Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa biên soạn được một bộ SGK theo yêu cầu, chưa có cơ chế tài chính bảo đảm công bằng trong việc biên soạn và sử dụng SGK... là những nội dung được Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội nêu ra trong việc đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, giai đoạn 2015 – 2020.
Có nhiều sai sót trong việc đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông. |
Bộ GD&ĐT chưa làm tròn nhiệm vụ
Ngày 6/11, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội phát hành báo cáo giám sát, chỉ rõ nguyên nhân khiến dư luận phản ứng về SGK.
Theo Nghị quyết 88, chương trình và SGK giáo dục phổ thông mới sẽ được bắt đầu triển khai áp dụng theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông từ năm học 2018 - 2019. Tuy nhiên, do việc chuẩn bị các điều kiện triển khai chưa đạt được lộ trình, kế hoạch đề ra, theo đề xuất của Chính phủ, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 51 điều chỉnh lộ trình thực hiện việc triển khai áp dụng chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới bắt đầu từ năm học 2020 - 2021 đối với lớp 1, từ năm học 2021 - 2022 đối với lớp 2, 6; từ năm học 2022 - 2023 đối với lớp 10 và các lớp tiếp theo như lộ trình.
Báo cáo giám sát nêu rõ, Nghị quyết 88 quy định, bộ GD&ĐT tổ chức việc biên soạn một bộ SGK để bảo đảm chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới trong khi phương thức xã hội hóa biên soạn SGK chưa có tiền lệ ở Việt Nam, đồng thời bảo đảm chất lượng cũng như tránh độc quyền trong xuất bản SGK vẫn chưa tổ chức, biên soạn được một bộ SGK giáo dục phổ thông; đồng thời sách chữ nổi Braille và SGK tiếng dân tộc thiểu số (các môn học tự chọn từ lớp 1 đến lớp 12 ) theo chương trình giáo dục phổ thông mới cũng chậm được ban hành theo quy định.
Việc thẩm định và phê duyệt SGK, cơ quan giám sát nêu rõ đã có 46 SGK thuộc 5 bộ SGK lớp 1 được Bộ trưởng bộ GD&ĐT phê duyệt và đưa vào sử dụng. Nhưng, qua giám sát cho thấy, quy định của Bộ chưa cụ thể trong yêu cầu về chất lượng và quy trình hoàn chỉnh bản mẫu SGK trước khi nhà xuất bản trình hội đồng quốc gia thẩm định.
Cụ thể là việc yêu cầu tác giả SGK phải là công dân Việt Nam chưa rõ ràng đã làm nảy sinh một số bất cập trong quá trình thẩm định SGK tiếng Anh, dẫn đến việc thay đổi tên tác giả nhiều bộ SGK (từ tác giả nước ngoài phải điều chỉnh thành tác giả Việt Nam). Bên cạnh đó, quy định về tổ chức thực nghiệm SGK chưa rõ thời lượng và quy mô thực nghiệm, chưa được lấy ý kiến phản hồi rộng rãi.
Do vậy, đối với SGK lớp 1 (năm học 2020 - 2021) có những nội dung chưa phù hợp gây khó khăn cho giáo viên, học sinh trong quá trình thực hiện, gây băn khoăn, phản ứng trong dư luận xã hội. Thực tế, sau 2 tháng triển khai chương trình, SGK lớp 1 (năm học 2020 - 2021), có nhiều ý kiến của phụ huynh, cử tri, dư luận về SGK Tiếng Việt lớp 1. Chủ yếu tập trung vào sách Tiếng Việt thuộc bộ Cánh Diều. Cụ thể là sách còn nhiều thiếu sót, chưa chuẩn; một số bài có nội dung và hình ảnh sử dụng truyện ngụ ngôn, phỏng dịch từ nước ngoài không phù hợp với tâm lý lứa tuổi và thiếu tính định hướng giáo dục (phần tập đọc ở bài 88 và 89 sách Cánh Diều bài Hai con ngựa; Cua, cò và đàn cá...).
