(ĐSPL) - Từ đầu năm người Thái ở bản Cao Vều đã nuôi một con lợn đẹp để cuối năm làm thịt đón Tết Nguyên đán. Với người Thái, ngày cuối cùng của năm cũ, lễ gội đầu đặc biệt quan trọng, mọi người cùng nhau ra suối gội đầu, để tống tiễn những điều không may trong năm cũ, đón niềm vui, hạnh phúc trong năm mới. Đặc biệt, theo tục lệ người Thái sẽ gói hai loại bánh chưng không nhân, có màu đen và trắng.
Chuẩn bị Tết từ đầu năm
Con đường nhựa độc đạo dẫn lên bản Cao Vều (xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An), bản xa nhất vùng biên Việt – Lào khá quanh co, nhưng phong cảnh nên thơ. Sáng sớm sương mù giăng kín, không gian tĩnh mịch, hai bên đường những ngôi nhà sàn nép mình dưới tán cây rừng xanh mướt, ruộng chè bậc thang, đồi cao su trải dài khiến cho người đi đường có cảm giác ấm cúng. Bản Cao Vều được chia thành 4 bản nhỏ là Vều 1, Vều 2, Vều 3, Vều 4.
Theo tìm hiểu của PV, bản Cao Vều chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đặc biệt là người dân tộc Thái. Cuộc sống của người dân nơi đây đã thay đổi, nhưng phong tục truyền thống đón Tết Nguyên đán vẫn được người Thái gìn giữ và được truyền từ đời này sang đời kia. Điều ít ai biết, xưa kia người Thái đón Tết hầu như quanh năm. Trong năm có rất nhiều lễ tết, đầu năm là tết cơm mới sau khi lúa đã chín vàng. Sau đó là tết mừng nhà mới (Tết uống rượu - PV), Tết ông Táo, Tết đón sấm đầu năm, tết Síp Sí (14/7 âm lịch), Tết độc lập (2/9)... Hiện, người Thái chỉ đón Tết Nguyên đán.
Phụ nữ Thái mặc trang phục áo dài Thái đánh cồng chiêng, nhảy múa ngày Tết. (Ảnh Thành Long) |
Trưởng bản Vều 1 Nguyễn Văn Châu cho PV biết: “Ngay từ đầu năm người Thái đã nuôi một con lợn đến cuối năm làm thịt đón Tết Nguyên đán. Nhà nào nhiều người sẽ nuôi một con, nhà ít thì đụng lợn để cùng san sẻ. Các phong tục truyền thống đón Tết Nguyên đán của người Thái vẫn được duy trì và gìn giữ. Nhưng những hủ tục lạc hậu đã được bỏ”.
Người Thái chuẩn bị đón Tết Nguyên đán từ khá sớm. Vào những ngày cận Tết, nhà nhà nô nức chuẩn bị quần áo mới, thịt lợn, đồ ăn và các trò chơi dân gian để phục vụ vui chơi. Ngày 25 tháng Chạp là phiên chợ cuối cùng trong năm, người dân trong bản đi chợ mua bán rất tấp nập. Sáng 27 hoặc 28 tháng Chạp, trưởng bản sẽ đứng ra tổ chức cả bản cùng tổng vệ sinh cho sạch sẽ đón Tết. Tối 29 nhà nhà bắt đầu gói bánh chưng để chuẩn bị sáng 30 sẽ luộc. Trò chuyện với PV, bà Hà Thị Hương (55 tuổi, dân tộc Thái, trú tại bản Vều 1) vui vẻ nói: “Ngày 30 Tết, theo tục lệ, tất cả các thành viên trong gia đình đều đi gội đầu, tắm rửa dưới suối. Tục lệ này mang ý nghĩa tống tiễn những điều không may mắn trong năm cũ để đón niềm vui, hạnh phúc trong năm mới sắp đến. Đối với phụ nữ, lễ mặc áo váy mới rất quan trọng. Trang phục, váy áo có màu sắc sặc sỡ hơn ngày thường, đặc biệt là mặc áo Thái dài và đeo thêm đồ trang sức”.
Bà Hà Thị Hương cho hay, cũng giống như người Kinh, bánh chưng không thể thiếu trong ngày tết. Người Thái sẽ gói hai loại bánh chưng là bánh chưng đen và trắng không có nhân. Để làm bánh chưng đen phải đốt rơm lên, lấy tro giã lẫn gạo nếp trắng rồi sàng sạch muội tro mà bánh vẫn giữ được màu đen tự nhiên. Còn bánh chưng trắng là màu của gạo nếp, nên không phải cho gì thêm. Bánh không nhân từ xa xưa người Thái đã làm như vậy vì cho rằng hương vị bánh chưng là từ lá dong và mùi thơm của gạo.
