Doanh số thu phí của tháng cao nhất tại các trạm BOT trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình hiện nay trên 70,3 tỷ đồng, tháng thấp nhất là 60,1 tỷ đồng.
Trong tháng 5 vừa qua, thông tin tổng doanh thu tại các trạm BOT tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ gồm trạm Pháp Vân, trạm Thường Tín, trạm Vạn Điểm, trạm Cầu Giẽ có doanh thu hơn 57 tỷ đồng được nhiều người quan tâm.
Liên quan đến sự việc này, báo Tiền Phong trích dẫn văn bản do ông Vũ Ngọc Oánh, Phó tổng Giám đốc công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ (MPC - nhà đầu tư), về nội dung công tác thu phí trong thời gian gần đây và một số điều chỉnh phương án tài chính theo tình hình thực tế.
Trạm BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ảnh: Tiền Phong |
Theo MPC, doanh số thu phí của tháng cao nhất tại các trạm BOT trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình hiện nay trên 70,3 tỷ đồng; tháng thấp nhất là: 60,1 tỷ đồng. Trong đó: doanh số vé lượt là: 52,6 tỷ đồng; còn lại là vé tháng, quí. Tổng cộng trong 5 tháng đầu năm đạt 324 tỷ đồng, trung bình 2,1 tỷ đồng/ngày.
Đánh giá về lưu lượng phương tiện trên tuyến, ông Oánh cho biết: Do đặc thù tuyến Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ là cửa ngõ phía Nam của Thủ đô, nên các phương tiện đã lựa trọn tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ là tuyến lưu thông chính thay cho tuyến quốc lộ 1A.
“Đây là cơ hội để Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ tiếp tục tăng doanh số cho các năm tới”, lãnh đạo MPC nhấn mạnh.
Đánh giá về việc công khai, minh bạch thu phí tại các trạm thu phí, lãnh đạo MPC thông tin, việc thu phí hiện nay tại Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ là công khai, minh bạch, có sự giám sát thường xuyên của các cơ quan quản lý nhà nước, ngoài ra còn có sự giám sát chéo của Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), do hai bên đang thực hiện công tác thu phí liên thông.
Trả lời báo VTC News về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Giao thông Phương Thành (nhà đầu tư BOT cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ) cho biết, nếu thu được nhiều thì thời gian thu sẽ rút ngắn, còn nếu thu ít thì thời gian thu sẽ kéo dài hơn.
Ông Nguyễn Văn Khôi thừa nhận, doanh thu đạt được từ trạm BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ hiện nay vượt xa dự kiến ban đầu. Tuy nhiên, theo ông Khôi, chưa thể khẳng định doanh thu này sẽ ổn định trong vài năm tới. “Lưu lượng thay đổi, đột biến là điều hoàn toàn xảy ra do sự phát triển của các cơ sở hạ tầng khác”.
Nói về doanh thu gần 2 tỷ/ngày, ông Khôi nhấn mạnh, thực tế doanh nghiệp chỉ được hưởng mức lợi nhuận định mức là 11,5%. “Con số 57,9 tỷ đồng phải gánh cho rất nhiều các chi phí khác như việc trả lãi ngân hàng, trả tiền gốc của nhà đầu tư bỏ ra, phí bảo trì, quản lý… Không phải nhìn vào các con số rồi nói chúng tôi thu nhiều được. Mức thu đã có trong quy định và việc bao giờ hoàn vốn để trả lại đường cho Nhà nước còn phải được tính toán lại”, đại diện nhà đầu tư BOT cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ khẳng định.
Trả lời về sự việc bị Tổng cục Đường bộ yêu cầu dừng thu phí từ ngày 10/6 để hoàn thành công tác sao lưu dữ liệu, ông Khôi cho rằng không nên gọi sự việc đó là “lệnh cấm, càng không phải là sự cố”.
Ông Khôi cũng khẳng định, hiện việc thu phí của BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ là minh bạch, công khai. Tất cả quá trình thu phí đã được kiểm soát thông qua hệ thống dây chuyền thu phí có công nghệ đúng theo yêu cầu của Bộ GTVT.
Theo báo An ninh thủ đô, cao tốc Pháp Vân- Cầu Giẽ được đầu tư nâng cấp theo hình thức BOT có tổng chiều dài khoảng 29km với điểm đầu tại Km182+300 (vị trí nút giao Pháp Vân giao giữa đường Pháp Vân-Cầu Giẽ với đường Vành đai 3 của Hà Nội); điểm cuối tại Km211+256 (Km211+000 của tuyến cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình).
Dự án có tổng mức đầu tư là 6.731 tỷ đồng và được chia thành hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 được khởi công từ ngày 29/9/2014 và hoàn thành vào 30/6/2015. Thời gian thu phí hoàn vốn là 17 năm 3 tháng.
Nguyễn Phượng(T/h)