Sách có nhiều từ ngữ mang tính địa phương, các yêu cầu không phù hợp với trẻ mới vào lớp 1; một số thuật ngữ còn trừu tượng; một số tình huống còn gượng ép (dùng quá nhiều từ địa phương như "chả", "má"... và cách đặt câu không theo đúng ngữ pháp).
Liên quan đến lựa chọn SGK, cơ quan giám sát cho biết, theo báo cáo của các địa phương, việc ban hành văn bản hướng dẫn lựa chọn SGK lớp 1 năm học 2020 - 2021 còn chậm, khi lần đầu các cơ sở giáo dục chọn SGK, với số bộ sách nhiều (5 bộ sách). Bên cạnh đó, một số địa phương, do hiểu chưa đầy đủ về quy định của luật Giáo dục 2019, nên còn băn khoăn về tính ổn định, lãng phí nếu không sử dụng lại bộ SGK lớp 1 đã lựa chọn, vì thay đổi phương thức chọn SGK (từ thẩm quyền của cơ sở giáo dục sang thẩm quyền của UBND tỉnh).
Giá cao gấp hơn 3 lần
Một vấn đề nữa được nêu tại báo cáo giám sát là giá SGK lớp 1 mới cao hơn SGK lớp 1 hiện hành khoảng 2 - 3 lần, một số cơ sở giáo dục chưa thực hiện nghiêm quy định về quản lý, sử dụng sách tham khảo tạo dư luận không tốt, ảnh hưởng trực tiếp tới kinh tế của một bộ phận dân cư trong khi Nhà nước vẫn chưa có chính sách hỗ trợ về SGK cho các nhóm đối tượng khó khăn.
Qua khảo sát, cho thấy tuy đơn giá tính trên mỗi trang in biến động không nhiều, nhưng giá của cả bộ sách mới có cao hơn giá của cả bộ sách lớp 1 hiện hành từ 3,3 - 3,7 lần (SGK mới có giá từ 179.000 - 199.000 đồng/bộ bao gồm cả SGK điện tử, trung bình khoảng 19.000 đồng/cuốn), trong khi SGK hiện hành có giá là 54.000 đồng/bộ, trung bình khoảng 9.000 đồng/cuốn).
Nguyên nhân sự chênh lệch giá được lý giải là do sách mới có số lượng quyển nhiều hơn từ 1,5 - 1,7 lần (bộ SGK mới gồm từ 9 - 10 cuốn, bộ SGK hiện hành chỉ có 6 cuốn); mỗi cuốn có số trang nhiều hơn, khổ sách rộng hơn; được in 4 màu (trong khi SGK lớp 1 cũ chỉ in 2 màu) nên đòi hỏi giấy in phải tốt hơn; được thực hiện theo phương thức xã hội hóa, không được trợ cấp một phần chi phí như SGK lớp 1 cũ. Bộ Tài chính đã thẩm định giá nhưng các cấu thành giá SGK (nguyên vật liệu, nhân công) vẫn phải bảo đảm đủ các chi phí.
Ngoài ra, năm học 2020 - 2021, việc cung ứng SGK cho đa số cơ sở giáo dục chậm (theo giám sát của Ủy ban đến cuối tháng 8/2020 sách mới về đến các cơ sở), gây khó khăn trong việc triển khai các khâu: lựa chọn sách, tập huấn giáo viên, trao đổi chuyên môn giữa các giáo viên, giữa các đơn vị trường, cụm trường.
Đáng chú ý, việc quy định các tỉnh, thành phố biên soạn tài liệu giáo dục địa phương là một quy định mới, chưa có tiền lệ trong thực tiễn. Bộ GD&ĐT đã ban hành văn bản hướng dẫn về nội dung tài liệu giáo dục địa phương nhưng chậm ban hành văn bản quy định việc thẩm định tài liệu giáo dục địa phương (ngày 15/9/2020 mới có thông tư quy định việc thẩm định tài liệu giáo dục địa phương).
Công Luân
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ Ba (180)