Trước đây, đồng bào Thái có tục gọi hồn, làm vía cho các thành viên trong gia đình vào một tối trước khi bước sang năm mới có thể vào ngày 29 hoặc 30 tháng Chạp. Theo đó, người Thái sẽ thịt hai con gà trống, một con gà để cúng tổ tiên, một con dùng để gọi hồn cho các thành viên trong nhà. Để gọi hồn, người dân sẽ phải mời ông Mó (thầy cúng – PV) về làm lễ. Ông Mó sẽ lấy của mỗi người một chiếc áo, bó lại một đầu với nhau, vắt lên vai. Trên tay ông Mó lúc đó cầm một thanh củi đang cháy, rồi mang số áo đó ra đầu làng gọi hồn hai ba lần sau đó về chân cầu thang nhà sàn lại gọi một lần nữa. Xong việc, ông Mó sẽ buộc một sợi chỉ đen vào cổ tay từng thành viên gia đình để trừ tà. Sợi chỉ đó phải để tự đứt, theo dân gian nếu người đeo tự ý rứt đứt thì chủ nhân dễ bị ốm hoặc gặp chuyện chẳng lành.
Kể về phong tục Tết, Trưởng bản Hà Văn Châu nói, vào đêm giao thừa, người lớn cùng ngồi quây quần bên bếp lửa ấm ấp để chào đón năm mới. Vừa sưởi ấm vừa chú ý nghe ngóng xem trong đêm ấy, con gì kêu trước để dự đoán thời tiết cả năm. Nếu nghe thấy tiếng con nai rừng kêu trước thì sang năm mới sẽ làm ăn khó, thời tiết không thuận lợi. Trường hợp con mèo mà kêu trước thì sang năm mới sẽ loạn cọp... Trong khi đó, tại nhà sàn lớn nhất bản, nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, các chàng trai, cô gái sẽ nhảy múa, hát bên tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng hát giao duyên vẫn vang lên đều đặn trong đêm giao thừa. Đặc biệt, người Thái có tục giữ bếp luôn đỏ lửa trong suốt đêm giao thừa. Nhà nào để bếp lửa mà tắt thì năm mới sẽ gặp phải nhiều điều không may mắn.
Không chửi bậy, nói xấu trong ngày Tết
Tết đến xuân về, bản Cao Vều như được thổi luồng sinh khí mới. Ai nấy cũng đều chúc nhau một năm mùa màng bội thu, gia đình phát tài, phát lộc. Chị Hà Thị Nhàn (dân tộc Thái, trú tại bản Vều 2) bảo rằng: “Năm mới, điều tối kỵ của người dân bản Cao Vều đó là nói tục, chửi bậy. Nếu ai có lỡ miệng thì ắt sẽ xui xẻo cả năm. Thế nên, ai nấy đều giữ gìn lời ăn tiếng nói, không chửi mắng nhau, không nói năng tục tằn thô lỗ, không đòi nợ nhau, không nói xấu nhau trong ngày đầu xuân”.
Ngày Tết người Thái tập trung nhảy múa, hát hò theo tiếng cồng, chiêng cả ngày. (Ảnh: Thành Long). |
Chị Nhàn kể, ngày trước, người Thái có tục lấy nước cầu may, bởi nước mang đến sự tốt lành, thịnh vượng, nuôi sống muôn loài. Việc lấy nước phải được thực hiện trước khi gà gáy canh 1. Chưa kịp lấy nước mà gà đã gáy sẽ không còn ý nghĩa. Người dân có thể xuống suối lấy nước, nhưng lấy được nước suối từ đầu nguồn thì nước sẽ mát trong, thanh khiết hơn. Nước suối đầu nguồn mang về uống và rửa mặt, trong những giây phút đầu tiên của năm mới thì năm đó cả gia đình sẽ luôn mạnh khỏe, gặp nhiều may mắn.
Người Thái chuẩn bị mâm cỗ ngày Tết khá công phu và cẩn thận. Họ lấy đầu và 4 chân lợn làm đồ cúng đặt cùng thịt giàng, bánh chưng, cá kho... Có 3 mâm cúng, mâm đặt trên cao là để cúng tổ tiên nhà chồng, còn mâm thấp hơn cúng tổ tiên nhà vợ, mâm thứ ba là cúng các thần trong nhà như thần bếp, thần thổ dưới chân cầu thang và những vong hồn của những người chết oan, chết trẻ...
Ngày mồng một Tết, bố mẹ, hay chủ nhà không ra khỏi cửa mà chờ con rể đến chúc phúc. Vào ngày đầu năm, họ không quên đem dao, rựa vừa đi ra đường vừa phát quang để thông thoáng cho năm mới. Đặc biệt, người Thái kiêng vứt lá dong xuống gậm sàn, kiêng quét nhà vào ngày mùng một tết. Vui nhất trong những ngày tết là hội “phọn cồng, phọn cóng”, người dân tha hồ vui chơi nhảy sạp, tung còn trong tiếng cồng, tiếng chiêng rộn rã. Hội vui thường kéo dài cho đến rằm tháng Giêng mới kết thúc.
VŨ PHƯƠNG