Một nghiên cứu mới cho thấy những thay đổi cực đoan trong bầu khí quyển đã xoá sổ gần như 100% sự sống trên Trái đất, vào thời điểm cách ngày nay khoảng 2 tỷ năm.
Hầu hết những vi sinh vật từng tồn tại trên Trái đất vào 2 tỷ năm trước đã bị xoá sổ. Ảnh minh hoạ: CNN |
Các nhà khoa học đã lấy mẫu barit - một loại khoáng chất hơn 2 tỷ năm tuổi ở Quần đảo Belcher của Canada. Những mẫu vật ẩn chứa “dấu vết”, là manh mối hữu ích để khám phá bầu không khí Trái đất khi lần đầu tiên các tảng đá được hình thành, nghiên cứu sinh Malcolm Hodgskiss tại Đại học Stanford, đồng tác giả của báo cáo nói với CNN.
Nghiên cứu tập trung vào một hiện tượng gọi là “Sự kiện oxy hóa vĩ đại”, diễn ra như sau: Hàng tỷ năm trước, chỉ có các vi sinh vật sống sót trên Trái đất. Khi quang hợp, chúng làm thay đổi thành phần hóa học của khí quyển, tạo ra một luồng oxy mà cuối cùng chính bản thân chúng lại không thể duy trì. Các vi sinh vật đã cạn kiệt chất dinh dưỡng cần thiết để tạo ra oxy, làm cho bầu khí quyển Trái đất bị “tắt lịm”. Điều này dẫn đến sự hình thành "giọt nước khổng lồ" trong sinh quyển, nghĩa là hầu hết sinh vật trên Trái đất đều bị xoá sổ.
Tính toán của nhóm nghiên cứu cho thấy, sự kiện đã khiến khoảng từ 80 - 99,5% sinh vật chết đi, đơn giản là vì chúng tạo ra quá nhiều oxy. "Ngay cả những ước tính bảo thủ nhất của chúng tôi cũng vượt quá ước tính về số lượng sự sống đã bị mất trong thời kỳ tuyệt chủng của loài khủng long khoảng 65 triệu năm trước", ông Hodgskiss nói.
Vậy, tại sao các nhà nghiên cứu có thể khám phá Trái đất thời kỳ trước khi con người từng sống? Họ đã kết hợp một mô hình về lượng carbon dioxide và oxy có thể có trong khí quyển, sau đó dựa trên nghiên cứu trước đây với các phép đo hóa học của họ từ barit để tính toán thời gian tồn tại.
Những phát hiện này tập trung vào sự sống từ thời xa xôi hơn 2 tỷ năm trước, nhưng vẫn được cho là góp phần vào giải quyết những câu hỏi khoa học cũng như vấn đề tồn tại của không gian sống hiện nay. Đại dương đang nóng lên, ảnh hưởng đến số lượng chất dinh dưỡng. Dòng chảy trong đại dương cũng phá vỡ hệ sinh thái dưới nước, đe dọa đến sự quang hợp của các sinh vật vốn đóng góp hơn một nửa lượng oxy trong khí quyển của Trái đất.
PHƯƠNG PHƯƠNG(Theo CNN)