đến trường. Nhiều hôm, trời mưa, người đi đường ái ngại không cho quá giang, cả hai mẹ con ướt nhẹp. Bà khuyên con trai nghỉ học một buổi nhưng cậu không đồng ý. Có hôm, trời nắng gắt, đứng giữa đường, cậu không thở nổi nhưng vẫn quyết không bỏ học. Đến giữa lớp 11, em Hà Anh Khánh (ngụ cùng xã) thấy cảnh Hùng Anh tật nguyền, mỗi ngày rất khó khăn trong việc xin đi nhờ xe đến trường nên ngỏ ý sẽ chở Hùng Anh đi học. Từ đó, tình bạn giữa hai em ngày càng thắm thiết. Hình ảnh cậu bé tật nguyền ngồi sau xe bạn chở đến trường hàng ngày không quản nắng mưa đã trở nên quen thuộc với người dân ở đây. Cũng nhờ vậy mà Hùng Anh vơi dần lo lắng về việc đi lại. Còn Khánh lại được Hùng Anh giúp đỡ, học tốt các môn tự nhiên hơn.
Đối với Hùng Anh, em gái là tấm gương nhiều nghị lực để noi theo. Diệu đậu vào đại học Y dược (đại học Huế), phải tự bươn chải bằng việc làm thêm để tiếp tục học. Đến nay, em đang học năm thứ ba và là một trong những sinh viên có thành tích học tập tốt của trường. Mỗi khi có thời gian rảnh về nhà, Diệu lại lấy sách vở ra ôn tập, giúp anh trai khái quát lại kiến thức. Nhiều lúc, Diệu động viên: “Anh đến trường là một kì tích. Và, anh sẽ càng tuyệt vời hơn khi đậu vào đại học”. Diệu cũng là người định hướng cho anh trai nên học ngành công nghệ thông tin. Bởi, chỉ ngành này mới phù hợp với bệnh tật của anh. Nhờ sự động viên của em gái, cậu càng có quyết tâm hơn. Tổng kết lớp 12, Hùng Anh đạt số điểm đáng mơ ước: Toán 9,3; Lý 9,4 và Hóa 7,2. Cậu tâm sự với cha mẹ, có nguyện ước tiếp tục vào đại học. Bà Hương từng được thầy cô trực tiếp dạy dỗ,
Hùng Anh giải thích, cậu viết rất chậm, chữ xấu, chỉ có các thầy cô từng dạy mới nhận biết được. Thầy cô thi rọc phách, cậu mất cơ hội. Do đó, bà có ý định sẽ xin đặc cách cho con vào đại học. Nhưng khi biết điều này, Hùng Anh ra sức phản đối. Cậu cho rằng, như thế thì sẽ không công bằng. Cậu khăng khăng đã học thì phải thi, điểm cao hay thấp cũng là của mình. Nếu cậu không đậu đại học thì học nghề. Hùng Anh đăng ký hồ sơ vào ngành công nghệ thông tin trường đại học Bách khoa (đại học Đà Nẵng). Kết quả tổng điểm các môn khối A của cậu đạt 19,95 điểm. Cùng với hai điểm cộng, cậu trúng tuyển vào ngành mơ ước. Ngày cậu nhận được giấy báo đậu đại học, người thân, bạn bè, hàng xóm... lần lượt đến chúc mừng. Mọi người không khỏi khâm phục nghị lực của nam sinh bị chất độc màu da cam.
Ông Một tâm tư: “Hơn mười ngày qua, tôi không ngủ được vì lo đến khoản học phí cho con cũng như làm sao giúp đỡ Hùng Anh ở giảng đường. Sau cùng, tôi quyết định đến trường đại học Bách khoa Đà Nẵng xin việc làm. Biết được hoàn cảnh của gia đình, nhà trường nhận tôi vào làm nhân viên giữ xe cho sinh viên. Nhờ công việc này, tôi sẽ có một khoản để nuôi con. Đồng thời, hàng ngày, có thể đưa đón cũng như giúp được phần nào cho con”.
Ông Võ Nga, Chủ tịch hội Khuyến học xã Điện Phước nhận xét: Hùng Anh là tấm gương sáng tại địa phương về nghị lực cũng như sự ham học hỏi. Mới đây, thông tin cậu đậu đại học khiến mọi người rất vui mừng. Ngoài học giỏi, cậu còn đánh cờ tướng rất tốt. Cậu cũng từng tham gia giải cờ tướng do xã tổ chức.
Hoàn cảnh gia đình khó khăn Ông Trương Phú Hòa, Trưởng thôn Nhị Dinh 3, xã Điện Phước thông tin: “Gia đình ông Một là gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhất tại địa phương. Gia đình này là hộ nghèo của thôn. Vợ chồng ông Một không có việc làm ổn định, có hai đứa con bệnh tật. Trong đó, em Thiện bị liệt, chỉ nằm một chỗ, mọi hoạt động cá nhân đều phải nhờ người thân. Hiện, vợ chồng ông phải nuôi em Diệu học đại học Y dược Huế và sắp tới nuôi thêm Hùng Anh học đại học”. |
HUY CƯỜNG
[mecloud]mY3TUbNeXQ[/mecloud]